Trong bài hát Huyền thoại mẹ, Trịnh Công Sơn viết:
“Đêm chong đèn ngồi nhớ lại
Từng câu chuyện ngày xưa.”
Từ cái đêm thâu ấy, biết bao nhiêu dáng vẻ huyền thoại của mẹ đã được đắp xây. Và phải chăng, cũng bắt đầu từ những đêm mất ngủ chong đèn ấy, tác giả Bùi Tự Lực cũng để mặc ký ức 30 năm trước dội về như một cơn thác lũ, và rồi cứ đặt bút ra, viết lại tất cả những hình ảnh hiện ra trong tâm trí về một tuổi thơ đầy gắn bó với bà nội của mình.
Một huyền thoại giữa biết bao nhiêu huyền thoại về những người mẹ Việt Nam anh hùng. Ở cái xứ sở chìm dưới chiến tranh này, có hàng vạn những người mẹ huyền thoại như vậy, đã từng sống một đời sống giản dị mà can trường, mãnh liệt và cảm động như vậy.
Nội tôi của Bùi Tự Lực có thể xem là một tác phẩm tự truyện, gồm mười lăm truyện ngắn, tình tiết phát triển theo logic của nó, gắn kết hữu cơ xung quanh nhân vật là người bà, tạo thành tập truyện.
Hồi ấy,cha của Bùi Tự Lực hoạt động cách mạng, bị địch bắt, ra tù tiếp tục bám trụ quê hương chiến đấu ở đất Quảng Nam. Vì hoàn cảnh éo le, để cứu con trai và gia đình chồng bị địch vây hãm, người mẹ đành nuốt nước mắt đi lấy chồng làng bên.
Tác giả khi ấy mới 4 tuổi, phải sống côi cút nhờ sự cưu mang của bà nội giữa vùng địch tạm chiếm trong hoàn cảnh ngặt nghèo. Sống thiếu thốn vật chất lẫn tình cảm, Bùi Tự Lực sớm “tự lực” giúp bà nội làm lụng để có cái ăn cái mặc và đi học, dù phải đến trường rất muộn so với bạn cùng lứa. Đến năm 12 tuổi, tác giả thoát ly làm giao bưu, rồi rời bà nội vượt Trường Sơn ra miền Bắc...
Cả đời chăm chỉ làm ăn, cần mẫn nuôi dưỡng con cái, ấy là hình ảnh tần tảo của những người phụ nữ Việt truyền thống, nhưng bà nội trong truyện Nội tôi có rất nhiều cá tính thú vị.
Trong truyện ngắn Cần đi tù, người đọc có lẽ không chỉ cảm phục người phụ nữ can đảm, giỏi giang, nặng nghĩa tình tương thân tương ái, mà còn cảm thấy thích thú bởi sự thông minh, gan lì, rắn rỏi của bà Nội.
Những việc làm nhỏ bé của bà nội đều để lại dấu ấn sâu sắc trong trí nhớ trẻ thơ của tác giả, là điều không thể thiếu trong quá trình hình thành tâm tư nhân cách của một đứa trẻ đang bắt đầu bước ra thế giới, với đầy những tò mò, bối rối. Bởi thế, đọc Nội tôi là chìm đắm vào những ngày lớn lên, bước ra ngoài thế giới rộng lớn bằng những bài học giản dị mà sâu lắng khắc ghi về con người và đời sống.
Viết về cuộc sống trong chiến tranh, trong bom đạn ác liệt, nhưng cuốn sách có rất nhiều những khoảnh khắc nên thơ. Cảnh bà nội ngồi uống rượu ngoài hiên nhà, khi trăng soi sáng vằng vặc, hay giọng hát ru khàn khàn, êm đềm của bà nội... là những neo đậu đầy tinh thế và đẹp đẽ trong ký ức của tác giả.
Đó cũng là những khoảnh khắc tạo được sự rung cảm mãnh liệt trong lòng độc giả, về một thời đại đã rất xa xôi những vẫn hiện hữu đầy dữ dội sống động qua ngôn ngữ giản dị, thật thà mà đầy xúc động của nhà văn.
Tập truyện Nội tôi của Bùi Tự Lực. |
Dù những hình ảnh đời sống trong tác phẩm rất xa lạ với những đứa trẻ lớn lên trong hòa bình, nhưng người bà trong truyện dài Nội tôi có lẽ là hình ảnh người bà mà tất cả mỗi chúng ta đều từng được gặp gỡ. Bỏ đi những tình huống chiến tranh, hình ảnh người bà giản dị với tình yêu thương con cháu vô cùng, trở thành hình ảnh tỏa sáng nhất, lấp lánh nhất.
Cuộc đời của nội đầy thăng trầm, với biết bao nhiêu khó khăn cực khổ, nhưng đến cùng nội vẫn sống một đời sống xứng đáng, trở thành tấm gương cho biết bao nhiêu người trẻ, được tất cả mọi người quý mến và kính trọng.
Cuộc đời nội giản dị là thế nhưng lại có rất nhiều huyền thoại bao quanh, và cái chết của nội cũng trở thành một bí ẩn mà phải rất lâu sau hòa bình, tác giả cùng gia đình mới tìm được sự giải đáp.
Cuối cùng, sau bao nhiêu năm, hài cốt bà nội được cải táng về nghĩa trang gia tộc. Nhà nước truy tặng bà là liệt sĩ và phong Bà mẹ Việt Nam anh hùng ngay đợt đầu tiên. Đó là cụ Lê Thị Đỉnh, một trong những người phụ nữ nổi tiếng của xứ Quảng thời chiến tranh chống Mỹ.
Nhà văn Bùi Tự Lực tự thuật trong truyện Nội tôi: “Cuộc đời bà hiện hữu giữa đời thường, với những việc làm rất thực, như mơ và có những điều tưởng như huyền thoại: Chuyên cần tích góp để mà dâng hiến, hy sinh; dồn nén đau thương để bùng nổ căm giận; đa mưu kỳ xảo để giữ lòng tận tụy thành tâm… và có một điều gì đó phi thường - Già cỗi, đơn phương, trắng tay mà đầy uy lực trước kẻ thù”.
Bùi Tự Lực viết Nội tôi chân thật và hồn nhiên như người ta ngồi bên bạn tri kỷ mà ôn lại những kỷ niệm thơ ấu của mình. Xúc động, nghẹn ngào, chân tình và tha thiết. Nội tôi là chuyện tâm tình, là chuyện thầm thì sẻ chia. Ấy là điều khắc ghi lâu bền. Trong tập truyện, hình ảnh người bà hiện lên rất chân thật, và sinh động bởi viết về bà nội, Bùi Tự Lực không phải làm gì cả, mọi chuyện đã có sẵn trong tâm khảm rồi, cứ thế tự nó tuôn trào trên những trang văn.
Nội tôi được in lần đầu vào tháng 2/2001 và ngay trong năm ấy tái bản tiếp 3 lần (Tủ sách vàng, Tủ sách Nhà nước tài trợ để TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh in cho trường THCS vùng sâu, vùng xa và Tủ sách giải thưởng). Đến nay gần 10 năm, Nội tôi đã tái bản 6 lần (mỗi lần in là một mẫu bìa khác nhau), với số lượng gần 5 vạn bảng sách.
Ngoài Nội tôi, Bùi Tự Lực còn có các tác phẩm viết về thiếu nhi khác như: Trên nẻo đường giao liên (Giải A, của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng, 2003) và tập truyện ngắn Cái ống phốc và trái banh chuối (2005)...