Chứng khoán vừa có tuần giảm điểm trở lại sau ba tuần tăng điểm liên tiếp trước đó. Dòng tiền vẫn luân chuyển mạnh mẽ để tìm kiếm cơ hội ở các cổ phiếu ở nhóm vừa và nhỏ, trong khi lực bán mạnh diễn ra nhóm cổ phiếu thép.
Chỉ số chính VN-Index kết thúc tuần giảm hơn 21 điểm (-1,43%), xuống 1.452,35 điểm, chủ yếu do phiên bán tháo hôm thứ sáu. Quy mô vốn hóa HoSE tương ứng mất gần 81.600 tỷ đồng.
Trong khi đó chỉ số đại diện sàn HNX lại tăng 12,34 điểm (2,8%) lên 453,97 điểm trong tuần qua và UPCoM-Index cũng tăng 2,58 điểm (2,3%) lên 113,24 điểm, khi dòng tiền đầu cơ tìm đến các cổ phiếu có vốn hóa thấp hơn.
Dòng tiền vẫn chưa trở lại với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn khi nhóm VN30 có đến 18 mã giảm giá trong tuần qua, dẫn đầu là đà lao dốc của "anh cả" ngành thép Hòa Phát và Tổng công ty khí PV Gas.
Thanh khoản tiếp tục mở rộng cho thấy thị trường đang ngày một trưởng thành, chứng khoán chính thức xác lập kỷ lục mới với gần 2,5 tỷ USD giá trị giao dịch trong phiên giao dịch cuối tuần vừa qua.
Tính chung một tuần, thanh khoản toàn thị trường tiếp tục lập kỷ lục với tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 43.220 tỷ đồng/phiên, tăng 12% so với tuần trước. Trong đó giá trị khớp lệnh bình quân tăng 14,6% lên 41.192 tỷ đồng/phiên.
Khối ngoại giao dịch vẫn theo chiều hướng tiêu cực và gây những áp lực đáng kể lên tâm lý nhà đầu tư. Dòng vốn này mua vào 202 triệu cổ phiếu có trị giá 9.524 tỷ đồng, trong khi bán ra 239 triệu cổ phiếu với trị giá 10.684 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 36,6 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán 1.160 tỷ đồng.
Chứng khoán mất 21 điểm trong tuần 15-19/11. Đồ thị: TradingView. |
Chứng khoán MB cho rằng phiên lao dốc thứ sáu chỉ là phiên rũ bỏ dành cho một số cổ phiếu tăng nhanh trước đó, còn về mặt kỹ thuật, thị trường vẫn duy trì xu hướng tăng điểm khi đường MA20 chưa bị vi phạm, nhưng một số chỉ báo đang chuyển biến xấu như RSI, MACD đang cắt xuống.
Điều này phát đi tín hiệu thị trường có thể sẽ có thêm những nhịp rung lắc mạnh trong tuần tới. Điểm tích cực là thanh khoản vẫn rất tốt và dòng tiền vẫn ở lại thị trường, ngoài ra nhóm mã trụ là ngân hàng đã được tiếp thêm động lực cần thiết để có thể quay trở lại dẫn dắt thị trường.
Nhóm phân tích KBSV Việt Nam tin rằng phiên lao dốc với thanh khoản kỷ lục là một phiên phân phối lớn. VNIndex vẫn có cơ hội xuất hiện nhịp hồi phục trở lại trước khi tiếp tục chịu rủi ro đảo chiều gối đầu sau đó, nhà đầu tư nên tránh bán tháo giá thấp nhưng cần hạ dần tỷ trọng trong các nhịp hồi phục kế tiếp.
Chứng khoán Đông Á nhận thấy nhóm cổ phiếu đầu cơ tăng nóng thời gian qua đang bị chốt lời mạnh, việc tham gia bắt đáy những cổ phiếu này chứa đựng rủi ro cao do cần thời gian để hấp thụ lượng hàng chốt lời.
Nhà đầu tư có thể cơ cấu danh mục trong những nhịp hồi kỹ thuật, chốt lời cổ phiếu đã tăng nóng, hạn chế bắt đáy khi thị trường còn rủi ro cao. Có thể mua tích lũy nhóm cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng khi có mức giá hấp dẫn cho danh mục đầu tư trung hạn.
Chứng khoán Vietcombank nhận định tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo giảm tốc và thêm vào đó là việc VN-Index liên tiếp thất bại trong việc chinh phục ngưỡng kháng cự 1.480 điểm đang làm cho tâm lý nhà đầu tư dần thận trọng hơn.
Do đó đơn vị này khuyến nghị nhà đầu tư ưu tiên chốt lời ngắn hạn các cổ phiếu đã đạt kỳ vọng về lợi nhuận và quan sát thêm diễn biến thị trường trong những phiên tới trước khi giải ngân trở lại.
Thận trọng cũng là khuyến nghị của Chứng khoán Rồng Việt khi thị trường chưa ổn định trở lại. Nhà đầu tư cần cân nhắc việc giải ngân mới, cũng như xem xét dấu hiệu các cổ phiếu mình nắm giữ có những yếu tố suy yếu dòng tiền thì nên hạ dần tỷ trọng để đảm bảo sự an toàn trong đầu tư.