Tập Du ký Phan Quang: Tiếc nuối hoa hồng của tác giả Phan Quang mới ra mắt bạn đọc. Cuốn sách là những trải nghiệm, chuyến đi của tác giả, đồng thời là những câu chuyện văn hóa, lịch sử, với những cuộc gặp gỡ, tiếp tân mà không phải ai cũng có cơ hội tham gia.
Sách Du ký Phan Quang: Tiếc nuối hoa hồng. Nguồn: Đông A. |
Sách có dung lượng khá lớn, gần 700 trang in màu, với 50 bài viết kèm hình ảnh minh họa chụp tại từng địa danh. Các bài viết này được chọn lọc từ các sách đã xuất bản rải rác trong nhiều năm của tác giả.
Trong Du ký Phan Quang: Tiếc nuối hoa hồng, tác giả đã kể về 20 nước trong số nhiều nước mà ông đã đi qua.
Thông qua mỗi bài viết, độc giả được khám phá những điều mới mẻ trên các chuyến hành trình; được nghe kể những câu chuyện thú vị về văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ, với một lối kể chuyện duyên dáng của người từng đi khắp đó đây.
Chẳng hạn như trong bài Hai đại văn hào trong Điện Luxembourg, tác giả sẽ kể cho bạn nghe, cùng là những đại văn hào đã được tạc tượng đặt trong điện ấy, nhưng sinh thời Victor Hugo là một thượng nghị sĩ nên đã đi qua cửa lớn, được hai hàng lính gác bồng súng đón chào như thế nào, còn Anatole France thì lại là một viên chức làm việc trong thư viện, nên đã vào điện qua lối cửa nhỏ dành cho viên chức ra sao.
Đọc du ký ở mãi trời Âu, bạn đọc được biết những câu chuyện thú vị về ngôn ngữ, từ gốc gác của một thành ngữ phương Tây, cho đến nguồn cơn của một từ tiếng Việt mà nay vẫn còn lưu lại trong tên phố phường Hà Nội.
Bạn đọc cũng sẽ cùng tác giả gặp gỡ “chú bé” Manolin - nguyên mẫu của nhân vật cậu bé trong tiểu thuyết nổi tiếng Ông già và biển cả của Hemingway, hay diện kiến vua Phổ Nghi - vị hoàng đế Mãn Thanh cuối cùng trong lịch sử. Bạn sẽ cùng tác giả nghe nhạc Trịnh trong một đêm Marrakech náo nhiệt ở Maroc, hay thưởng trà và chiêm ngưỡng các nàng geisha mãi nghệ nơi xứ Phù Tang…
Đánh giá về nội dung ấn phẩm, nhà văn Vu Gia viết “Đọc Du ký của Phan Quang, tôi thấy như mình được “hiển hiện” nơi ông đến và viết”.
Sinh thời, nhà văn Tô Hoài khi đọc các bài viết của Phan Quang nhận xét: “Nghề báo bổ sung, điều hòa và chỉnh đốn cái mơ màng vô biên của anh nhà văn. Những bài đáng yêu, đọc mãi được: Quán nghệ sĩ ở Paris, Paris đời thường, Hemingway: Paris là một ngày hội, Hòn ngọc dữ dội, Không gian đường phố, Hành hương về chốn tuổi thơ…”.
Nhà báo Phan Quang. Ảnh: Ngô Nhung/Người lao động. |
Phan Quang sinh năm 1928, là nhà văn, nhà báo kỳ cựu, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông). Ông bước chân vào nghề báo từ năm 20 tuổi và là cây bút quen thuộc trên báo Cứu quốc Liên khu IV. Năm 1954, ông được điều động về báo Nhân dân và làm việc tại đây trong gần 30 năm, đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng.
Ngòi bút của Phan Quang mạnh mẽ về phong cách và đa dạng về thể loại, từ phóng sự, tiểu luận đến truyện ngắn, bút ký, truyện dịch. Trong thời gian công tác, ông có điều kiện đi qua nhiều nước, trải nghiệm nhịp sống và văn hóa của nhiều dân tộc trên khắp năm châu, lưu lại nhiều bài bút ký ấn tượng.
Bên cạnh công tác báo chí và sáng tác, ông còn là một dịch giả nổi tiếng với các bản dịch gây tiếng vang từ thập niên 1980 đến nay, trong đó có bản dịch nổi tiếng Nghìn lẻ một đêm của Antoine Galland và Nghìn lẻ một ngày của François Pétis de la Croix.