Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Liên tiếp sự cố, Hạm đội 7 có tồn tại qua bão dữ?

Với tầm quan trọng ngày càng tăng của châu Á và Đông Á, Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ đang phải đảm đương quá nhiều nhiệm vụ nhưng bị giới hạn về nguồn lực.

Đầu tháng 11 vừa qua là một trong những dịp hiếm hoi Hải quân Mỹ phô trương lực lượng hùng hậu, khi ba tàu sân bay lớn và hùng hậu nhất cùng đến bán đảo Triều Tiên giữa thời điểm trùng với chuyến công du đầu tiên của Tổng thống Donald Trump đến châu Á.

Tuy nhiên, đằng sau sự phô trương lực lượng rầm rộ này là những câu hỏi về khả năng sẵn sàng chống đỡ của Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương. Những lãnh đạo hải quân gần đây thừa nhận rằng lực lượng này đang thiếu ngân sách, nhân lực và vũ khí để bảo đảm toàn thắng nếu xung đột xảy ra...

thach thuc cua hai quan My anh 1
Ba tàu sân bay Mỹ đến bán đảo Triều Tiên đầu tháng 11. Ảnh: CNN.

Vắt sức

Ba tàu sân bay đến khu vực vào đầu tháng 11 để phối hợp diễn tập cùng Hàn Quốc và Nhật Bản. Đây chỉ là một trong khoảng 160 cuộc tập trận chung giữa các bên, do Hạm đội 7 giám sát. Cuộc tập trận với Hàn Quốc diễn ra 4 ngày, trong khi với Nhật Bản trong 10 ngày diễn ra liền kề nhau.

Mục đích của cuộc tập trận là để trấn an các đồng minh trong khu vực trước tình hình các hoạt động khiêu khích và thử vũ khí liên tiếp của Trều Tiên; tuy nhiên nó phản ánh một lo ngại khác rằng Hạm đội 7 đang bị “vắt sức” khi phải đảm nhận quá nhiều nhiệm vụ.

Trong khi đó, chưa năm nào tình hình hoạt động của lực lượng Thái Bình Dương gặp nhiều tin ảm đạm như năm nay.

Tai nạn chấn động nhất là vụ hai tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Fitzgerald và USS John McCain đâm phải tàu chở hàng khiến 17 thuỷ thủ thiệt mạng. Còn kinh phí sửa chữa tàu lên đến hàng trăm triệu USD.

Hai vụ tai nạn này, lần lượt xảy ra ở Nhật Bản và Singapore, khiến Hải quân Mỹ phải giật mình nhìn lại, làm sao những con tàu tinh vi với trang thiết bị hiện đại như vậy lại không thể phát hiện ra tàu chở hàng giữa vùng biển nhộn nhịp.

thach thuc cua hai quan My anh 2
Tàu USS Ronald Reagan. Ảnh: CNN.

Trong năm 2017, Hạm đội 7 cũng ghi nhận 5 sự cố ngoài chiến sự liên quan đến nhiều tàu và máy bay. Gần đây là vụ rơi máy bay Mỹ rơi ngày 22/11 ở ngoài khơi Nhật Bản khi nó trên đường chở thủ thủ đến tàu sân bay USS Ronald Reagan.

Một báo cáo của Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ Mỹ (GAO) hồi tháng 9 cảnh báo những đợt triển khai tàu dài ngày đến căn cứ ở Nhật Bản thường dẫn đến kết quả là các yêu cầu tập huấn được thực hiện qua loa do yêu cầu tiến hành các hoạt động nối tiếp nhau. 

“Khi không có đủ thời gian luyện tập thì các kỹ năng sẽ bị hao mòn dần. Các trung tâm quân đội cũng như một đội bóng, anh phải thường xuyên luyện tập”, Carl Schuster, giáo sư tại Đại học Hawaii Pacific và từng có kinh nghiệm 10 năm hoạt động trên tàu chiến Mỹ, nói.

Sĩ khí của hải quân

Khi tham gia điều trần tại Uỷ ban Quân vụ Hạ viện để giải trình về hàng loạt vụ va chạm trên biển, Phó chỉ huy các hoạt động hải quân Mỹ William Moran nói lực lượng này đang cố gắng quá nhiều trong khi nguồn lực có hạn. “Chúng tôi luôn gặp phải vấn đề về cung - cầu vốn đang tạo nên áp lực lớn với lực lượng”, Đô đốc Moran nói.

thach thuc cua hai quan My anh 3
Bố trí đội tàu của Hạm đội Thái Bình Dương của hải quân Mỹ. Đồ hoạ: CNN.

Theo vị lãnh đạo cao cấp thứ 2 trong Hải quân Mỹ, hàng loạt vụ việc xảy ra khiến nhiều quan chức băn khoăn “chúng tôi chưa đủ hùng mạnh để đảm đương tất cả nhiệm vụ được giao”.

“Nhưng với tinh thần của lực lượng hải quân, chúng tôi luôn kêu gọi nhau rằng ‘chúng ta sẽ hoàn thành nhiệm vụ’. Vì đó là điều làm nên binh chủng hải quân. Thỉnh thoảng điều này lại gây ra hệ luỵ”, Đô đốc Moran nói.

Nhiều lãnh đạo hải quân chia sẻ với trăn trở này của Đô đốc Moran, khi Hạm đội 7 đang phải đảm đương ngày càng nhiều nhiệm vụ.

Trong thư gửi quốc hội hồi tháng 9, Giám đốc Năng lực Quốc phòng và Quản trị tại GAO John Pendleton, nói cách hoạt động của hải quân hiện nay báo động ở chỗ các đội tàu không có thời gian cố định cho tập luyện, mà họ tranh thủ mọi thời gian rảnh có thể trong khi đang thực hiện nhiệm vụ.

“Khi thuỷ thủ mệt mỏi thì họ sẽ không còn minh mẫn ra quyết định”, Schuster nói. Trong sự cố va chạm của tàu Fitzgerald, binh sĩ trực đã không đánh thức thuyền trưởng đang ngủ khi tàu chiến này đi vào phạm vi va chạm với tàu hàng. “Đây là hành động khinh suất hoặc cẩu thả ngoài tưởng tượng”.

Sau vụ việc, hải quân đã tiến hành hàng loạt cuộc điều tra, những sơ suất trong quy trình an toàn, và xem xét toàn diện những vụ tai nạn trước đây.

Khi ra điều trần ở Uỷ ban Quân vụ Hạ viện hồi tháng 9, Bộ trưởng Hải quân Mỹ Richard Spencer nói: “Chúng tôi đang tiến hành những hoạt động chấn chỉnh ngay lập tức để bảo đảm các binh sĩ đáp ứng việc tập luyện và tiêu chuẩn sẵn sàng hành động để ngăn chặn một tai nạn tái diễn”.

Bên cạnh đó là sự trừng phạt, khi các chỉ huy của tàu Fitzgerald và McCain cùng một số sĩ quan cấp cao khác, gồm cả Phó đô đốc Joseph Aucoin là chỉ huy hạm đội 7 đã bị cách chức.

thach thuc cua hai quan My anh 4
Tàu sân bay Mỹ hoạt động ở vùng biển bán đảo Triều Tiên đầu tháng 11. Ảnh: CNN.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Hải quân Mỹ mà một chỉ huy hạm đội bị buộc rời khỏi hạm đội. Ông Aucoin đã đảm nhận chức vụ từ tháng 9/2015, nhưng bị miễn nhiệm vì “gây mất lòng tin nghiêm trọng về năng lực chỉ huy”.

Áp lực gia tăng

Các chỉ huy hải quân cấp cao thừa nhận lực lượng đã yêu cầu quá nhiều so với số lượng thuỷ thủ, tàu chiến và máy bay có hạn.

Khi ra điều trần tại Hạ viện đầu tháng 11, Phó đô đốc Mike Shoemaker, chỉ huy nhóm phi đội tác chiến của hải quân, đã trình bày chi tiết về việc chuẩn bị vất vả cho mỗi sứ mệnh triển khai tàu sân bay. Nguyên nhân do nguồn lực hạn chế từ thiết bị đến chuyên viên kinh nghiệm.

“Để có thể triển khai tàu Carl Vinson, Nimitz và Theodore Roosevelt tham gia các hoạt động vào tháng 1, tháng 6 và tháng 10 năm nay với đầy đủ phi đội tác chiến thì chúng tôi phải điều động 94 máy bay từ các cơ sở bảo dưỡng hoặc huy động từ phi đội F-18 ở cả hai vùng biển”, ông Shoemaker nói.

thach thuc cua hai quan My anh 5
Máy bay F/A-18 Hornet chuẩn bị xuất kích trên tàu Carl Vinson. Ảnh: CNN.

Tình hình cũng ảnh hưởng trực tiếp đến các thuỷ thủ và phi công trên tàu, khi hải quân bị buộc phải lấp khoảng trống thiếu hụt trong quá trình triển khai các phi đội và tàu sân bay. Do vậy, 300 thuỷ thủ bị điều chuyển sang nhận nhiệm vụ khác hoặc phải kéo dài thời gian điều động hơn bình thường.

Phó đô đốc Shoemaker nói điều này ảnh hưởng đến tinh thần của các binh sĩ, có thể dẫn đến hậu quả như họ không muốn gia hạn thời gian tại ngủ, và việc rời lực lượng không chỉ để lại khoảng trống về công việc mà là lãng phí nhiều năm huấn luyện.

Thượng nghi sĩ John McCain, Chủ tịch Uỷ ban Quân vụ Thượng viện, hoan nghênh cuộc tập trận của đội 3 tàu sân bay vừa qua ở bán đảo Triều Tiên. Nhưng ông cũng nhấn mạnh tình trạng thiếu hụt của lực lượng. 

“Những cuộc tập trận như thế này được khuyến khích tiến hành, nhưng thực tế hải quân chúng ta là bị thiếu hụt ngân sách, quá nhiều nhiệm vụ trong khi lực lượng mỏng”, ông McCain nói.

Các chỉ huy hải quân từng cảnh báo ròng rã nhiều năm rằng việc cắt giảm ngân sách sẽ hạn chế số lượng tàu và máy bay có thể hoạt động. Vấn đề càng trở nên trầm trọng trong bối cảnh tình hình thế giới ngày càng đòi hỏi sự hiện diện của quân đội Mỹ.

Đối với Hạm đội 7 - đơn vị có đội tàu lớn nhất hải quân - là việc canh chừng các hoạt động khiêu khích của Triều Tiên khi nước này có thể phóng tên lửa đến Nhật, đảo Guam hay lục địa Mỹ; hoặc tiến hành những cuộc tập trận tự do hàng hải trên Biển Đông… Nhìn chung, phạm vi hoạt động của Hạm đội 7 trải dài trong vùng biển 124 triệu km2, từ Đường thời gian quốc tế (IDL) cho đến biên giới Ấn Độ - Pakistan, gồm cả quần đảo Kuril phía Bắc cho đến Nam cực.

thach thuc cua hai quan My anh 6
Tàu USS Coronado phóng tên lửa Harpoon trong một cuộc tập trận với Hải quân Singapore. Ảnh: CNN.

Cơn bão dữ

Hạm đội Thái Bình Dương chính thức thành lâp năm 1907. Kể từ đó, đơn vị này ngày càng phát triển cả về số lượng lẫn tầm quan trọng chiến lược, khi châu Á, mà đặc biệt là Đông Á, trở thành điểm trọng tâm trong chính sách đối ngoại Mỹ.

Ngày nay, Hạm đội 7 sở hữu đội tàu lớn nhất thế giới với khoảng 200 tàu chiến mặt nước vào tàu ngầm, gần 1.200 máy bay và hơn 130.000 thuỷ thủ và chuyên viên dân sự.

Sau khi chính thức nhậm chức, Tổng thống Trump đã tuyên bố sẽ tăng cường quy mô tàu chiến hải quân từ 308 lên 355 chiếc. Nhưng việc tăng cường số tàu trong khi bảo đảm trật tự vận hành hiện tại trong các hạm đội thì không phải là điều dễ dàng.

Một nguồn tin của CNN nói công tác bảo dưỡng đang “cho ra rìa” 11 tàu hải quân. Trong khi đó, một báo cáo hồi tháng 9 của GAO nói những cơ sở đóng tàu và các trang thiết bị đang trong tình trạng rất kém, ảnh hưởng đến công tác sửa chữa và bảo trì. Tình hình này cần ít nhất 19 năm để khắc phục.

Báo cáo của GAO quy trách nhiệm cho việc đặt mức trần ngân sách mà quốc hội và Tổng thống Barack Obama thông qua năm 2011, cùng với nhu cầu hoạt động ngày càng tăng của hải quân là những nguyên nhân chủ chốt đẫn đến sự “thiếu linh hoạt tài khoá của hải quân”.

“Cơ sở và thiết bị không bảo đảm dẫn đến việc bảo trì kéo dài, là một phần dẫn đến thất thoát hơn 1.300 ngày hoạt động của tàu sân bay, khi các tàu không đủ điều kiện tham gia sứ mệnh, và 12.500 ngày với các tàu ngầm”, theo GAO.

thach thuc cua hai quan My anh 7
Một tàu Lực lượng Phòng vệ Biển của Nhật Bản tập trận cùng tàu Hải quân Mỹ. Ảnh: CNN.

Đầu tháng 11 này, Hạ viện đã thông qua dự luật quốc phòng thường niên. Nếu nó tiếp tục được thông qua tại Thượng viện sẽ dẫn đến việc phê chuẩn mức ngân sách bảo trì tàu đúng như đề nghị của hải quân, cũng như cấp thêm kinh phí để mua máy bay.

Tuy nhiên, cựu nghị sĩ Randy Forbes cho rằng việc tăng ngân sách là điều đúng đắn nhưng đây chưa phải giải pháp cho tất cả. “Vấn đề chính vẫn là năng lực sẵn sàng hoạt động, mà điều này cần nhiều năm để khắc phục. Đây không phải là cái đinh có thể dễ dàng đóng vào hoặc tháo ra”. 

"Nếu chúng ta phải tham gia vào trận chiến, chúng ta sẽ chiến đấu bằng tất cả những gì đang có. Do vậy điều quan trọng là phải xác định chính xác anh cần những gì”, ông Forbes, cựu chủ tịch Tiểu ban Hoả lực và Điều động Lực lượng Hạ viện nói. 

Để bảo đảm các đội tác chiến tàu sân bay có thể đối phó ngay lập tức với một vụ xung đột bất ngờ, ông Forbes cho rằng Mỹ phải tiến hành chiến dịch “chấn hưng hải quân”. “Bài toán hiện nay sẽ không hiệu quả. Chúng ta cần cuộc cải tổ toàn diện hải quân để có thể đáp ứng các thách thức toàn cầu”.

3 siêu tàu sân bay Mỹ xuất quân trong cuộc tập trận sát Triều Tiên Cuộc tập trận kéo dài 4 ngày của hải quân Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc có sự tham gia của 3 siêu tàu sân bay Mỹ, các tiêm kích F/A-18 và F-35 cùng nhiều khí tài quân sự hiện đại.

Các siêu tàu sân bay Mỹ phô diễn sức mạnh, cảnh báo Triều Tiên

Lần đầu tiên trong 10 năm, 3 nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ cùng tập trận ở Tây Thái Bình Dương nhằm phô trương sức mạnh trước những lời đe dọa của Triều Tiên.


Minh Anh (Theo CNN)

Bạn có thể quan tâm