Không cần những mỹ từ tán dương, ca ngợi, cũng chẳng có những lời phê bình đao to búa lớn, Tô Kiều Ngân như một người kể chuyện nhàn tản ở cái tuổi xế chiều nhắc nhớ về những người bạn, những người anh em thân quen trên thi đàn của mình.
Có những cái tên mà cho đến ngày nay vẫn chưa hề giảm sức hút như: Bùi Giáng, Vũ Hoàng Chương, Nguyên Sa,… Trong khi một số khác lại chìm khuất dần vào màn sương mù thời gian như: Nguyễn Thị Thụy Vũ, Hoàng Trúc Ly,… Nhưng khi lật dở Mặc khách Sài Gòn, chúng ta sẽ lần lượt gặp lại họ, mười lăm văn nghệ sĩ nổi bật của nền văn học miền Nam giai đoạn 1954 – 1975.
Tròn một kiếp say
Dưới ngòi bút của Tô Kiều Ngân, những văn nhân, thi sĩ được khắc họa một cách sinh động và chân thực. Họ xuất hiện không chỉ với hình tượng phong lưu, hào hoa mà chúng ta thường nghe hay thấy mà còn là những con người với đủ cung bậc hỉ nộ ái ố trong một cõi sống lắm thi vị nhưng cũng đầy gai góc.
Một Vũ Hoàng Chương với những vần thơ say trác tuyệt nhưng lại giã từ cõi tạm trong khốn khó, hiu quạnh; một Đinh Hùng với cuộc sống đầy trắc trở ẩn sau dáng vẻ phong nhã, chỉn chu; một Bùi Giáng “tưng tửng, lơ mơ” trong cõi người và cõi thơ nhưng “sự thực chẳng chút nào lơ mơ, tưng tửng”; hay như một Nguyễn Thị Hoàng bước đến chơi đùa với chữ nghĩa bằng lối “văn chương son phấn” rồi lặng lẽ lui vào quên lãng…
Từng người trong số họ mặc dù mang dáng dấp riêng, sống cuộc đời riêng, quan điểm nghệ thuật và cách viết riêng, nhưng cái chung lớn nhất mà tất cả chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy ở mười lăm “mặc khách” được nhắc đến đó là tình yêu văn chương và thi ca mãnh liệt và vô tận.
Cũng từ tình yêu đó, họ đã tận hiến cuộc đời mình cho văn chương và thi ca. Họ như những kẻ hành hương tín tâm và miệt mài trên con đường tìm đến cái đẹp. Một con đường nhiều hoa hồng nhưng cũng lắm chông gai.
Và lặng lẽ ở một góc nhỏ nào đấy, Tô Kiều Ngân đã quan sát một cách chăm chú rồi ghi chép lại cuộc hành trình thú vị của những con người này.
Tác phẩm Mặc khách Sài Gòn của Tô Kiều Ngân. |
Một thời văn nghệ sôi nổi
Thập niên 50 của thế kỷ trước, nhiều tên tuổi lớn của nền văn nghệ tiền chiến sau những tháng năm rong ruổi đã chọn Sài Gòn làm điểm dừng chân. Đây có thể nói là điểm khởi đầu cho một trong những giai đoạn sôi động nhất của nền văn chương và thi ca miền Nam nói riêng cũng như của cả Việt Nam nói chung.
Giữa hoàn cảnh khốc liệt của binh lửa chiến tranh, những cá tính nghệ thuật vẫn có thể thỏa sức khai phá và tạo ra một hướng đi cho riêng mình. Nhiều người coi văn nghệ như chốn ẩn náu trước thực tại đau thương; cũng có những người khác lại gửi gắm nỗi niềm đau đáu về con người, thân phận và thế cuộc trong những sáng tác của mình.
Trong thế giới của văn nghệ lúc bấy giờ, phảng phất bên cạnh sự diễm lệ, bay bổng của câu chữ, nhạc điệu là hiện thực trần trụi đến bi ai, trong tiếng reo hoan lạc của tình yêu, tuổi trẻ có lẫn tiếng thở dài chán ngán cho tương lai vô định giữa tiếng súng đạn triền miên.
Với Mặc khách Sài Gòn, Tô Kiều Ngân cũng đã cố gắng xây dựng nên cho những người đến sau một hình dung tương đối rõ ràng về một giai kỳ vô cùng đặc biệt như thế đã chìm khuất dưới lớp bụi thời gian trong suốt nhiều tháng năm dài.
Điều này đồng thời cũng giúp cho những người quan tâm đến vấn đề tìm hiểu, nghiên cứu văn học sử bớt đi phần nào khó khăn trong việc tìm kiếm tư liệu cũng như giúp cho các thế hệ sau có những cảm nhận rõ ràng hơn về không khí văn nghệ “lúc họ chưa ra đời”.
Tô Kiều Ngân (trái) và nhà thơ Đinh Hùng. Ảnh: tư liệu. |
Tiếng sáo Tao Đàn
Năm 1955, lần đầu tiên cái tên Ban Thi văn Tao Đàn xuất hiện trên sóng của Đài Phát thanh Sài Gòn với “đặc sản” là những chương trình ngâm thơ. Từ đó cho đến suốt nhiều năm về sau, những giọng ngâm của các thành viên Tao Đàn như: Hoàng Oanh, Hồ Điệp, Thanh Hùng,… đã trở thành một phần không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa của giới mộ điệu miền Nam.
Góp công rất lớn trong việc thành lập Ban Thi văn Tao Đàn, bên cạnh “chủ soái” Đinh Hùng chính là Tô Kiều Ngân. Ông đồng thời đảm nhiệm vai trò của một biên tập chính, chơi trong ban nhạc đệm và cũng là một tài tử diễn ngâm.
Suốt cuộc đời, Tô Kiều Ngân hoạt động trong nhiều lĩnh vực như viết văn, làm thơ và đặc biệt là một bề dày đáng nể trong công việc làm báo, nhưng cuối cùng, điều khiến người ta nhớ đến ông nhiều hơn cả lại là tiếng sáo và giọng ngâm mang đậm âm sắc Huế.
Theo đánh giá của những người cùng thời, tiếng sáo của Tô Kiều Ngân dù không đạt đến độ điêu luyện trong bài bản, nhưng lại hàm chứa xúc cảm rất lớn nương theo xúc cảm của chính bài thơ và phong cách của người ngâm. Sự hòa quyện này đã làm nên một phong cách rất riêng cho bản thân ông.
Từ những tháng năm rong ruổi trên thi đàn với nhiều vai trò, nhiều công việc gắn với nghiệp văn chương, viết lách như vậy đã giúp ông có một sự giao thiệp rộng rãi với nhiều người cầm bút đương thời, để lại cho ông nhiều kỷ niệm mà những người ngoài cuộc không có được.
Ông giãi bày tất cả những kỷ niệm đó trong những tháng năm sau chót của cuộc đời với Mặc khách Sài Gòn.
Trong thế giới của thi nhân, văn sĩ phương Đông thời trung đại, người ta đặc biệt coi trọng những người bạn tri âm đồng điệu. Người xưa quan niệm rằng chỉ có những kẻ đồng điệu mới hiểu nhau và đánh giá về nhau một cách đúng đắn nhất.
Suốt cuộc đời gắn bó với văn nghệ Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung, thể nghiệm và khẳng định mình ở nhiều lĩnh vực, Tô Kiều Ngân thực sự là một mặc khách theo cách định nghĩa của ông. Cũng từ vị trí đó, ông nhìn và viết về những người bạn của mình, những mặc khách tài danh một thuở, không phải bằng sự phê bình hay đánh giá mà bằng tất cả sự thấu hiểu và cảm thông.
Và cũng chỉ có những mặc khách mới có thể thấu hiểu những mặc khách đến nhường ấy mà thôi.