Quyết định bán quyền khai thác nhà ga T1 Nội Bài cho hãng hàng không tư nhân VietJet Air (VJA), thí điểm bán 100% vốn nhà nước tại cảng hàng không Phú Quốc, một phần cảng hàng không Đà Nẵng... sẽ là cú hích lớn thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực hàng không.
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (CAA) Lại Xuân Thanh cho biết việc nhượng quyền khai thác sảnh E nhà ga Nội Bài, cho phép VJA được sử dụng toàn bộ diện tích sảnh E cho các hoạt động của hãng hoặc các hãng hàng không khác... giống như một công ty khai thác nhà ga. “Điều này sẽ tạo tiền đề để kêu gọi và thu hút vốn tư nhân và cả nước ngoài vào lĩnh vực cảng hàng không, sân bay ở Việt Nam”, ông Thanh nhận định.
Nhiều nhà đầu tư tư nhân quan tâm
Theo ông Thanh, cảng hàng không quốc tế Cam Ranh đang được đầu tư xây đường cất hạ cánh thứ hai. Khi đưa đường cất hạ cánh mới vào hoạt động, nhà ga hiện có sẽ không đủ khả năng phục vụ và khai thác.
“Nhu cầu phát triển mở rộng kinh doanh ở nhà ga này trong tương lai rất lớn, CAA và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) sẽ kêu gọi vốn đầu tư của các thành phần kinh tế để xây dựng một hạ tầng nhà ga mới.
Sân bay Phú Quốc sẽ được thí điểm nhượng toàn bộ tài sản trong năm nay, dự án mở rộng nhà ga sân bay Đà Nẵng... cũng sẽ cần kêu gọi vốn đầu tư tư nhân và cần cơ chế cụ thể để thu hút các nguồn vốn bên ngoài này”.
Trong văn bản gửi bộ trưởng GTVT, ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó chủ tịch HĐQT VJA - cho biết trung bình mỗi năm hãng sẽ nhận 10 máy bay mới để phục vụ nhu cầu mở rộng kinh doanh và phát triển mở rộng mạng đường bay quốc tế và nội địa.
Trong năm 2015 sẽ thí điểm bán 100% vốn nhà nước tại cảng hàng không quốc tế Phú Quốc. Trong ảnh: hành khách lên máy bay tại cảng hàng không quốc tế Phú Quốc . |
Hãng mong muốn có những cơ sở hạ tầng vững chắc tại các cảng hàng không để đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững. Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 26/2, đại diện VJA cho biết chưa thể công bố kế hoạch kinh doanh nhà ga này vì vẫn đang lên kế hoạch chi tiết.
Theo vị đại diện này, đến cuối năm 2015 hãng sẽ có 29 máy bay, nếu không có cơ sở hạ tầng ổn định sẽ bị hạn chế về dịch vụ cung cấp cho hành khách.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Hoài Nam - Tổng giám đốc công ty hàng không Hải Âu - cho rằng ngoài một số sân bay trong hệ thống các sân bay được đầu tư trước năm 1975 đã bị xóa sổ, vẫn còn nhiều sân bay chưa được sử dụng, khôi phục hết.
Do đó, với việc cho phép nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư lĩnh vực hàng không, chắc chắn nhiều nhà đầu tư sẽ sẵn sàng đầu tư sân bay nhỏ, mức độ đầu tư thấp để phục vụ các loại hình kinh doanh hàng không chung (bay dịch vụ, bay cấp cứu, cứu hộ, cứu nạn...).
Chủ trương mới sẽ cho phép nhiều tỉnh, thành phố chủ động xây dựng các sân bay, bãi đáp bằng các nguồn vốn tư nhân, nước ngoài để phục vụ kinh tế - xã hội của địa phương mình, không cần ngồi chờ Nhà nước.
Sẽ có danh mục cảng hàng không gọi vốn tư nhân
Ông Lại Xuân Thanh cho rằng đây là vấn đề còn mới, vừa làm vừa nghiên cứu, nhưng các bước phải thực hiện sắp tới sẽ được đẩy nhanh để trong vòng “một hai tuần nữa bộ sẽ công bố tiêu chí để nhà đầu tư quan tâm kinh doanh tại các cảng hàng không, sân bay biết”.
Trong tháng 3, CAA phải thông qua được danh mục kêu gọi đầu tư, kinh doanh để nhà đầu tư tham khảo rồi căn cứ trên thực tế quan tâm nhu cầu của nhà đầu tư tiếp tục soạn thảo với nhà đầu tư để đi đến những thống nhất. CAA sẽ công bố các danh mục kêu gọi đầu tư tư nhân ở các cảng hàng không như Phú Quốc, Đà Nẵng, Cam Ranh....
Nguyên tắc chung sẽ là nhượng quyền khai thác hoặc mua lại toàn bộ tài sản cảng hàng không, hạ tầng. Trong trường hợp có nhiều nhà đầu tư cùng quan tâm, có thể có nhiều hình thức: cùng liên doanh đầu tư hoặc đấu giá...
Tất cả quy định này sẽ phải đi vào văn bản quy phạm pháp luật rất cụ thể, rõ ràng vì sân bay Việt Nam có đặc thù riêng, đó là dùng chung với quân sự, các hoạt động quản lý bay, đảm bảo an ninh hàng không, cấp phép bay...vẫn thuộc thẩm quyền quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước hoặc do Nhà nước tổ chức.
Bộ trưởng Bộ GTVT cũng đã yêu cầu CAA phải chủ trì việc rà soát lại toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư quan tâm có thể dễ dàng đưa ra quyết định đầu tư.
“CAA đang sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật sau khi Luật hàng không Việt Nam (sửa đổi) được thông qua. Chúng tôi phải nghiên cứu chi tiết những vấn đề gì sẽ được đưa vào trong hợp đồng, cho dù là bán toàn bộ cảng hàng không hay nhượng quyền kinh doanh cũng phải hợp đồng... theo kinh nghiệm quốc tế”, ông Thanh nói.
Thế giới làm rất nhiều
Ông Lương Hoài Nam cho biết đã có nhà đầu tư của Mỹ còn muốn được nhượng quyền khai thác cảng hàng không quốc tế Cam Ranh nhưng vẫn còn ý kiến cho rằng đường băng, sân đậu... là do Nhà nước quản lý nên việc nhượng quyền khai thác này chưa được thông qua.
Theo ông Nam, phải thay đổi tư duy theo hướng Nhà nước chỉ nên làm những gì gắn với an ninh quốc phòng, thúc đẩy kinh tế - xã hội mà tư nhân không đầu tư, những gì xã hội hóa được nên kêu gọi tư nhân đầu tư. Ngay cả việc đầu tư đường cất hạ cánh cũng sẽ thu được lợi nhuận khi thu lại phí cất hạ cánh.
Cũng theo ông Nam, khái niệm Nhà nước quản lý hàng không không có nghĩa là Nhà nước phải đầu tư mà nên tạo điều kiện để tư nhân đầu tư. “Chỉ cần chính sách và thủ tục thông thoáng, loại bỏ được cơ chế xin - cho trong lĩnh vực đầu tư cảng hàng không, sân bay, chắc chắn sẽ có nhiều người sẵn sàng đầu tư, không cần điều kiện đặc biệt gì”, ông Nam khẳng định.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, rất nhiều sân bay ở Nga, nhà nước đã nhượng quyền sử dụng trong thời gian 99 năm cho tư nhân điều hành, kinh doanh. Chỉ riêng ở Matxcơva (Nga), bốn trong tổng số năm sân bay đã được bán quyền sử dụng cho tư nhân trong thời gian 99 năm.
Ở Trung Quốc, nhà nước chỉ chiếm 55% cổ phần sân bay quốc tế Bắc Kinh. Thái Lan đã giao các sân bay ở Koh Samui, Sukhothai, Trad cho Hãng hàng không Bangkok Airways đầu tư...
Trên thế giới, việc quản lý các hoạt động bay, đảm bảo an toàn, an ninh hàng không là hoàn toàn tách biệt với tính chất sở hữu của cảng hàng không, sân bay. Dù nhà nước hay tư nhân sở hữu, các hoạt động đó hoàn toàn giống nhau.
Hiện nay, có rất ít nước mà cảng hàng không, sân bay thuộc nhà nước như ở Việt Nam, thậm chí Lào và Campuchia cũng mở cửa cho đầu tư sân bay tư nhân trước cả Việt Nam. Ông Đoàn Nguyên Đức đang đầu tư hai sân bay tư nhân ở Lào. Campuchia nhượng quyền khai thác cả ba sân bay Phnom Penh, Siem Reap và Sihanoukville cho ADP-M của Pháp...
Các sân bay được đầu tư bằng vốn tư nhân
Dự án sân bay Phan Thiết có tổng diện tích 543ha được Tập đoàn Rạng Đông đầu tư khoảng 1.600 tỉ đồng theo hình thức BOT (xây dựng, điều hành, chuyển giao).
Đây là sân bay đạt tiêu chuẩn sân bay dân dụng cấp 4C và sân bay quân sự cấp I, có thể tiếp nhận các loại máy bay dân dụng ATR-72, F-70, Bae 146-300, Bombardier và tương đương. Nhà ga có công suất tối đa 300 hành khách mỗi giờ cao điểm.
Dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2018. Tập đoàn Rạng Đông sẽ đầu tư các công trình như đường lăn nối vào sân đỗ máy bay kích thước 253,5 x 15m, sân đỗ máy bay dân dụng, sân đỗ trực thăng 45 x 132m, nhà ga hành khách 7.000m2, đài kiểm soát không lưu cao 19,95m, rộng 750m2, đài DVOR/DME, nhà xe ngoại trường, hệ thống đèn tín hiệu hàng không (tiếp cận đơn giản), hàng rào an ninh xung quanh sân bay...
Tỉnh Quảng Ninh phối hợp với liên danh Tổng công ty Cảng hàng không Hàn Quốc, công ty TNHH Joinus Việt Nam và công ty TNHH Posco E&C lập báo cáo nghiên cứu khả thi theo hình thức BOT sân bay Vân Đồn với diện tích gần 284,6ha.
Chi phí dự kiến để xây dựng sân bay này là 5.128 tỉ đồng. Giai đoạn đến năm 2020, số vị trí đỗ máy bay tối thiểu bốn vị trí (dự kiến hai vị trí cho Airbus A321, hai vị trí cho Boeing B777), công suất tiếp nhận hành khách là 2 triệu hành khách/năm, lượng hàng hóa là 10.000 tấn/năm.
Đến năm 2030, có tối thiểu bảy vị trí đậu máy bay, loại máy bay tiếp nhận là Boeing 777 và tương đương, công suất tiếp nhận hành khách là 5 triệu hành khách/năm, lượng hàng hóa là 30.000 tấn/năm.