Ông Ted Tsukiyama vẫn còn nhớ cuộc sống đã thay đổi hoàn toàn như thế nào từ sau khi Nhật Bản dội bom Trân Châu Cảng.
“Đó là ký ức đau thương và hoàn toàn không ai ngờ tới”, người cựu binh 96 tuổi nói. Vào thời điểm hòn đảo bị tấn công, ông Tsukiyama đang là sinh viên Đại học Hawaii.
Sự phòng bị cần thiết
“Một buổi sáng nọ, radio phát lời đề nghị tất cả binh sĩ dự bị của trường đến trình diện tại ban chỉ huy tại đây. Chúng tôi được phát súng để giúp bảo vệ thành phố. Đơn vị của chúng tôi được chuyển đổi thành Đội tự vệ Hawaii”, ông kể.
Loa báo động được lắp đặt khắp thành phố sau khi cuộc chiến bắt đầu. Kể từ đó là những bài kiểm tra tập dượt diễn ra tiếp nối nhau. “Mỗi lần sau khi loa tắt thì radio lại phát thông báo: ‘Đây chỉ là diễn tập, đừng hoảng loạn”, ông Tsukiyama nhớ lại.
Cựu binh Ted Tsukiyama từng tham gia Thế chiến 2. Ảnh: NBC. |
Cùng với thế hệ những người Mỹ gốc Nhật khác, ông Tsukiyama tình nguyện nhập ngũ và tham gia Trung đoàn chiến đấu 442 của lục quân. Sau đó, ông được điều chuyển sang lực lượng tình báo và phái đến Ấn Độ, rồi Myanmar.
Khoảng 70 năm trôi qua sau trận Trân Châu Cảng, tiếng chuông báo động ám ảnh một thời nay sẽ vang trở lại trên hòn đảo thiên đường. Chính quyền Hawaii quyết định đưa hệ thống hoạt động trở lại trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Triều Tiên, trong khi đảo này là một tiền đồn quân sự quan trọng.
“Tôi nghĩ đây là một hành động phòng bị cần thiết. Nhưng tôi không tin Triều Tiên sẽ dám tấn công. Đó là sự thiếu khôn ngoan khi dám đe doạ Mỹ, Hàn Quốc hay Nhật Bản”, cựu binh Tsukiyama nói.
Tuy nhiên, mối lo ngại ngày càng gia tăng. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un liên tục doạ sẽ thả bom xuống Thái Bình Dương, trong khi Tổng thống Donald Trump cảnh báo sẽ trả đũa Triều Tiên bằng “biển lửa và cuồng nộ”. Mới đây, Washington đã đưa Triều Tiên trở lại vào danh sách nhà nước bảo trợ khủng bố.
Du khách đón hoàng hôn trên đảo Hawaii. Ảnh: Reuters. |
Triều Tiên sẽ thực sự tấn công?
Xác suất một vụ tấn công bằng tên lửa Triều Tiên đến Hawaii là không lớn. Tuy nhiên, ông Vern Miyagi, lãnh đạo Cơ quan Quản lý Tình huống Khẩn cấp Hawaii (HI-EMA), nói việc phòng bị luôn là yếu tố quan trọng.
“Nếu Triều Tiên thực sự phát động tấn công chúng tôi hay đồng minh thì tất cả sẽ trả đũa và đánh bại tham vọng của nước này, dẫn đến sự kết thúc hoàn toàn”, ông Miyagi nói.
Ông cho biết tầm quan trọng của Hawaii là nơi đặt căn cứ chính của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ (USPACOM) nên nó cũng nằm trong phạm vi bảo vệ của lá chắn phòng thủ tên lửa do PACOM vận hành.
Tuy nhiên, cũng chính vì vị trí địa lý khiến “Hawaii dễ trở thành mục tiêu nhất, do chúng tôi gần với Triều Tiên nhất so với những phần còn lại của nước Mỹ”.
Năm 2017, Triều Tiên đã 2 lần phóng tên lửa bay qua khỏi Nhật Bản. Đồ hoạ: NYT. |
"Chúng tôi luôn theo dõi tất cả những hoạt động vũ khí của họ, từ thử hạt nhân đến phóng tên lửa. Chúng tôi không thể bỏ qua bất kỳ động thái nào. Người dân Hawaii cần biết chính quyền đang chuẩn bị như thế nào cho các kịch bản”, ông Miyagi nói.
Bên cạnh đó, chính quyền Hawaii đang lên kế hoạch tăng cường tập huấn không chỉ cho 1,4 triệu dân trên đảo mà cả những du khách viếng thăm về kiến thức và kỹ năng đối phó với một vụ tấn công hạt nhân.
Kể từ tháng 12 này, Hawaii trở thành một trong những bang đầu tiên của Mỹ tiến hành chiến dịch sẵn sàng ứng phó chiến tranh hạt nhân, tái kích hoạt hệ thống loa cảnh báo tấn công vốn đã ngưng hoạt động kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Trong nhiều thập kỷ qua, người dân đảo Hawaii chỉ thỉnh thoảng nghe thấy loa cảnh báo sóng thần hoặc cảnh báo bão.
Ông Vern Miyagi, lãnh đạo Cơ quan Quản lý Tình huống Khẩn cấp Hawaii. Ảnh: NBC. |
Quan trọng hơn, chính quyền cũng khuyến khích mỗi gia đình có kế hoạch tự phòng bị. Những ngày “cúi đầu và che chắn” từ thời Chiến tranh Lạnh đã qua. Ngày nay, lời chỉ dẫn là “ẩn náu ở nơi an toàn”, bao gồm các hầm trú ẩn kiên cố. Người dân được đề nghị tích trữ lương thực và nước uống đủ dùng trong ít nhất 2 ngày, và có kế hoạch nguồn cung nhu yếu phẩm để cầm cự đến 14 ngày.
Nếu Triều Tiên thực sự tấn công Mỹ thì tên lửa nước này cần khoảng 20 phút để bắn tới Hawaii. Các lực lượng trên đảo cần khoảng 5 phút để xác định hướng đi của tên lửa, sau đó chính quyền chỉ còn khoảng 15 phút để phát cảnh báo đến người dân.
“Mỗi cá nhân, mỗi gia đình cần phải kiên cường để tự bảo vệ chính họ trước tiên; trong khi chúng tôi sẽ bảo vệ những cơ sở hạ tầng quan trọng, các khu cảng, nguồn nước, đường sá….”, ông Miyagi cho biết.
Giới chức Hawaii ước tính, khi kịch bản tồi tệ nhất xảy ra thì khoảng 80 - 90% người dân có thể sống sót. “Ngay cả khi chỉ cứu được một người thì chúng tôi vẫn phải làm. Đó là nhiệm vụ của chúng tôi, phải chuẩn bị ứng phó với tất cả mối nguy hiểm”, ông Miyagi nói.