Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hai ấn phẩm kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hoàng Cầm

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ, hai cuốn sách “Về Kinh Bắc” và “Hoàng Cầm 100 bài - thơ” đã được thực hiện.

Mùa xuân này kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hoàng Cầm (22/2/1922-22/2/2022). Một số văn nghệ sĩ, gia đình nhà thơ đã cùng thực hiện quỹ tưởng niệm ông. Nhiều hoạt động được chuẩn bị để tưởng nhớ thi sĩ tài danh, trong đó, nổi bật là hai cuốn sách đã được biên soạn.

Tuyển tập những bài thơ điển hình của Hoàng Cầm

Hoàng Cầm 100 bài - thơ tuyển chọn những tác phẩm điển hình cho phong cách của nhà thơ. Sách do nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha tinh tuyển, bên cạnh đó là những bài viết về Hoàng Cầm của Nguyễn Duy, Nguyễn Thị Minh Thái, Lê Thiết Cương…

100 nam sinh Hoang Cam anh 1

Sách Hoàng Cầm 100 bài - thơ. Ảnh: Liên Việt.

Trong sách có nhiều hình ảnh đời thường của nhà thơ Hoàng Cầm do nhiếp ảnh gia Hà Tường và Nguyễn Đình Toán chụp trong nhiều năm.

Phiên bản đặc biệt của Hoàng Cầm 100 bài - thơ có 16 minh họa của 3 họa sĩ Lê Thiết Cương, Bình Nhi, Hoàng Phượng Vỹ, được in 4 màu. Phiên bản đặc biệt có bìa và áo sử dụng giấy mỹ thuật ép nhũ đặc biệt.

Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, người tuyển chọn cuốn sách, ví thơ Hoàng Cầm như một điệu quan họ: “Vọng lại một đời sống đã vắng xa của vùng Kinh Bắc. Nhay nhức mãi những tình yêu như hư ảo, quá khứ của dân tộc. Đấy là giai điệu, nhịp điệu thơ Hoàng Cầm. Hoàng Cầm là một nghệ sĩ quan họ. Ông vừa là sự kết tinh, vừa là sự biểu hiện văn minh Kinh Bắc”.

Thông qua 100 bài thơ, bạn đọc được gặp lại những tác phẩm quan trọng, từ đó có cái nhìn bao quát về sự nghiệp của Hoàng Cầm. Ông là một trong những thi sĩ có đóng góp cho phong trào kịch thơ ở thời kỳ hậu Thơ mới (1943-1945) với tác phẩm tiêu biểu như Hận Nam Quan, Kiều Loan.

Trong kháng chiến chống Pháp, ông đã có một Bên kia sông Đuống da diết trữ tình và rực anh hùng ca.

Hoàng Cầm là tác giả của nhiều đầu sách như: Truyện thơ Men đá vàng, tập thơ Mưa Thuận Thành, tập thơ Bên kia sông Đuống, tập thơ Về Kinh Bắc, tập thơ 99 tình khúc

Bên cạnh đó, Hoàng Cầm còn là dịch giả, dịch sách cho nhà xuất bản Tân dân. Ông viết các tác phẩm phóng tác như: Hận ngày xanh (phóng tác theo Lamartine), Bông sen trắng (phóng tác theo Andersen), Cây đèn thần, Tỉnh giấc mơ vua (phóng tác theo Nghìn lẻ một đêm)…

100 nam sinh Hoang Cam anh 2

Sách Hoàng Cầm - Về Kinh Bắc. Ảnh: Nhóm tưởng niệm 100 năm Hoàng Cầm.

Tập thơ nổi bật trong sự nghiệp Hoàng Cầm

Trong sự nghiệp Hoàng Cầm, Về Kinh Bắc là tập thơ tiêu biểu. Tác phẩm được in lại trang trọng trong lần tưởng niệm thi sĩ.

Để thực hiện cuốn sách này, nhóm biên soạn đã dựa vào và đối chiếu ba phiên bản xuất bản trước đó: Về Kinh Bắc (Nhà xuất bản Văn học 1994), Hoàng Cầm - Tác phẩm - Thơ (Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Trung tâm Văn hóa và Ngôn ngữ Đông Tây, 2002), Hoàng Cầm - Thơ (Nhà xuất bản Hội Nhà văn và công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam, 2011).

Ngoài tác phẩm của Hoàng Cầm, sách in các bài viết phân tích về nghệ thuật trong tập Về Kinh Bắc. Trong sách còn in những tác phẩm hội họa, tranh ảnh, âm nhạc, lấy cảm hứng từ thơ ca của Hoàng Cầm.

Phần vĩ thanh của sách in bài viết của Hoàng Cầm năm 1992. Ở đó, thi sĩ khẳng định với Về Kinh Bắc, ông đã trở về tâm tư riêng, thế giới riêng của mình, về với quê hương xưa, vùng Kinh Bắc xa xưa mà vẫn gần gũi, về với những người đã khuất bóng ở nhân gian nhưng mãi mãi hiện diện trong tâm hồn ông.

Trong bài viết, Hoàng Cầm khẳng định Về Kinh Bắc đã trở thành cột xương sống cho toàn bộ thi phẩm của ông kể từ những năm 1940.

Về Kinh Bắc, nhiều bạn đọc biết đến và yêu thích các tác phẩm nổi tiếng như Đêm thổ, Đèn nhang, Lá diêu bông, Mưa Thuận Thành… Nhưng sinh thời, nhà phê bình Chu Văn Sơn cho rằng Cây tam cúc là kết tinh thơ Hoàng Cầm: “Đây là một trong những bài ‘cao thủ’ nhất của Hoàng Cầm, một tìm tòi thành công về thi pháp của ông”.

Với nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, trong toàn bộ sự nghiệp Hoàng Cầm, Về Kinh Bắc là thi phẩm hay. “Hoàng Cầm chọn cách tân bằng cách tìm cho những thi ảnh quen thuộc một trang phục mới. Những thi ảnh quen thuộc ấy ở Hoàng Cầm chính là một lịch sử lâu bền của miền Kinh Bắc từ thuở Luy Lâu mà qua thời gian đã bị lớp bụi lãng quên phủ dầy”, Nguyễn Thụy Khoa đánh giá.

PGS.TS Đỗ Lai Thúy cho rằng Về Kinh Bắc là ẩn dụ của Hoàng Cầm. Kinh Bắc là miền thơ ấu của thi sĩ, đây cũng là một trong những cái nôi của văn minh sông Hồng, văn hóa Việt. Bởi vậy, Về Kinh Bắc cũng có nghĩa là quay về thời thơ ấu, quay về với cội nguồn.

Nhà phê bình Đỗ Lai Thúy cũng đưa ra những nhận xét khác biệt khi cho rằng tập thơ Về Kinh Bắc hội đủ các yếu tố của một thi phẩm siêu thực: Giấc mơ, ẩn dụ, huyền thoại…

Không tổ chức tập trung ngày thơ Việt Nam ở Văn Miếu

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 20 chưa thể diễn ra theo hình thức tập trung do dịch bệnh phức tạp.

'Với thơ, Hoàng Nhuận Cầm vừa say sưa, vừa quyết liệt'

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm để lại dấu ấn trên thi đàn từ khi còn là sinh viên. Hơn 40 năm qua, ông miệt mài cùng những vần thơ.

Minh Phương

Bạn có thể quan tâm