Ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính). Ảnh: BTC. |
Đây là chia sẻ của ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính trước thềm Hội nghị các cơ quan quản lý bảo hiểm khu vực ASEAN lần thứ 26 (AIRM26th) và Hội nghị Hội đồng bảo hiểm ASEAN lần thứ 49 (AIC49th), dự kiến diễn ra ngày 5-8/12.
Cụ thể, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đánh giá năm 2023, thị trường bảo hiểm Việt Nam đang gặp phải các thách thức chung của nền kinh tế giống như một số nước trong khu vực.
Đó là năng lực nhận thức về bảo hiểm còn hạn chế, nhiều sản phẩm bảo hiểm nhưng còn thiếu tính phù hợp, công tác quản trị rủi ro, quy định về kênh phân phối chưa theo sát thay đổi từ thực tiễn của thị trường…
Tuy nhiên, ông Trung cho biết trong tương quan với khu vực và thế giới, quy mô của thị trường bảo hiểm Việt Nam được đánh giá còn khá khiêm tốn, tiềm năng của thị trường còn rất lớn.
Theo đó, nhiều tổ chức tài chính quốc tế đã đưa ra các nhận định tích cực về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Trong đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng năm 2023 của Việt Nam đạt 5,8% GDP, cao nhất Đông Nam Á và sẽ tăng 6% GDP trong năm 2024.
Còn theo báo cáo triển vọng Kinh tế thế giới tháng 10/2023 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Việt Nam đứng thứ 20 trong danh sách các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với mức tăng trưởng năm 2024 được dự báo đạt 5,8%.
Cùng với đà phục hồi kinh tế, các nước ASEAN cũng tiếp tục chứng kiến sự phát triển trong lĩnh vực bảo hiểm khi tăng trưởng tổng phí bảo hiểm được duy trì và tổng tài sản bảo hiểm cũng tăng lên với sự gia nhập của các công ty mới trên thị trường; cơ hội phát triển ngành bảo hiểm do số hóa, hợp tác chặt chẽ trong khu vực…
Riêng với Việt Nam, giai đoạn 2013-2022, doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường tăng trưởng trung bình 18,3%. Trong đó, doanh thu thị trường phi nhân thọ tăng bình quân 11,6%; doanh thu nhân thọ tăng trung bình 23,3%.
Cùng với đó, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã có 30 năm hình thành và phát triển với hệ thống khuôn khổ pháp lý đối với kinh doanh bảo hiểm liên tục được hoàn thiện; thị trường có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ và môi giới bảo hiểm.
Các sản phẩm bảo hiểm đã phong phú hơn; nhu cầu sử dụng dịch vụ bảo hiểm của người dân, tổ chức, doanh nghiệp ngày càng tăng…
Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm kỳ vọng với những kết quả đạt được của chặng đường phát triển, cũng như các giải pháp quan trọng đã được triển khai vừa qua, thị trường bảo hiểm Việt Nam sẽ có bước chuyển tích cực về mặt chất lượng, tạo điều kiện quan trọng cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Znews đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.