Jocelyn Azbell thức dậy tại khách sạn Maui và việc đầu tiên cô làm là chạy xuống tầng hầm của khách sạn để tìm nơi trú ẩn trước mối đe dọa từ một tên lửa đạn đạo đang bay đến Hawaii.
"Bạn sẽ nghĩ rằng, 'Thật sao, chúng tôi sẽ chết sao? Đây thật sự là một tên lửa sao, hay chỉ một vụ thử?'", cô gái 24 tuổi nói với CNN. "Chúng tôi thật sự không biết".
Azbell, bạn trai cô và hàng trăm khách khác trong khách sạn bị nhân viên "lùa như bò" xuống tầng hầm.
"Mọi người khóc lóc và trông họ rõ ràng đang cực kỳ sợ hãi", cô kể.
Azbell là một trong số rất nhiều người ở Hawaii nhận được tin nhắn vào đầu ngày 13/1 (theo giờ địa phương) rằng có một tên lửa đạn đạo đang bay đến Hawaii và rằng đó không phải một cuộc tập trận. Hơn nửa tiếng sau, họ mới nhận được một tin nhắn khác nói rằng cảnh báo trước đó là sai sót.
"Hawaii là một nơi tuyệt vời", cô nói. "Nhưng không phải nơi tôi muốn chết".
Thông báo "đính chính" trên màn hình công cộng ở Hawaii sau khi cảnh báo giả được phát ra. Ảnh: Reuters. |
'Chúng tôi cầu nguyện từ bồn tắm. Ai đó phải bị đuổi việc'
Trải nghiệm của Azbell cũng là câu chuyện của rất nhiều người dân và du khách tại Hawaii trong buổi sáng ngày 13/1. Hòn đảo được mệnh danh là "thiên đường du lịch" bỗng chốc biến thành nơi mọi người chen chúc dưới gầm bàn trong các quán cà phê để ấn nấp, được chỉ chỗ vào trú tại các nhà để máy bay quân sự hoặc vây quanh tivi để chờ xem diễn biến mới nhất của một vụ "phóng tên lửa".
So với du khách, người dân Hawaii sẵn sàng hơn một chút trong việc đối phó tên lửa. Nếu tên lửa được phóng từ Triều Tiên, 1,4 triệu cư dân Hawaii sẽ được thông báo khoảng 20 phút trước khi tên lửa đến nơi. Cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp ở Hawaii đã bắt đầu thử nghiệm hệ thống chuông cảnh báo hạt nhân tại đây.
"Mọi người đều có một kế hoạch", Ashly Trask, 39 tuổi, nói với Guardian. "Mọi thứ rất thật".
Căn nhà của Trask, cũng như nhiều người trên đảo, được xây dựng với tường một lớp và không có tầng hầm. Khi cảnh báo tên lửa được phát ra, cô đã "lùa" cả gia đình vào xe. Họ ghé qua nơi làm việc của đứa con trai còn lại để đón cậu rồi tất cả đi về văn phòng của cô. Đó là một tòa nhà với tường bê tông có thể được dùng làm nơi trú ẩn khẩn cấp.
Thông báo tên lửa đạn đạo giả được nhắn đến người dân qua điện thoại. Ảnh: CNN. |
Hạ nghị sĩ bang Hawaii, ông Matt Lopresti nói rằng ông và các con đã ngồi trong bồn tắm cầu nguyện và tự hỏi tại sao họ không nghe tiếng chuông báo động. Cùng lúc đó, ông nhắn tin khắp nơi cho bạn bè, người thân để thông báo và bảo họ tìm nơi trú ẩn.
"Đó là manh mối đầu tiên khiến tôi nghĩ rằng có điều gì đó không đúng ở đây. (Có thể là) một vụ tấn công hoặc một sai sót", ông nói.
Lopresti nói rằng lời cảnh báo giả đã khiến ông và các con "mắc kẹt" trong bồn tắm và giờ thì ông thật sự tức giận.
"Ai đó phải bị đuổi việc", hạ nghị sĩ này nói.
Thiên đường hoảng loạn
Người Hawaii được hướng dẫn kế hoạch tốt nhất trong trường hợp tên lửa bay đến là ở yên trong nhà hoặc nơi trú ẩn và chờ đến lúc an toàn. Du khách đến Hawaii thì không có kinh nghiệm nào như vậy. Trong khi đó, thông tin về căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Triều Tiên trong thời gian gần đây càng khiến tin nhắn cảnh báo trên thêm phần đáng tin.
Những vụ thử tên lửa liên tiếp từ Triều Tiên và căng thẳng Washington - Bình Nhưỡng khiến cho viễn cảnh một vụ phóng tên lửa đến Hawaii có vẻ rất "thật". Ảnh: AFP. |
Ruth Goldbaum đang ở đảo Oahu với gia đình bà, họ đến thăm người con trai đang phục vụ trong hải quân Mỹ. Họ chuẩn bị đi thuyền ra vịnh Kaneohe ở phía bắc đảo thì mọi người nhận được tin nhắn.
"Bạn cứ tưởng tượng xem, một ngày đáng ra sẽ được dành để thư giãn bỗng trở thành, không hẳn là hoảng loạn, nhưng báo động. Gần với hoảng loạn", bà nói.
Goldbaum, 69 tuổi, và những người quanh bà, cả quân nhân lẫn người bình thường, nhanh chóng di chuyển tới một nhà chứa máy bay gần đó "mà không biết liệu mình sẽ ở lại đó trong bao lâu, tính bằng ngày, hay giờ phút".
"Một số người còn nói, 'Chúng ta sắp có chiến tranh rồi'", bà kể.
15 phút sau đó, họ bắt đầu nhìn thấy "tweet" của Hạ nghị sĩ Tulsi Gabbard nói rằng cảnh báo đó là giả.