Nhắc tới Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà, có lẽ người dân Nam bộ nào cũng ít nhiều biết tới câu chuyện tình đẫm nước mắt của cặp trai anh hùng – gái thuyền quyên. Nhưng không nhiều người biết chuyện tình ấy có xuất xứ từ một cuốn tiểu thuyết của tác giả Tân Dân Tử.
Võ Đông Sơ, Bạch Thu Hà vốn là hai nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết Giọt máu chung tình. Trước năm 1974, tiểu thuyết đã in đến lần thứ 8, sau đó vắng bóng khá lâu trên văn đàn. Tác phẩm vừa được phát hành trở lại vào cuối tháng 3 vừa qua.
Sách Giọt máu chung tình mới phát hành. Ảnh: TĐ |
Sức sống của thiên tình sử nước Nam
Giọt máu chung tình viết về tình yêu chung thủy, son sắt của cặp trai tài, gái sắc. Võ Đông Sơ là con trai của Hoài Quốc công Võ Tánh (một danh tướng thời Nguyễn), còn Bạch Thu Hà là tiểu thư con quan tổng trấn Bạch Công.
Cặp trai anh hùng, gái thuyền quyên gặp rất nhiều trắc trở để có thể đến với nhau. Khi họ đã có thể hẹn ước chung tình, sau đó vẫn vấp phải quá nhiều sóng gió.
Anh trai của Bạch Thu Hà là Bạch Xuân Phương vốn là một công tử độc ác, ghen ghét, đố kỵ với Võ Đông Sơ, tìm nhiều cách hãm hại anh. Khi Đông Sơ được phong làm Đô úy, lãnh quân đi dẹp giặc Tàu ô, ở nhà, Bạch Thu Hà bị gia đình bắt phải lấy một tên vô lại vốn là bạn của Bạch Xuân Phương. Thu Hà trốn nhà, phiêu bạt đi tìm người yêu. Thân gái dặm trường gặp bao trắc trở, cám dỗ, Thu Hà vẫn quyết tìm cho được Đông Sơ.
Trùng phùng chưa được bao lâu, Võ Đông Sơ lại nhận lệnh cầm binh lên Lạng Sơn đánh giặc xâm lăng. Chiến trường khốc liệt, trải qua nhiều trận đánh, Võ Đông Sơ tử trận. Bạch Thu Hà nhận tin khóc thảm thiết. Bên linh cữu Võ Đông Sơ, nàng quyên sinh để giữ trọn chung tình.
Ngay khi ra mắt, Giọt máu chung tình trở thành một tác phẩm ăn khách. Cuốn tiểu thuyết có đời sống phong phú khi lần lượt được chuyển thể, tạo cảm hứng cho những tác phẩm nghệ thuật khác ra đời, trở nên nổi tiếng.
Trong cuốn Sân khấu cải lương Nam bộ có viết, người đầu tiên chuyển thể tiểu thuyết Giọt máu chung tình là Nguyễn Tri Khương (1890 – 1962) – cậu ruột Giáo sư Trần Văn Khê. Theo đó Nguyễn Tri Khương sáng tác vở Giọt máu chung tình vào năm 1927, được dựng trên sân khấu gánh hát Đồng Nữ Ban. Nguyên tác kịch bản này vẫn còn, tới năm 2001, Giáo sư Trần Văn Khê trao lại nguyên tác cho Hội Sân khấu TP.HCM.
Nhưng tác phẩm chuyển thể thành công nhất có lẽ là vở cải lương Giọt máu chung tình của soạn giả Mộc Quán. Tác phẩm vốn được viết cho gánh hát Huỳnh Kỳ I vào năm 1928, người đóng vai Bạch Thu Hà là NSND Phùng Há. Cháu nội soạn giả Mộc Quán kể về sự thành công của vở diễn: “Khoảng năm 1930 – 1940, hễ nghe có tuồng hát Võ Đông Sơ là bà con kéo về chợ Thốt Nốt coi đông nghẹt”.
Thiên tình sử Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà thêm sức sống khi được soạn giả Viễn Châu viết hai bài ca cổ vào những năm 1960 có tên: Võ Đông Sơ, Bạch Thu Hà.
Tiểu thuyết lịch sử nhưng được gọi là hoa tình
Cũng bởi câu chuyện tình yêu bao trùm tác phẩm, nên Giọt máu chung tình thường được xem là một tiểu thuyết hoa tình. Nhưng một số nhà nghiên cứu đưa ra các lập luận chứng tỏ đây là một tác phẩm lịch sử.
Năm 1926, Giọt máu chung tình xuất bản. Tiểu thuyết được viết theo lối chương hồi, chia ra 28 hồi. Với cấu trúc và lối hành văn diễn xướng (sự hiện diện của người kể chuyện nhiều), Giọt máu chung tình giống một tác phẩm văn chương trung đại.
Hai ấn bản Giọt máu chung tình trước đây. |
Tác giả Tân Dân Tử là gương mặt văn chương nổi bật Nam bộ đầu thế kỷ 20, được coi là tác giả tiên phong cho thể loại tiểu thuyết lịch sử Việt Nam. Sau Giọt máu chung tình, ông sáng tác các tiểu thuyết lịch sử khác như Gia Long tẩu quốc (Gia Long bôn ba vì nước), Hoàng tử Cảnh như Tây (Hoàng tử Cảnh đi Tây), Gia Long phục quốc.
Các nhân vật trong truyện đều liên quan tới người và việc trong lịch sử. Tiêu biểu, Võ Đông Sơ là con của Hoài Quốc công Võ Tánh (Võ Tánh là một danh tướng nhà Nguyễn, được xếp vào nhóm “Gia Định tam hùng”). Trong truyện cũng nhắc tới chi tiết Võ Tánh tuẫn tiết như đã diễn ra trong chính sử.
Dường như trong chủ đích của mình, tác giả Tân Dân Tử đã định viết một cuốn tiểu thuyết lịch sử. Bởi thế, ở lời tựa cho cuốn sách, ông viết: “Những nhà đại gia văn chương trong xứ ta khi trước hay dùng sự tích sử truyện Tàu mà diễn ra… và cũng chưa thấy tiểu thuyết nào làm ra một sự tích của kẻ anh hùng, hào kiệt và trang liệt nữ thuyền quyên trong xứ ta đặng mà bia truyền cho dân biết rõ. Như vậy thì trong xứ ta chỉ biết khen ngợi sùng bái người anh hùng liệt nữ xứ khác mà chôn lấp cái danh giá của người anh hùng liệt nữ xứ mình...”
Rõ ràng, Tân Dân Từ đã có tư tưởng khai thác các sự tích, nhân vật lịch sử để tạo nên một hình tượng của dân tộc mình chứ không lấy tích từ dân tộc khác. Lời tựa sách thể hiện trăn trở của ông về ý thức lịch sử nước nhà.
Tác giả Tân Dân Tử: tên thật là Nguyễn Hữu Ngỡi, sinh năm 1875, mất năm 1955, tại Thủ Đức, Gia Định, nay thuộc quận Thủ Đức, TP.HCM. Ông là gương mặt nổi bật góp phần làm nên thành tựu của văn chương Nam bộ nửa đầu thế kỷ 20. Theo nhà phê bình văn học Trần Ngọc Hiếu, Giọt máu chung tình của Tân Dân Tử tham gia vào sự kiến tạo tinh thần dân tộc chủ nghĩa hồi đầu thế kỷ 20, tham gia vào quá trình kiến tạo ý niệm về bản sắc Nam bộ. Hành động kiến tạo này, có thể nhìn thấy ngay ở lớp phương ngữ Nam bộ dày đặc, bối cảnh của cuốn tiểu thuyết - thời Gia Long. Sâu xa hơn, bản sắc Nam bộ còn thể hiện ở hình mẫu nhân cách lý tưởng mà cuốn tiểu thuyết này xây dựng. Đó là những con người nghĩa khí, “nam thời trung hiếu làm đầu, gái thời tiết hạnh làm câu trau mình”. |