Không chỉ giảm giá trên các cửa hàng bán lẻ, trung tâm thương mại, khu ăn uống... thị trường chứng khoán Việt Nam cũng ghi nhận hàng loạt cổ phiếu giảm giá trong ngày mua sắm Black Friday (26/11).
Kết phiên giao dịch hôm nay, sắc đỏ chiếm áp đảo khi toàn thị trường ghi nhận đến 712 mã chứng khoán giảm giá, trong khi chỉ có 484 mã đi lên và 164 cổ phiếu đứng ở mức tham chiếu.
Chỉ số VN-Index giảm 7,78 điểm (0,52%) về mức hơn 1.493,03 điểm, chính thức mất mốc quan trọng 1.500 điểm chỉ sau một ngày đạt được hôm qua.
Diễn biến đỏ lửa cũng xuất hiện trên sàn niêm yết HNX khi chỉ số về cuối phiên giảm 0,23% về 458,63 điểm với số mã giảm chiếm áp đảo gấp 2 lần mã tăng.
Sàn UPCoM thông thường luôn có "bữa tiệc" giao dịch phiên cuối tuần khi hàng loạt mã được phép giao dịch trở lại. Tuy nhiên phiên hôm nay lại chứng kiến sự cân bằng giữa bên mua và bên bán, chỉ số mất 0,24% về 114,34 điểm.
Chứng khoán giảm gần 8 điểm trong phiên cuối tuần. Đồ thị: TradingView. |
Phần lớn các nhóm ngành cổ phiếu chính đều giảm điểm trong hôm nay; ngoại trừ nhóm cổ phiếu bất động sản và nguyên vật liệu và cổ phiếu vốn hóa nhỏ.
Tâm điểm trong hôm nay lại đến từ một cổ phiếu tăng mạnh đó là VIC của Vingroup. Mã chứng khoán này bứt phá 4,8% để trở thành lực kéo lớn nhất với mức đóng góp hơn +4,4 điểm vào thị trường chung.
Diễn biến bất ngờ này đến từ thông tin Chính phủ vừa đồng ý với đề xuất giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước bằng 50% mức thu hiện hành. Chính sách này sẽ giúp kích cầu người mua xe thông qua giảm lệ phí đăng ký xe mới.
Trong khi đó cổ phiếu ngân hàng diễn biến phân hóa nhưng ưu thế nghiêng về bên bán. Đơn vị đầu ngành là Vietcombank ghi nhận giá cổ phiếu VCB giảm 2% trong phiên để trở thành lực cản lớn nhất của thị trường. Vị trí có tác động tiêu cực tiếp theo là mã CTG của VietinBank.
Trong khi đó một số cổ phiếu đầu cơ vẫn tiếp tục có phiên tăng giá mạnh, hàng loạt mã vẫn tăng trần vào cuối phiên như PTL, LDG, DRH, CEO, PVL, SGO, LIC, L14, CMS, PTC...
Áp lực bán dâng cao khiến VN-Index từng có thời điểm mất hơn 12 điểm nhưng kịp thời hồi phục nhẹ khi đóng cửa. Lực bán tăng mạnh tại vùng cản 1.500 điểm khiến thanh khoản thị trường tăng lên đáng kể so với hôm qua với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 42.300 tỷ đồng; trong đó giá trị giao dịch tại sàn HoSE tăng 11% lên 35.415 tỷ đồng.
Khối ngoại cũng hòa vào làn sóng bán mạnh của thị trường chung với con số khá đột biến hơn 2.000 tỷ đồng trên sàn HoSE. Các mã bị bán ròng lớn nhất là VPB, HPG, VND, NLG, VIC...
VIC bứt phá trong phiên VN-Index giảm mạnh. Đồ thị: VNDirect. |
Diễn biến giảm mạnh của thị trường trong nước cũng tương đồng với thị trường quốc tế. Sáng nay hợp đồng tương lai Dow Jones futures giảm 430 điểm, tương đương khoảng 1,3%. Hợp đồng tương lai chỉ số S&P 500 và Nasdaq cũng giảm tương ứng khoảng 0,9% và 0,5%.
Thị trường diễn biến tiêu cực sau khi các quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo về một biến thể Covid-19 mới được phát hiện tại Nam Phi. Vương quốc Anh đã tạm thời cấm mọi chuyến bay từ 6 quốc gia châu Phi do lo ngại biến thể này lây lan.
Sự chú ý cũng đang tập trung vào thị trường châu Âu, khu vực đang chứng kiến sự gia tăng các ca mắc Covid-19 và củng cố đồn đoán một số chính phủ sẽ phải áp dụng chính sách đóng cửa trong mùa mua sắm Giáng sinh.
Thị trường chứng khoán châu Á đồng loạt đi xuống trong phiên sáng 26/11. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản sụt gần 3%, Hang Seng Index của Hong Kong mất 2,1%, Shanghai Composite của thị trường Trung Quốc đại lục cũng giảm 0,5%, Kospi của Hàn Quốc mất 1,2%.
Giá dầu cũng đi xuống sau thông tin về biến thể virus mới. Nếu dịch bệnh diễn biến xấu hơn và các quốc gia tăng cường phong tỏa, nhu cầu nhiên liệu sẽ đi xuống.