Theo số liệu của GfK về thị trường di động Việt Nam 6 tháng đầu năm 2016, thị phần của nhóm điện thoại dưới 2 triệu giảm từ 24,2% xuống còn 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Điện thoại từ 2-3 triệu cũng thu hẹp thị phần từ 19,7% xuống còn 17,4%. Số liệu này bao gồm cả điện thoại cơ bản (feature phone) lẫn điện thoại thông minh (smartphone).
So sánh thị phần từng phân khúc 6 tháng đầu 2016 và cùng kỳ 2015 theo số liệu từ GfK. |
Bức tranh này hoàn toàn trái ngược với cảnh sôi động của nhóm điện thoại phổ thông, cận cao cấp và cao cấp, khi thị phần của ba phân khúc này đều tăng trưởng mạnh. Ngay cả tầm giá 8-10 triệu vốn có doanh số èo uột trong những năm qua cũng có mức tăng gấp đôi so với năm 2015.
Những diễn biến mới thông qua con số từ GfK khiến các hãng điện thoại vui mừng, nhưng cũng đặt ra câu hỏi liệu người dùng Việt Nam đang ngày càng "chịu chơi" hơn, hay do các hãng điện thoại đang dần từ bỏ địa hạt giá rẻ?
Trao đổi với Zing.vn, đại diện của các nhà bán lẻ lớn như Thế Giới Di Động, FPT Shop... đều thông báo sức mua điện thoại giá rẻ đang ở mức ổn định. "So với cùng kỳ 2015 thì 6 tháng đầu năm nay, nhóm dưới 2 triệu tăng 49% về số lượng và 175% về doanh thu", ông Đặng Thanh Phong - Trưởng phòng PR & Marketing của Thế Giới Di Động chia sẻ.
Theo một nhà bán lẻ tại TP HCM, sở dĩ nhóm điện thoại dưới 2 triệu đang dần ít khách vì năm qua có hàng loạt chương trình trả góp điện thoại với 0% lãi suất diễn ra ở các đại lý lớn cho đến các cửa hàng nhỏ lẻ.
"Thay vì bỏ ra số tiền nhỏ để mua điện thoại giá rẻ, người dùng có thể mua ngay điện thoại phổ thông tầm 3-4 triệu và trả dần", vị này cho biết. Theo đó, Samsung và Oppo đang là hai thương hiệu có chương trình trả góp và khuyến mãi mạnh nhất trong nhóm 3-4 triệu và kể cả trong nhóm từ 6 triệu trở lên. Đây chính là lý do vì sao người dùng tại Viêt Nam ngày càng mua điện thoại giá cao hơn những năm trước.
Bên cạnh đó, có một nguyên nhân khác khiến nhóm điện dưới 2 triệu và 2-3 triệu dần thu hẹp thị phần tại Việt Nam. Theo bà Hoàng Thuỳ Linh, phụ trách truyền thông và marketing của Mobiistar, so với năm ngoái, số thương hiệu góp mặt trong nhóm này không còn nhiều. Dù nhu cầu vẫn còn nhưng lợi nhuận không cao khiến hầu hết các thương hiệu đều muốn di chuyển lên phân khúc phổ thông (3-6 triệu).
Nhiều chương trình trả góp khiến người dùng mạnh dạn mua máy phổ thông thay vì chọn điện thoại giá rẻ. |
Tuy nhiên, việc các thương hiệu dần rời bỏ sân chơi giá rẻ và người dùng "chịu chi" hơn chưa phải là nguyên nhân chính khiến nhóm điện thoại dưới 3 triệu giảm sút thị phần. Nguyên nhân chính ít ai biết nằm ở "góc khuất" trong thống kê của GfK.
Trao đổi với Zing.vn, ông Trương Hữu Dũng, một người kinh doanh điện thoại lâu năm ở TP HCM cho rằng số liệu của GfK chưa bao quát hết những thương hiệu "noname" vốn đang làm mưa làm gió ở các tỉnh, nông thôn và miền núi.
Cụ thể, ông Dũng liệt kê hàng loạt các thương hiệu smartphone giá rẻ đang bán chạy như Arbutus, Forme, Hot Wav Bluoo... Những nhãn hiệu ít được biết đến này chưa đủ khả năng để lọt vào thống kê của GfK, nhưng lại "gặm nhấm" thị phần của những tên tuổi lớn đang nằm trong bảng số liệu.
Cùng với những kẻ vô danh trên, iPhone hàng dựng hoặc đã qua sử dụng nhập lậu từ Trung Quốc cũng được cho là góp phần đẩy smartphone chính hãng giá rẻ lâm vào cảnh chợ chiều. Chỉ với 2-3 triệu đồng, người mua đã có thể sở hữu iPhone 5C hoặc iPhone 4S, iPhone 5 đời cũ. Số lượng máy bán ra theo cách này được tính là "grey market" (thị trường xám), không nằm trong số liệu của GfK.
Theo dự đoán của các nhà bán lẻ, điện thoại giá rẻ chưa thể "chết" ngay tại Việt Nam vì nhu cầu vẫn còn. Các thương hiệu như Samsung, Oppo, Motorola, HTC, Microsoft... hay ngay cả những thương hiệu Việt như Mobiistar, Q đều duy trì một vài mẫu máy để phục vụ người tiêu dùng, nhưng hầu hết sẽ dần rời bỏ vì không mang lại nhiều lợi nhuận.