Phan Thị Thanh Nhàn là nhà thơ mà tôi thường gọi là thi sĩ. Thi sĩ theo tôi là những nhà thơ mà "Đọc thơ là thấy người!". Bởi có nhiều nhà thơ tôi đọc mãi mà không thấy, không hình dung được con người của nhà thơ! Cái câu "Người thơ phong vận như thơ ấy" chính là nói về những thi nhân, thi sĩ theo nghĩa đúng nhất của từ này!
Nhận xét về thơ của thi sĩ Phan Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam hiện nay, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, cho rằng: "Thơ của Phan Thị Thanh Nhàn như những bông hoa trên cây cổ thụ; cây thì có thể già, nhưng hoa thì mùa nào cũng tươi mới...". Tôi rất thích nhận xét này.
Tôi vừa nhận được tập Nhẫn cỏ (NXB Hội Nhà văn, 2021) là tập thơ và truyện ngắn của thi sĩ Phan Thị Thanh Nhàn. Tôi đọc liền một mạch và nhận ra rằng nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn vẫn trung thành với ý tưởng và phong cách của mình.
Tập thơ mới của Phan Thị Thanh Nhàn. Ảnh: Vnca. |
Bây giờ có những nhà thơ "quay" sang đổi mới, nhưng tôi đọc, thấy họ đã đánh mất bản thân mình. Đúng hơn là đã đánh mất ý tưởng và phong cách của riêng mình.
Tôi thích thơ Phan Thị Thanh Nhàn trước hết là chị đã không đánh mất mình, đã luôn trung thành với ý tưởng và phong cách của riêng mình.
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn không bày đặt, không uốn éo, không tô vẽ, không quay ngược quay xuôi để chứng tỏ mình mới!
Chàng kém mình nhiều tuổi
Chưa một lần gặp nhau
Bỗng nhắn tin thương mến
"Ngón tay số thế nào?"
Nước mắt mình bỗng chảy
Suốt một đời yêu đương
Chưa ai từng tặng nhẫn
Dẫu khổ nghèo, giàu sang...
Dù chỉ là nhẫn cỏ
Kết bài thơ không lời
Cũng sưởi mình ấm áp
Ngón tay gầy đơn côi... (Facebook)
Chất thật, đằm thắm, hồn nhiên, tinh tế mà sâu xa chính là cảm xúc chủ đạo của thi sĩ Phan Thị Thanh Nhàn. Từ bài thơ Hương thầm nổi tiếng được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc, được công chúng và người thơ đón nhận; trải qua bao năm tháng nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn vẫn trung thành với ý tưởng và phong cách thơ của mình. Trong bài thơ Gửi nhà thơ Đinh Thị Thu Vân tôi đọc mà se lòng bởi những câu thơ chân thực:
... Này ai buồn với tôi đi
Lẻ loi đã đợi ôm ghì rỗng không
Hắt hiu ngàn gió mung lung
Có ai buồn với tôi không kiếp này?
... Mình giờ cái chết cầm tay
Chẳng ai đáng để mình cay xé lòng...
Có một nhà thơ Nga từng viết: "Anh có thể dối em / Thơ anh không thể dối". Đúng vậy, người đọc thơ ngày nay, mà thật ra không chỉ ngày nay mà từ xa xưa chỉ những bài thơ, những câu thơ chân thực mới làm rung động hồn người.
"Người thơ phong vận như thơ ấy!" Chắc những người làm thơ chúng ta không ai là không nhớ điều này. Đọc thơ của thi sĩ Phan Thị Thanh Nhàn tôi cảm thấy chị chân thực hết mình, ngay cả trong giấc mơ:
Bỗng nghe tim đập mơ hồ
Hình như vừa chạm giấc mơ ngọt ngào
Ước gì giọt nước chanh chao
Đừng bao giờ nỡ rơi vào hư không... (Hư ảo)
... Có khi nhớ lại muốn quên
Có khi mang những ưu phiền vào thơ
Lạ sao lòng thấy bơ vơ
Nhớ thương ngày cũ đến giờ vẫn yêu... (Lơ mơ)
Trong bài thơ mang tên tập thơ và truyện Nhẫn cỏ, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn viết:
Trót lồng nhẫn cỏ vào tay
Thế là vướng phải khói mây trên trời
Đừng bao giờ gặp - chàng ơi
Để tôi sống với một người trong mơ...
... Đeo vào nhẫn cỏ tình yêu
Với tôi - nhẫn cỏ mang điều thiêng liêng
Khi nao về cõi người hiền
Tôi mang nhẫn cỏ theo liền chàng ơi!
Chỉ xin chàng chớ gặp tôi...
Đúng là người thơ Phan Thị Thanh Nhàn không thể khác!
Trong phần truyện ngắn, Phan Thị Thanh Nhàn là một nhà báo lâu năm nên viết khá chi tiết, sinh động, gần gũi với đời thường. Tôi thích truyện Chém gió vì nó khá điển hình và chân thực.
Phó Đức An (Peter Phó) trong bài viết về Nhẫn cỏ đăng cuối tập sách có đoạn: "...Thơ viết tự lòng mình, đa dạng và phong phú, là những gì xảy ra quanh chị hàng ngày.
Người xưa nói: "Thư trung tự hữu nhan như ngọc" nghĩa là trong sách hàm chứa nhiều thứ quý giá, có thể đắt như hoàng kim, có thể đẹp đẽ trân quý như ngọc ngà. Trong sách của chị có thể tìm thấy những thứ này. Đấy chính là giá trị tinh thần mà chị muốn gửi đến cho độc giả.
Khi đọc cuốn sách này, chắc chắn chúng ta sẽ tìm ra được nhiều điều thú vị, nhiều ý hay nghĩa đẹp và trong đó còn tiềm ẩn những câu chữ diễn tả tâm hồn đẹp đẽ của một nhà thơ lão luyện, một tâm hồn chan chứa yêu thương. Chan chứa tình yêu cuộc sống...". (Lời cuốn sách Thu trung tư hữu nhan như ngọc - trang 210)
Ở bìa cuối tập Nhẫn cỏ có trích bốn câu thơ:
Tìm người chẳng thấy người đâu
Chỉ còn tre dệt chiếc cầu mộng mơ
Tôi thường nhớ những ngày xưa
Cùng bao giấc mộng bây giờ đã tan
Tôi thiển nghĩ người thơ Phan Thị Thanh Nhàn hiện rõ nhất ở đây.
Tôi luôn tâm đắc với tiên sinh Trương Trào khi ông viết trong U mộng ảnh (Bản dịch của Nguyễn Hiến Lê): "... Tuyệt tác văn chương từ cổ chí kim đều viết bằng huyết lệ".
Thiển nghĩ, người thơ Phan Thị Thanh Nhàn chắc đã sống hết mình, yêu hết mình, trung thực hết mình mới viết được những câu thơ mà tôi thích trong tập Nhẫn cỏ.