Ngày mẹ Ngân sinh Kya, ông ngoại đã thức suốt đêm để chờ tin. Vào khoảng 4h sáng (giờ Việt Nam) còn ở Mỹ là hơn 16h thì Kya cất tiếng khóc chào đời.
Bố Julian gửi tin nhắn liên tục cho ông ngoại thông báo về tình hình mẹ Ngân và Kya. Bố Julian còn chụp ảnh Kya nằm trong lòng mẹ Ngân khi mới sinh ra gửi cho ông ngoại. Đấy là một trong những đêm hạnh phúc nhất trong cuộc đời ông ngoại.
Khi Kya đầy tháng, ông ngoại đã viết một bài thơ về Kya. Bài thơ có tên Ngày Kya ra đời.
Ngày Kya ra đời(Viết nhân ngày cháu ngoại Kya Mai Ramirez đầy tháng)
Ngày Kya ra đời
Tôi nghe tiếng khóc trẻ sơ sinh
Nhưng không, đấy là giọng Kya
Đang vang lên đọc tiếp bản Tuyên ngôn
Về sự sống.
***
Khi đôi mắt Kya mở ra
Bầu trời ngập tràn ánh sáng
Khi giọng Kya vang lên
Trong các vòm cây chim hót
Khi bàn tay Kya xòe ra
Những cánh đồng hoa bùng nở
Và khi Kya ngậm bầu vú mẹ
Có những dòng sông ngủ quên trong đất
Giờ thức dậy và tuôn chảy.
***
Trong đôi mắt của Kya
Trong nụ cười của Kya
Và trong im lặng của Kya
Tôi nghe thấy một câu hỏi:
- Các ngươi đang làm gì với thế gian này?
(Hà Đông, 21/5/2018)
Một hôm, Kya nói chuyện với Mem và thì thầm thông báo: “Anh Mem này, ông ngoại biết làm thơ đấy. Em thấy ông ngoại làm thơ cũng được đấy chứ. Em sẽ gửi cho anh đọc nhé”.
Nghe Kya thì thầm như đang nói một điều bí mật, Mem thủng thẳng nói: "Tưởng gì chứ chuyện ấy ai mà chẳng biết. Thế em tưởng ông nội chỉ làm thơ tặng em thôi à. Hôm vừa rồi, ông bà nội đưa anh về quê nội. Sau đó, ông nội viết cả một bài thơ tặng anh. Nhưng anh nhắc lại cho em nhớ là quê nội của anh nhưng là quê ngoại của em thôi đấy nhé".
Nghe anh Mem nói thế, Kya nằng nặc đòi anh Mem đọc bài thơ ông ngoại viết cho anh Mem. Thế là anh Mem đằng hắng lấy giọng rồi đọc to bài thơ:
Đưa cháu về quê nội (thương yêu tặng cháu Nguyễn Quang Diệu - cu Mem)
Những cơn mưa đã rửa sạch con đường
Rửa sạch những vòm cây, những khu vườn yên tĩnh
Mùa hạ mở, rộng chân trời cánh cửa
Những búp sen hồng thắp sáng ban mai.
***
Đó là ngày tôi đưa cháu tôi về quê nội
Để cháu nhận ra dòng sông, dãy núi, cánh đồng
Nhận ra giọng làng Chùa nồng thơm mùa gặt
Nhận ra những mái nhà trầm mặc xuống suy tư.
***
Nhận ra hoa, nở cả trong bóng tối
Nhận ra mây, bay trên những ưu phiền
Nhận ra gió, tự do không bao giờ khuất phục
Nhận ra cuốn sách người - ngôn ngữ của lương tri.
***
Và tôi bế cháu tôi lên dưới vừng dương rực rỡ
Người ban tặng cháu tôi những hạt giống màu vàng
Để gieo xuống cánh đồng người năm tháng
Những mùa màng nhân ái mãi lên xanh.
(Làng Chùa, 9/5/2019)
Nhưng khi Mem và em Kya đang sung sướng vì hai bài thơ ông nội viết tặng hai anh em thì bố Thuật đi qua. Bố Thuật nói: “Ông nội cũng viết thơ tặng bố khi bố còn bé tí đấy”.
Mem kêu lên: “Ôi, bài thơ đó đâu, bài thơ đó đâu? Bố đọc cho con xem có hay bằng bài thơ ông nội viết tặng cho Kya và con không nào?”.
Kya cũng kêu lên: “Bác Thuật đọc đi, bác Thuật đọc đi”.
Thế là bố Thuật đọc luôn bài thơ ông nội viết cho bố Thuật khi bố Thuật chưa đầy một tuổi.
Con về quê nội (cho con trai Nguyễn Quang Thuật - cu Tôm)
“Tết Nguyên đán, em đưa con về quê nội”
Đọc thư mẹ đêm nay cha không ngủ vui buồn
Cha xa quá không thể nào về được
Xe Vân Đình xóc quá, con tôi.
***
Xe Vân Đình chẳng còn cửa kính
Gió cuối đông buốt lạnh với mưa phùn
Xe đông thế mà như thiếu vắng
Mẹ ôm con vào, gió quá con tôi.
***
Lần thứ nhất trong đời con về quê nội
Hàng xóm qua rào rối rít gọi tên con
Bưởi đầu ngõ ra hoa, chanh góc vườn đơm nụ
Chim sẻ ríu ran, hoa cải hoe vàng.
***
Làng ta đấy, con ơi con có biết
Mẹ mặc cho con áo mới lúc xuân về
Mẹ bế con đi chào họ hàng, làng xóm
Bao nhiêu người mừng tuổi cho con.
***
Làng ta đó, cha lớn lên từ đó
Làng nghiêm khắc, yêu thương, làng đón nhận, chối từ
Làng lam lũ như ông bà sớm tối
Đừng bao giờ sống lừa dối, nghe con.
***
Mẹ sẽ đặt bàn chân con chạm vào mặt đất
Cho con mang hơi thở của làng
Xin quê hương, xin họ hàng hãy nhận
Một con người chung thủy, con tôi
(La Habana, 1986)
Bài thơ này ông nội viết khi ông nội đang học ở Cuba trong dịp Tết. Vì xa nhà quá mà ông nội không thể về để đưa bố Thuật về quê ăn Tết cùng các cụ nội được.
Tuy giọng bố Thuật đọc thơ không thể hay bằng giọng đọc của Kya và Mem, cả Kya và Mem đều muốn khóc vì xúc động.
Sau khi đọc lại các bài thơ, Kya và Mem đã đi đến nhận định: “Ông nội của Mem và là ông ngoại của Kya rất có khả năng làm thơ. Còn việc ông nội, ông ngoại có trở thành nhà thơ hay không thì còn phải đợi”.