Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thị phần môi giới chứng khoán tại HoSE xáo trộn

VPS vươn lên thành quán quân thị phần môi giới cổ phiếu trên HoSE, trong khi VNDirect tăng lên hạng ba và TCBS lọt vào 10 công ty môi giới lớn nhất.

Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) vừa công bố top 10 công ty có thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền và thị phần trái phiếu lớn nhất năm 2021.

Theo đó, Chứng khoán VPS vượt mặt hàng loạt ông lớn trong ngành để trở thành quán quân nắm giữ 16,14% về thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền.

Thị phần của đơn vị này liên tục tăng mạnh từ quý II/2019 với mức 3,08% lên con số kỷ lục 16,5% trong quý III/2021 như hiện tại. Đây cũng là quý thứ tư liên tiếp VPS dẫn đầu thị phần tại HoSE.

Trong khi đó, Chứng khoán SSI rơi xuống vị trí tiếp theo với thị phần 11,05% trong năm vừa qua. Công ty chứng khoán đầu ngành này từng giữ vị thế dẫn đầu trong suốt 7 năm trước đó (2014-2020), nhưng đánh mất vị trí khi các công ty khác bắt đầu chạy đua theo chính sách miễn phí giao dịch.

Một sự thay đổi lớn khác là việc Chứng khoán VNDirect bất ngờ tăng tốc lên thị phần 7,46%, trở thành công ty môi giới cổ phiếu lớn thứ 3 trên bảng xếp hạng. Điều này đồng nghĩa Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC) và Chứng khoán Bản Việt (VCSC) lần lượt rớt xuống vị trí thứ 4 và 5.

STT Công ty Thị phần năm 2020 (%) Công ty Thị phần năm 2021 (%)
1 SSI 12,33 VPS 16,14
2 HSC 8,66 SSI 11,05
3 VPS 8,22 VNDirect 7,46
4VCSC7,69HSC6,71
5VNDirect 7,19VCSC4,87
6MBS4,79TCBS4,57
7Mirae Asset4,73Mirae Asset4,44
8FPTS3,76MBS4,27
9KIS Việt Nam3,6FPTS3,38
10BSC3,5KIS Việt Nam2,89

Đáng chú nhất tiếp theo là sự xuất hiện mới của Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) ở vị trí thứ 6 với thị phần 4,57%. Ngược lại Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) bị loại ra danh sách trên.

Tổng thị phần của top 10 năm vừa qua ghi nhận đến 65,78%, tăng đáng kể so với con số 64,47% của năm 2020 cho thấy các công ty tiếp tục lấy thêm thị phần từ các công ty nhỏ dù cho quy mô thị trường đã được mở rộng.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã bùng nổ trong hơn một năm trở lại đây, thu hút một lượng lớn nhà đầu tư đổ tiền vào kênh giao dịch này. Lượng tài khoản cá nhân trong nước mở mới trong 11 tháng đầu năm đạt hơn 1,3 triệu tài khoản chứng khoán, lớn hơn tổng số tài khoản mở mới trong 4 năm trước (2017- 2020 cộng lại chỉ đạt 1,04 triệu tài khoản) và hiện đã xấp xỉ 4% dân số.

Lượng tiền lớn giúp cho thanh khoản toàn thị trường tăng vượt bậc và sàn HoSE cũng diễn biến tương tự. Tính chung cả năm, giá trị giao dịch tại HoSE đạt mức kỷ lục 21.593 tỷ đồng/phiên, tương ứng tăng 247% so với năm 2020.

Công ty chứng khoán là các đơn vị được hưởng lợi lớn nhất từ sự bùng nổ này, nhờ nguồn thu tăng lên từ hoạt động môi giới, cho vay ký quỹ (margin) và tự doanh.

Tuy nhiên đi cùng với cơ hội cũng là cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn, một số công ty chấp nhận giảm phí hoặc thậm chí miễn phí giao dịch như VPS, APS để tăng quy mô về thị phần môi giới.

Do đó thị phần môi giới trên các sàn không hoàn toàn đại diện cho mức độ hiệu quả trong hoạt động của các doanh nghiệp. Nguồn thu của các công ty chứng khoán còn đến từ các nguồn khác cũng như khả năng quản trị chi phí.

Chẳng hạn, Chứng khoán VPS dù dẫn đầu thị phần nhưng lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm chỉ đạt 751 tỷ đồng, chỉ xếp thứ 8 trong danh sách công ty chứng khoán có lợi nhuận tốt nhất. Công ty phải nuôi đội ngũ nhân sự hùng hậu, miễn giảm phí và chi hoa hồng lớn cho nhân viên.

Trong khi đó, các công ty xếp sau lại có lợi nhuận khá khả quan. Riêng TCBS dẫn đầu với mức lãi 2.847 tỷ đồng, các công ty khác có lãi vượt 1.000 tỷ đồng còn có SSI, VNDirect, VCSC, HSC và SHS.

Công ty chứng khoán chạy đua tăng vốn, quy mô ngang ngửa ngân hàng

Áp lực cạnh tranh đang dẫn đến cuộc chạy đua tăng vốn giữa các nhà môi giới chứng khoán, mặt bằng vốn điều lệ đang ngang ngửa nhiều ngân hàng.

Huy Lê

Bạn có thể quan tâm