Thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến sự thay đổi rất tích cực trong hơn một năm qua khi liên tục mở rộng về quy mô và điểm số, trở thành lĩnh vực “lớn nhanh như thánh gióng” trong bối cảnh đại dịch ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế.
Từ 2 đơn vị niêm yết ban đầu, quy mô thị trường đã mở rộng lên hơn 2.100 doanh nghiệp với 181 tỷ cổ phiếu đang được giao dịch trên các sàn. Thanh khoản từng đạt mức kỷ lục 2,5 tỷ USD và chỉ số quanh vùng đỉnh lịch sử.
Bộ Tài chính đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trong 4 thị trường chứng khoán lớn của ASEAN để chủ động hội nhập với thế giới, phát triển thị trường cổ phiếu đạt 110% GDP đã điều chỉnh vào năm 2030 và số lượng nhà đầu tư tương ứng 8% dân số.
Với bối cảnh thuận lợi trên, các công ty chứng khoán (CTCK) đang là những đơn vị hưởng lợi nhất từ thị trường chung. Theo đó quy mô các công ty môi giới chứng khoán này đang được mở rộng, thu hút dòng tiền đầu tư lớn khi nhà đầu tư có niềm tin vào triển vọng.
Lại dồn dập tăng vốn
Cách đây vài năm, số lượng CTCK có vốn trên nghìn tỷ đồng chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay nhưng hiện nay đã có những thay đổi bản lề khi thị trường chứng khoán đang phát triển rất nhanh.
Việc thị trường bùng nổ đã đẩy nhu cầu vay ký quỹ (margin) của nhà đầu tư lớn hơn, điều đó buộc công ty chứng khoán phải tăng vốn chủ sở hữu để tạo lợi thế cạnh tranh. Ngoài ra nhu cầu vốn cho các hoạt động tự doanh, bảo lãnh phát hành… cũng ngày một lớn hơn.
Làn sóng tăng vốn lớn đầu tiên bắt đầu nổ ra từ đầu năm nay, xuất hiện ở hầu hết doanh nghiệp từ quy mô đầu ngành đến các công ty thị phần nhỏ. Hoạt động thâu tóm cũng diễn ra mạnh mẽ khi tờ “giấy phép kinh doanh chứng khoán” trở thành món hàng đắt đỏ.
Đợt tăng vốn khủng này đã đưa quy mô các nhà môi giới chứng khoán lên tầm cao mới, hàng loạt công ty nghìn tỷ ra đời cả, thậm chí đơn vị đầu ngành là SSI còn có quy mô xấp xỉ 10.000 tỷ đồng.
Các công ty chứng khoán rục rịch chuẩn bị cho đợt tăng vốn lớn thứ 2. Ảnh: Thạch Thảo. |
Tuy nhiên “lớp áo mới” đang nhanh chóng trở nên chật chội khi dòng tiền vẫn không ngừng đổ vào thị trường bất chấp tình hình dịch bệnh đã dần kiểm soát, nhất là tiền từ tiết kiệm rót vào chứng khoán. Với bối cảnh mới, các đơn vị này một lần nữa bước vào cuộc chạy đua tăng vốn lần 2.
Đơn cử như Chứng khoán SSI vừa thông qua kế hoạch huy động vốn mới thông qua chào bán cho cổ đông hiện hữu. Doanh nghiệp đầu ngành dự kiến phát hành xấp xỉ 497,4 triệu cổ phiếu theo tỷ lệ thực hiện quyền 50%.
Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của công ty sẽ tăng lên mức gần 15.000 tỷ đồng. Giá chào bán là 15.000 đồng/cổ phiếu, tương đương với số tiền huy động từ công chúng hơn 7.460 tỷ đồng.
Nguồn vốn mới này sẽ được dùng để bổ sung vốn kinh doanh, nâng cao năng lực bảo lãnh phát hành, năng lực đầu tư và cho vay margin. Trong thời gian chưa sử dụng cho vay margin, nguồn tiền có thể được sử dụng để đầu tư trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi để đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn.
Điều đáng nói là SSI trong tháng 9 cũng mới thực hiện việc huy động vốn thông qua chào bán cổ phiếu cho cổ đông và thưởng cổ phiếu với tỷ lệ 50%, qua đó tăng vốn điều lệ lên mức cao nhất ngành 9.848 tỷ đồng. Thậm chí cổ phiếu phát hành hiện vẫn chưa kịp về tài khoản nhà đầu tư.
Hay mới đây Chứng khoán VNDirect dự kiến tổ chức họp cổ đông bất thường bàn về phương án chào bán khoảng 435 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 100% và thưởng 348 triệu cổ phiếu tỷ lệ 80%.
Giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phiếu, tương đương số tiền huy động 4.350 tỷ đồng. Nguồn tài chính mới sẽ được dùng để bổ sung vốn cho hoạt động cho vay margin, đầu tư vào các giấy tờ có giá và các hoạt động khác.
Kế hoạch phát hành cổ phiếu tổng tỷ lệ 180% trên sẽ giúp VNDirect trở thành công ty lớn thứ 2 trong ngành với vốn điều lệ có thể đạt hơn 12.178 tỷ đồng. Trước đó vào đầu tháng 6, VNDirect cũng mới tăng vốn 100% lên 4.349 tỷ như hiện tại.
Nhiều đơn vị khác cũng lên kế hoạch huy động vốn nghìn tỷ đồng. Nghị quyết đại hội đồng cổ đông bất thường của VPS vừa công bố doanh nghiệp sẽ thực hiện chào bán cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ thêm 2.200 tỷ, tức nâng lên 5.700 tỷ đồng.
Các kế hoạch tăng vốn vẫn đang tiếp tục được công bố như Chứng khoán APG tăng vốn gấp đôi lên 1.460 tỷ đồng, Chứng khoán Apec dự kiến tăng vốn từ 1.660 lên 3.200 tỷ đồng hay Yuanta Việt Nam muốn tăng vốn lên 2.000 tỷ đồng. Một số đơn vị khác lấy ý kiến cổ đông để tăng vốn như Chứng khoán VIX, Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp (VIG)…
Quy mô ngang ngửa ngân hàng
Nếu đợt huy động tiếp theo thành công, Chứng khoán SSI sẽ có vốn điều lệ xấp xỉ 15.000 tỷ và VNDirect gần 12.200 tỷ đồng. Con số này là tương đối lớn khi đã cao gấp 4-5 lần so với thời điểm nửa năm về trước.
Đáng chú ý khi quy mô này cũng đã ngang ngửa với vốn điều lệ của một số ngân hàng tầm trung như TPBank (11.700 tỷ đồng), LienVietPostBank (12.036 tỷ), Eximbank (12.355 tỷ đồng), OCB (13.699 tỷ đồng), Seabank (14.785 tỷ đồng), MSB (15.275 tỷ) hay VIB (15.530 tỷ)…
Trong khi đó top 9 công ty chứng khoán lớn nhất về vốn điều lệ cũng đều vượt 3.000 tỷ đồng, con số này cũng tương đương với các quy mô của các ngân hàng nhỏ ở Việt Nam như Saigon Bank (3.080 tỷ) hay KienlongBank (3.615 tỷ) hay Viet Capital Bank (3.671 tỷ).
QUY MÔ VỐN ĐIỀU LỆ CÁC CÔNG TY CHỨNG KHOÁN | ||||||||||
Tính đến ngày 27/11 | ||||||||||
Nhãn | SSI | Mirae Asset | VNDirect | KIS Việt Nam | VPS | VCSC | SHS | HSC | ACBS | |
Vốn điều lệ | Tỷ đồng | 9848 | 6591 | 4349 | 3762 | 3500 | 3330 | 3253 | 3059 | 3000 |
Trong một tọa đàm gần đây, CEO VNDirect Đỗ Ngọc Quỳnh nói rằng trước đây nguồn vốn phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên hiện thị trường cổ phiếu và trái phiếu cũng đang tạo ra kênh dẫn vốn tương đối hiệu quả, tổng lượng vốn huy động qua kênh chứng khoán năm ngoái đã đạt trên 37% GDP.
Vị này đánh giá trong 5 - 10 năm tới, quy mô thị trường chứng khoán phần nào đó sẽ đuổi kịp quy mô các ngân hàng thương mại và giúp cấu trúc thị trường tài chính Việt Nam bền vững hơn nhiều.
Với sự khởi động của SSI và VNDirect thì cuộc chạy đua tăng vốn sẽ còn nhộn nhịp hơn trong thời gian tới và quy mô vốn các đơn vị còn lại cũng có thể được phình to đáng kể. Như HSC cũng đang trong quá trình tăng vốn 50% lên 4.588 tỷ đồng.
Bên cạnh yếu tố thị trường thuận lợi cho việc huy động vốn thì áp lực cạnh tranh cũng là yếu tố quan trọng khiến các công ty tiếp tục chạy đua tăng vốn, trong đó chủ yếu để giải tỏa “cơn khát margin” ngày càng tăng của nhà đầu tư.
Thống kê 56 công ty chứng khoán dư nợ cho vay tại cuối quý III đạt mức kỷ lục quanh 154.000 tỷ đồng. Con số dư nợ này cao hơn 10,5% so với cuối quý liền trước và cao hơn 68% so với thời điểm đầu năm (đồng nghĩa có gần 91.500 tỷ đồng được nhà đầu tư vay nợ để mua chứng khoán kể từ đầu năm).
Theo quy định tỷ lệ cho vay margin/vốn chủ sở hữu trong ngành này không được vượt quá 2 lần và tỷ lệ này ở các công ty chứng khoán tại cuối quý III vẫn chưa quá “nóng” với mức quanh 1,3-1,9 lần.
Tuy nhiên với việc thị trường bùng nổ trong các 10 và 11 vừa qua thì tỷ lệ này có khả năng đã tiến sát về mức giới hạn; do đó việc các công ty chứng khoán lên kế hoạch cho đợt tăng vốn tiếp theo sẽ là sự chuẩn bị rất cần thiết để đón đầu cơ hội.
Việc tăng vốn cũng nhiều khả năng còn tiếp diễn khi mà triển vọng kinh doanh của các công ty vẫn đang rất tích cực. Nhiều doanh nghiệp bất ngờ chuyển từ lỗ sang có lãi lớn, thậm chí một số đơn vị đầu ngành đã có quy mô lãi hàng nghìn tỷ đồng chỉ sau 9 tháng kinh doanh.