Câu chuyện về những người lính giúp bạn đọc thêm yêu đất nước mình. |
Với Đinh Phương, trong những tác phẩm văn học độc giả quen với lối cấu trúc truyện phức hợp, văn phong hoài cổ ma mị. Những lớp tầng giăng mắc trong hệ thống nhân vật và cảm xúc khơi gợi, những giấc mơ luôn hiện hữu trong sáng tác dày đặc và đầy ám ảnh. Trong tập bút ký mới nhất độc giả hẳn sẽ ngạc nhiên, bởi cách dẫn các câu chuyện rất đỗi giản dị và chân thực.
Tôi đi Trường Sa gồm 9 bài viết, mỗi bài viết là một điểm đến trên hành trình khám phá những miền biên cương của Tổ quốc, từ Lũng Cú (Hà Giang) xuôi tới An Giang, từ Thanh Hóa, Hà Tĩnh sang Trường Sa kì vĩ.
Xuyên suốt các bài viết là chân dung những người lính ở khắp các binh đoàn, trên các mặt trận không tiếng súng nhưng chẳng kém phần quyết liệt và gian khổ.
Từ ấn tượng về những người lính vùng biên…
Trong mọi hoàn cảnh, những người lính luôn thể hiện được tinh thần đoàn kết. Đặc biệt, họ là những minh chứng cho việc "có sức người sỏi đã cũng thành cơm". Những người lính ngoài biết cầm súng bảo vệ Tổ quốc cũng trồng rau, nuôi gà, biết tạo ra những niềm vui kể cả ở nơi nguy nan nhất.
Trong Người lính Đại đoàn Quân tiên phong hôm nay, hình ảnh những người lính Sư đoàn Bộ binh đầu tiên của Quân đôi Nhân dân Việt Nam lần nữa hiện lên lẫm liệt và chủ động, khắc phục khó khăn không ngừng sáng kiến trong mọi nhiệm vụ.
Chẳng cứ là tập luyện trên thao trường nắng gió hay làm công tác hậu cần. Dù là thiếu tá có nhiều sáng kiến “ra đời từ yêu cầu công tác, cộng với thực tế cuộc sống bộn bề bên ngoài doanh trại cho đến chàng lính trẻ được giao nhiệm vụ chăm sóc đàn gà của đơn vị, ai cũng làm việc một cách say sưa.
Trong hoàn cảnh ấy, Đinh Phương đã phải thốt lên rằng, nó “giống như sự ‘nhập đồng’ khi viết văn” của chính bản thân anh mỗi lần cầm bút, khi chứng kiến sự cần mẫn của đồng đội mình trong quá trình làm nhiệm vụ.
Với Cánh sóng mùa xuân, hình ảnh những người lính thông tin hiện lên trọn vẹn trên mọi cung đường họ đi qua. Lính thông tin không đơn thuần là kéo cáp, dựng cột, tuần đường, nhiệm vụ đầu tiên họ phải hoàn thành để các khâu đó có thể bắt đầu chính là “dân vận”.
Bài toán dân vận, công tác dân vận luôn là vấn đề mấu chốt hàng đầu của quân đội, không riêng gì binh chủng nào. Và cái cốt lõi trong công tác dân vận chính là sự chân thành, trách nhiệm, chia sẻ với những khó khăn của người dân.
Vậy nên mới có trường hợp anh dân vận sau quá trình công tác bỗng trở thành “người nhà” của cả thôn cả xóm; hay anh lính thông tin trong quá trình tuần đường thì gặp người dân bị tai nạn giao thông, chẳng quản khó khăn, anh đứng ra vẫy xe kịp thời đưa người gặp nạn đến bệnh viện cấp cứu kịp thời. Và niềm vui đơn giản là chứng kiến người đó "tỉnh lại, lơ mơ, bác ấy không cám ơn mình mà gọi tên, cám ơn người đồng đội nào đó của bác ấy đã hi sinh bên đất bạn Campuchia trong chiến tranh biên giới Tây Nam".
Sách Tôi đi Trường Sa. Ảnh: Y Nguyên. |
Đến đi Trường Sa
Tôi đi Trường Sa, một sự trần thuật ngắn gọn, nhưng gói được đầy đủ và trọn vẹn toàn bộ cảm xúc của Đinh Phương: hồi hộp, háo hức, xúc động, tự hào về một hành trình mới.
Hồi hộp, háo hức, vì không phải ai cũng có thể vượt qua các bài kiểm tra sức khỏe để chắc suất lên tàu. Háo hức, vì vượt qua thử thách ban đầu rồi, nhưng còn đó biết bao bỡ ngỡ và lo lắng cho cả hành trình dài phía trước, trong lần đầu ra đảo. Từ những thay đổi trong cách sinh hoạt đến tác phong để thực hiện đúng, đủ nhiệm vụ chung của tập thể. Nhanh, gọn chính là tiêu chí hàng đầu trong hành trình của người lính.
Xúc động, tự hào bởi những việc xảy đến, những con người đã gặp, và ngay cả những cây, những con vật trên đảo cũng khiến ta phải trầm ngâm. Ở Tôi đi Trường Sa, những miêu tả về điều kì vĩ, những việc lớn lao như nhiều người vẫn kể ít được nhắc đến. Đinh Phương chỉ kể về những điều bình dị, vẫn diễn ra trên đảo.
Đó là những con chó trên đảo chìm Đá Lát, những con chó “ngoan” và “biết”. Biết canh gác cùng bộ đôi, biết giải khuây cho những người lính sau giờ làm nhiệm vụ, biết im lặng khi có đoàn khách ra thăm đảo, biết buồn khi phải chia tay các chiến sĩ hoàn thành nghĩa vụ khi họ sắp sửa vào bờ, mắt vẫn dõi theo họ cho đến khi xuồng khuất dạng giữa biển khơi.
Đó là mùa nồm ở An Bang - đảo nổi nhưng bãi hẹp, sóng to, điểm khó vào nhất của mỗi hành trình đến Trường Sa, có khi tàu neo ngoài khơi vài ngày không vào được. An Bang có độ mặn cao, ban đêm soi đèn lên trời muối giăng kết dày đặc như sương, ban ngày vào lúc gió mùa đông bắc thì nơi đâu cũng ướt nhẹp, lính tráng nấu ăn còn phải đi ủng cho đỡ trượt, trơn.
Đó là khoảnh khắc ngắm hoa bàng vuông nở ở Trường Sa Đông, là việc ươm cây ở đảo Đá Tây; là giây phút giặt sạch, phơi khô, gấp gọn cất vào tủ một cách cẩn thận những lá cờ Tổ quốc đã phai màu sau thời gian hiên ngang tung bay trong gió biển.
“Những lá cờ thấm muối mặn của bão táp Trường Sa là món quà đầy ý nghĩa của lính đảo dành cho khách đất liền”, trích nội dung sách. Những trang viết giúp bạn đọc thêm yêu một phần đất đai của đất nước.
Đinh Phương là cây bút nhiều triển vọng, được Giải thưởng Tác giả trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam, một số giải thưởng văn chương uy tín. Anh là tác giả của tiểu thuyết Nhụy khúc, Nắng Thổ Tang và một số tập truyện ngắn.
Bên cạnh vai trò một nhà văn, anh còn là một quân nhân, biên tập viên một tạp chí văn chương.