Theo số liệu từ GfK, tổng doanh thu điện máy năm 2016 tăng nhẹ so với 2015, nhưng tốc độ phát triển của một số ngành hàng đang có đà giảm sút hoặc đi ngang.
Cụ thể, số liệu của hãng thống kê này tính từ đầu năm 2015 đến tháng 6/2016. Trong đó, mức độ phát triển qua từng năm của ngành điện tử tiêu dùng tăng từ 30,3% lên 41,1%. Ngành hàng gia dụng cỡ nhỏ (bếp điện, máy lọc nước, đèn chiếu sáng,...) tăng từ 22,2% lên 30,5%.
Smartphone ảnh hưởng nhiều đến doanh số laptop lẫn tablet. Ảnh: DK. |
Tuy nhiên, đó là hai dấu hiệu tích cực nhất. Tất cả các ngành hàng còn lại như đồ gia dụng cỡ lớn (máy lạnh, tủ lạnh, máy giặt,...), ngàng hàng di động (điện thoại thông minh và điện thoại cơ bản), ngành hàng công nghệ thông tin (máy tính, máy ảnh, thiết bị giải trí cỡ nhỏ...) đều giảm.
Trong đó, ngành hàng di động đang có dấu hiệu bão hoà khi chỉ số phát triển đang ở mức 27,1%, chỉ tăng nhẹ so với mốc 26,2% đầu 2015. Tức sau hơn một năm, tốc độ tăng trưởng của ngành hàng này không thay đổi đáng kể.
Bi thảm hơn, nhóm ngành hàng CNTT và Hình ảnh như máy tính để bàn, laptop, máy in, máy tính bảng, máy ảnh, máy quay kỹ thuật số,...có mức tăng trưởng âm, từ 15% xuống còn 10% trong 6 quý liên tiếp. Con số này phản ánh đúng thực tế cảnh ế ẩm tại các trung tâm mua sắm đồ điện tử ở Việt Nam, khi sức tiêu thụ laptop, desktop và máy tính bảng yếu dần đều trong những năm qua.
Dự đoán về khả năng phát triển laptop và tablet, ông Đoàn Văn Hiểu Em, Giám đốc ngành hàng Viễn thông di động của Thế Giới Di Động cho rằng mảng này sẽ không tăng, thậm chí sẽ tiếp tục giảm vì smartphone ngày càng đáp ứng được nhu cầu giải trí lẫn công việc.
Riêng tại nhà bán lẻ này, ông Em cho biết sức mua máy tính xách tay và máy tính bảng đang ở mức ổn định, dù xét về tỷ trọng chỉ chiếm một phần nhỏ so với tổng doanh thu của smartphone.