Một nhân viên đến trụ sở của ngân hàng Signature ở thành phố New York vào ngày 12/3. Ảnh: Reuters. |
Trong một tuyên bố chung vào hôm 12/3, Bộ Tài chính Mỹ và các cơ quan quản lý ngân hàng khác cho biết tất cả người gửi tiền của ngân hàng Signature sẽ được thanh toán toàn bộ và "người nộp thuế sẽ không phải chịu tổn thất nào”.
Động thái này diễn ra hai ngày sau khi ngân hàng Silicon Valley đột ngột sụp đổ, làm dấy lên lo ngại rằng các ngân hàng khác có thể đối mặt với số phận tương tự, AFP đưa tin.
Giới chức New York cho biết động thái này được đưa ra “do các sự kiện thị trường, theo dõi xu hướng thị trường, cũng như dưới sự hợp tác chặt chẽ với các cơ quan quản lý của bang và liên bang khác” để bảo vệ người tiêu dùng và hệ thống tài chính.
Giữa lúc đó, Fed cũng tuyên bố rằng họ sẽ thiết lập một chương trình cho vay khẩn cấp, với sự chấp thuận của Bộ Tài chính, để cấp vốn cho các ngân hàng đủ điều kiện và giúp đảm bảo rằng họ có thể “đáp ứng nhu cầu của tất cả người gửi tiền”.
Signature là một trong những ngân hàng lớn của ngành công nghiệp tiền điện tử, bên cạnh ngân hàng Silvergate.
Tính đến ngày 31/12/2022, Signature có tổng tài sản là 110,4 tỷ USD và tổng tiền gửi là 88,6 tỷ USD, theo một hồ sơ chứng khoán.
Silvergate, một ngân hàng có trụ sở tại California, thông báo họ sẽ ngừng hoạt động và thanh lý tài sản của mình vào tuần trước.
Vụ đóng cửa ngân hàng Signature diễn ra sau sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley vào hôm 10/3. Reuters nhận định vụ đóng cửa ngân hàng Signature là thất bại lớn thứ ba trong lịch sử ngân hàng Mỹ.
Theo Reuters, ngân hàng này từng có mối quan hệ lâu dài với cựu Tổng thống Donald Trump và gia đình ông. Tuy nhiên, Signature đã cắt đứt quan hệ với ông Trump vào năm 2021 sau cuộc bạo loạn tại Điện Capitol.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế