Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Có một giấc mơ mang tên Hà Nội

"Hà Nội thanh lịch" không phải một chuyên khảo về văn hoá hay lịch sử. Nó đơn thuần chỉ là một cuộc lãng du trong ký ức của tác giả.

Ra đời năm 1991, Hà Nội thanh lịch không chỉ tái hiện lại hình ảnh vùng đất kinh kỳ của một thời quá vãng mà dường như còn là nơi gửi gắm giấc mơ và niềm tiếc nuối sâu kín của ông về những điều tốt đẹp đã không còn nữa.

Những năm cuối đời, khi hưởng tuổi hưu trong căn nhà của tổ tiên ở làng Đại Yên, cũng là khoảng thời gian mà Hoàng Đạo Thúy viết nhiều nhất về Hà Nội – mảnh đất mà ông gắn bó từ thuở mới lọt lòng mẹ.

Có lẽ ở cái tuổi “gần đất xa trời”, đã đi qua đủ mọi thăng trầm trong một kiếp nhân sinh, cũng là lúc những hồi ức, kỷ niệm sống dậy trong ông một cách mãnh liệt nhất. Thời điểm này, những trang sách không chỉ là phương tiện để trải lòng, chia sẻ mà còn là “tấm vé” thông hành của ông trên chuyến xe trở về quá khứ.

Hoang Dao Thuy viet ve Ha Noi anh 1
Cuốn Hà Nội thanh lịch của Hoàng Đạo Thuý.

Lối xưa xe ngựa, hồn thu thảo…

Ngược dòng thời gian, năm 1974, khi viết cuốn Phố phường Hà Nội xưa, dù còn khá mờ nhạt, nhưng Hoàng Đạo Thúy đã mang đến cho người đọc những hình dung đầu tiên về diện mạo của vùng đất kinh kỳ vào những năm đầu thế kỷ XX.

Tuy nhiên, về sau khi đọc lại tác phẩm này, chính bản thân Hoàng Đạo Thúy “lại thấy không sao yên tâm được”. Việc cho ra đời Hà Nội thanh lịch chỉ chưa đầy 3 năm trước khi ông qua đời với sự phong phú gấp nhiều lần về thông tin cũng như sự cởi mở trong chia sẻ đã bổ khuyết vào những phần còn thiếu, góp phần hoàn thiện bức tranh “đất rồng bay” qua cái nhìn của ông.

Điều mà ta có thể dễ dàng nhận thấy ở cuốn sách này là việc không có bất cứ sự dụng công hay sắp đặt nào trong câu chữ. Bởi đây không phải là một công trình nghiên cứu hay một chuyên khảo về văn hóa, lịch sử. Nó đơn thuần chỉ là một cuộc lãng du trong ký ức của chính tác giả.

Và bước vào Hà Nội thanh lịch cũng là bước vào một cuộc dạo chơi mà ở đó Hoàng Đạo Thúy đóng vai trò người dẫn đường rành rẽ và tinh tế. Qua từng trang viết, ông đã đưa người đọc dạo chơi khắp mọi ngóc ngách của đất Kẻ Chợ xưa. Từ câu chuyện quanh những góc phố, ngôi nhà, đời sống của con người rồi hội hè, đình đám… Tất cả đều là minh chứng rõ rệt nhất cho cái chất thanh lịch vốn có của chốn “tập hợp tinh hoa” này.

Tuy nhiên, bên cạnh hàng trăm cái hay, cái đẹp đã được hun đúc nên qua ngàn năm lịch sử, đất kinh kỳ cũng không thiếu lắm điều mà Hoàng Đạo Thúy gọi là “thanh lịch giả”. Đồng thời, những tệ nạn tồn tại từ lâu cùng những nghiệt ngã gây nên bởi biến động của thời đại cũng làm giảm sút đi đáng kể sự hào hoa, lịch thiệp vốn có của Hà Nội.

Bằng ngòi bút của mình, tác giả ghi nhận lại tất cả những điều ấy mà không có một mảy may thêm thắt hay khoa trương.

Hoang Dao Thuy viet ve Ha Noi anh 2
Học giả Hoàng Đạo Thuý. Ảnh: tư liệu.

Nỗi lòng gửi gắm cho nhau

Sống qua gần trọn một thế kỷ, tham dự vào những biến cố quan trọng nhất trong lịch sử dân tộc, Hoàng Đạo Thúy cũng chứng kiến trọn vẹn sự thay đổi của đất nước nói chung và của cả Hà Nội nói riêng theo từng giai kỳ lịch sử.

Sự chuyển đổi về kinh tế kéo theo nhiều sự xáo trộn trong đời sống xã hội nhân sinh. Bên cạnh việc đào thải của các tệ đoan, cũng có khá nhiều giá trị tốt đẹp có thể gọi theo cách nhà văn Nguyễn Tuân là “chất vàng mười” cũng không còn nữa.

Là người con của kinh kỳ, thừa hưởng mẫu mực và nề nếp của gia đình, tiếp xúc sâu sắc với những hiện thân của tinh hoa văn hóa Hà Nội một thuở, khi chứng kiến những biến đổi tại ngay mảnh đất mà mình hằng yêu mến, có lẽ tác giả là người mang nhiều nỗi ưu tư và trăn trở nhiều hơn hết thảy. Đó dường như cũng là một lý do khác khiến ông viết nhiều hơn về nơi chôn nhau cắt rốn khi tuổi đã xế chiều.

Trong Hà Nội thanh lịch, Hoàng Đạo Thúy không ngần ngại khẳng định một cách chắc nịch rằng “Phong độ của người Hà Nội: Thanh Lịch”. Ông chứng minh điều này bằng những dẫn giải ngay từ trong đời sống hàng ngày của gia đình, phố phường, cộng đồng với sự tinh tế ngay từ điều nhỏ nhặt nhất như ăn mặc, ứng xử, giao tiếp cho đến cái lớn như lễ lạt, hội hè,…

Sau cùng, với tác phẩm này điều mà tác giả muốn nhắc nhở và gửi gắm lại cho hậu thế, không gì khác hơn chính là: “giữ lấy ‘vẻ thanh lịch của người Tràng An’.”

Mỗi thành phố lớn trên thế giới đều mang trong mình một câu chuyện về những thăng trầm, biến đổi xuyên suốt một quá trình lịch sử lâu dài. Theo đó, văn hóa, nếp sống, cách tư duy của cư dân cũng được hình thành và kết tinh, tạo nét riêng không thể trộn lẫn cho chính bản thân đô thị đó.

Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội là một thành phố như vậy. Trải qua chiều dài lịch sử hơn một nghìn năm với vai trò là trung tâm của cả nước từ khởi đầu của các triều đại quân chủ cho đến các chính thể dân chủ, Hà Nội mang trong mình một bề dày về văn hóa, xã hội mà không có một thành phố nào trên dải đất Việt Nam có được.

Tuy nhiên, cùng với quá trình biến đổi liên tục của thời đại cùng sự phá vỡ cấu trúc xã hội trong một số khoảng thời gian nhất định, Hà Nội đang ngày càng đánh mất đi bản sắc của chính mình. Với Hà Nội thanh lịch, ta có thể có một sự đồng cảm nhất định với những nhìn nhận và tiếc nuối về những cái hay, cái đẹp của chốn “ngàn năm văn hiến” thông qua những câu chuyện của Hoàng Đạo Thúy. Và biết đâu, từ chính cuốn sách nhỏ này, nhiều người sẽ suy ngẫm và tự đặt lại cho mình câu hỏi: Ta có thể làm gì để giữ lại một Hà Nội thanh lịch?

Nguyễn Văn Huyên và cuộc du hành trong 'Văn minh Việt Nam'

"Nhược điểm lớn nhất của người Việt Nam là lười biếng". Đó là điều mà tác giả Nguyễn Văn Huyên khẳng định trong tác phẩm xuất bản lần đầu năm 1944 và vừa được tái bản gần đây.

Cường Nguyễn

Bạn có thể quan tâm