Đại bàng vàng quý hiếm ở DMZ. Ảnh: Viện Sinh thái Quốc gia Hàn Quốc/CNN. |
Được thành lập sau khi Triều Tiên và Hàn Quốc đình chiến vào năm 1953, khu DMZ trở thành một trong những nơi được vũ trang nghiêm ngặt nhất thế giới. Khu phi quân sự dài hơn 250 km được rào bằng kẽm gai, đặt mìn và hầu như không có hoạt động của con người.
Song, việc tách biệt như vậy đã khiến nơi đây trở thành thiên đường cho động vật hoang dã.
Hình ảnh từ dự án DMZ của Google Arts & Culture được công bố hồi tuần này đã cho cái nhìn hiếm thấy về các loài động thực vật sinh sống ở vùng đất này.
Những hình ảnh giúp người xem có một “tour du lịch ảo” tại DMZ, với nhiều di tích văn hóa và nhiều công trình thời chiến như boongke phòng thủ, theo CNN.
Khu phi quân sự chia tách Triều Tiên và Hàn Quốc. Ảnh: Jeong Seung Ik/CNN. |
Hệ sinh thái phát triển phong phú
Tuy nhiên, những hình ảnh nổi bật nhất là hơn 6.100 loài sinh vật tại DMZ, từ bò sát, chim chóc đến thực vật. Google cho biết có 38% trong số 267 loài có nguy cơ tuyệt chủng đang ở DMZ.
Sau chiến tranh Triều Tiên, khu DMZ ít có sự can thiệp của con người trong hơn 70 năm, và môi trường tự nhiên đã tự phục hồi. Nó đã tạo ra một hệ sinh thái mới và trở thành khu bảo tồn động vật hoang dã.
DMZ trở thành môi trường sống của loài dê núi, hươu xạ, rái cá và đại bàng vàng. Các con đại bàng vào mùa đông thường bay đến khu dân sự và được người dân cho ăn.
Loài dê núi xuất hiện tại DMZ. Loài này vốn thường sống ở khu vực núi đá. Ảnh: Viện Sinh thái Quốc gia Hàn Quốc/CNN. |
Phần lớn hình ảnh được chụp bởi drone máy ảnh của Viện Sinh thái Quốc gia Hàn Quốc. Vào năm 2019, máy ảnh lần đầu chụp được con gấu đen châu Á sau 20 năm. Điều này khiến các nhà nghiên cứu phần nào an tâm, khi cá thể này đang có nguy cơ tuyệt chủng do nạn săn bắn trộm và phá hủy môi trường sống.
Seung Ho Lee, Chủ tịch DMZ Forum, nhóm vận động bảo vệ các di sản văn hóa và sinh thái, hồi năm 2019 nói rằng DMZ trở thành “ốc đảo” cho các loài chim di cư, vì điều kiện ngày càng khắc nghiệt ở hai miền Triều Tiên.
“Chúng tôi gọi đây là thiên đường tình cờ”, ông Lee nói.
Tình trạng khai thác gỗ và lũ lụt ở Triều Tiên, cũng ô nhiễm và đô thị hóa ở Hàn Quốc đã ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài chim này.
Theo Cơ quan Văn hóa và Thông tin Hàn Quốc (KOCIS) hồi năm 2018, DMZ cũng là khu vực duy nhất trên thế giới mà loài sếu gáy trắng và sếu gáy đỏ cùng bay đến vào mùa đông.
Loài Heloniopsis tubiflora, thực vật đặc hữu của Hàn Quốc, ở khu DMZ. Ảnh: Vườn bách thảo DMZ/CNN. |
Thực vật tại đây cũng rất phong phú, với hơn 550 loài quý hiếm, bao gồm hoa chuông xanh Geumgang, tuyết nhung Đông Á hay cây mưa vàng.
Kêu gọi bảo tồn
Hình ảnh từ Google cũng cho thấy những cảnh quan nguyên sơ và sự đa dạng sinh học. Từ những bức ảnh, người dùng có thể khám phá vùng đồng hoang Yongneup, với những đồng cỏ được phủ đầy thực vật đất ngập nước, hay đến hẻm núi sông Hantan, với làn nước màu lam ngọc chảy giữa những bức tường đá granite.
Sông Hantan ở DMZ. Ảnh: Vườn bách thảo DMZ/CNN. |
Nhiều nhóm vận động ở cả Triều Tiên và Hàn Quốc cũng như các tổ chức môi trường quốc tế kêu gọi hai miền có những chính sách bảo tồn hệ sinh thái tại DMZ. Song, điều này không dễ dàng, vì nó đòi hỏi Seoul và Bình Nhưỡng cùng nhau hợp tác.
Trước đây, quan hệ hai nước đã có những tiến triển, với hình ảnh cựu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un bắt tay tại DMZ vào năm 2018, cam kết biến nơi đây thành “vùng hòa bình”. Một năm sau đó, Hàn Quốc đã mở một con đường cho số ít du khách tham quan DMZ, đi qua các đài quan sát và hàng rào dây thép gai.
Tuy nhiên, quan hệ Hàn Quốc và Triều Tiên hiện tại đang có nhiều căng thẳng, khi Bình Nhưỡng liên tiếp có những vụ thử tên lửa, và đã phá kỷ lục về số vụ thử trong năm 2022.
Sách về thế giới tự nhiên
Mục Thế giới giới thiệu những cuốn sách viết về cuộc sống tự nhiên giúp mỗi cá nhân mở rộng tầm nhìn và gợi cảm hứng trong hành trình bảo tồn thiên nhiên, môi trường sống.
> Độc giả có thể xem thêm tại đây.