Chiều tối 20/4, sau khi nghe tin nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm qua đời, nhiều nhà văn, nhà thơ không khỏi bàng hoàng. Đang còn ấp ủ nhiều dự định với thơ ca, sự ra đi đột ngột của tác giả Chiếc lá đầu tiên khiến nhiều người cảm thương sâu sắc.
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đọc thơ tại Sân thơ Văn Miếu. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Một hồn thơ luôn tha thiết với đời
Theo Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Hoàng Nhuận Cầm là nhà thơ cuối của thế hệ thơ chống Mỹ. Ông đã đóng góp vào thi đàn một giọng thơ riêng. Khi ông được giải thi thơ báo Văn nghệ năm 1972-1973, người ta thấy một giọng thơ trong trẻo, thanh xuân, của một sinh viên vào lính.
Vào những năm cuối của chiến tranh ác liệt, người ta vẫn thấy chất sinh viên, sự vô tư tuổi trẻ trong thơ Hoàng Nhuận Cầm. Dù có tạo nên nghịch lý, ông vẫn cứ mang một tâm hồn trong veo vào cuộc chiến.
Và từ đó, khi viết về nỗi nhớ mẹ, nhớ nhà, hay những tâm sự của người lính, giọng thơ Hoàng Nhuận Cầm luôn hồn nhiên, trong trẻo như thế.
Cuộc thi thơ năm đó trao cho ông vì giọng điệu thơ giàu xúc cảm. Bài Thơ mùa thu, anh lính trẻ trên chiến trường vẫn nghe tiếng chim, đã thể hiện rõ nét điều đó.
Sau đó, giọng điệu da diết, nồng nàn, say mê đã trở thành thương hiệu thơ riêng của ông. Nó rất cuốn hút với học sinh, sinh viên và các bạn trẻ.
Khi Hoàng Nhuận Cầm đọc và trình trình diễn thơ của mình, ông truyền cảm hứng tới độc giả trẻ. Chiếc lá đầu tiên, Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến… là những tác phẩm được bạn trẻ yêu thích.
Sau này, khi lấn sân sang làm biên kịch, Hoàng Nhuận Cầm vẫn là nhà thơ của tuổi trẻ. Ông có gì đó gợi nhớ tới Lưu Quang Vũ với giọng điệu da diết, nồng nàn.
Thơ Hoàng Nhuận Cầm không trực tiếp luận bàn về thế sự, không nói đến những vấn đề gai góc, nhưng đó là thứ thơ sâu sắc. Thơ của ông cảm xúc, được đẩy lên rất cao, cuốn hút mọi người.
Trong đời sống, Hoàng Nhuận Cầm là người rất giản dị, thậm chí xuề xòa. Lẽ ra, với những gì mà nhà thơ này đã đóng góp cho nền thi ca nước nhà, ông phải được trọng nể hơn.
"Nhưng Hoàng Nhuận Cầm chỉ sống cho thơ. Với thơ, Cầm vừa say sưa, vừa quyết liệt, vừa linh thiêng, tôn thờ", nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói.
Người yêu thơ bằng cả tấm chân tình
Không chỉ là nhà thơ đa đài, Hoàng Nhuận Cầm còn có giọng đọc và ngâm thơ khá đặc biệt. Các năm trước, vào Ngày Thơ Việt Nam, mỗi dịp rằm tháng giêng, ông nhiều lần tham gia đọc thơ, trình diễn thơ ở Văn Miếu.
Trong mắt bè bạn, Hoàng Nhuận Cầm là người hết lòng yêu thơ. Ảnh: Tiền phong. |
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ về điều này trên mạng xã hội: "Với tôi, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đọc thơ mê đắm nhất xứ sở này. Bất cứ ai đã nghe ông đọc thơ dù chỉ một lần cũng không bao giờ quên được niềm đắm mê không bờ bến khi giọng đọc ấy vang lên. Xin vĩnh biệt ông, vĩnh biệt một tình yêu vô tận với thơ ca".
Gần đây, một số bạn bè thân hữu nhận thấy sức khỏe của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm không còn được như trước. Nhưng mỗi lần gặp người quen, bạn bè, nhà thơ vẫn rất vui vẻ, còn hồ hởi nói về những dự định với thơ ca nên ai cũng nghĩ ông còn có thể làm được nhiều điều. Khi biết tin nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đột ngột rời xa cõi tạm, nhiều người không khỏi bàng hoàng, xót xa.
Nhà giáo Trần Hinh tâm sự thỉnh thoảng gặp Hoàng Nhuận Cầm, nhìn thấy nhà thơ gầy guộc, rất thương, nhưng ông ấy vẫn nhanh nhẹn. Đặc biệt, nghe chương trình Hoàng Nhuận Cầm làm cùng Đỗ Anh Vũ trên đài phát thanh, không ai nghĩ sức khỏe của ông có vấn đề.
"Vậy mà tối nay nghe tin ông mất, tôi không tin. Sao Cầm mất được? Sao một người tài năng như thế lại mất được?", cựu giảng viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ.
Là bạn thơ có dịp cộng tác với thi sĩ Hoàng Nhuận Cầm trong thời gian gần đây, nhà thơ Đỗ Anh Vũ nhận xét về khía cạnh lạc quan trong thơ Hoàng Nhuận Cầm.
"Ông nói với người khác: 'Đừng bao giờ chán nản em ơi / Hãy gìn giữ những vui buồn đã có' (Dưới màu hoa rất đỏ). Ông nói với chính mình trong sự mạnh mẽ và cứng cỏi của khí phách nhưng cũng không kém phần lạc quan: 'Ta phải sống như là không thể chết / Trái tim yêu như chưa bị bạc tình / Dòng thơ viết âm thầm trong bóng tối / Mỗi đêm trường toé loé một bình minh".
Theo nhà thơ Đỗ Anh Vũ, Hoàng Nhuận Cầm là “của hiếm” trong nhịp sống xô bồ hôm nay.
"Ông là thi sĩ theo nghĩa nguyên thủy nhất của từ này: Yêu thơ mê đắm đến độ ăn cũng thơ, ngủ cũng thơ, vừa rót nước vừa nghĩ thơ, nói chuyện thơ với bạn văn trong căn phòng chật, say sưa đến độ ấm trà rụng vỡ cả vòi, các chén trà cũ kỹ một ngày tự nứt làm đôi, phải mấy tuần sau mới mua bộ ấm chén mới. Thế giới của Hoàng Nhuận Cầm chỉ có thơ ca mà thôi".