Có mặt tại TP.HCM vào tháng 7/2017, phải sau hơn 1 năm, ứng dụng giao nhận Lalamove mới ra mắt tại Hà Nội vào sáng 3/10. Lalamove chào đời ở Hong Kong vào cuối năm 2013 với tên khác là EasyVan. Đơn vị này cung cấp dịch vụ giao hàng trên khắp châu Á trong vòng 1 giờ và từng được so sánh như "Uber phiên bản Hong Kong".
Hãng này cho biết sẽ nhắm đến khách hàng tại nội thành, chủ yếu là các cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hình thức giao nhận chủ yếu trên xe 2 bánh và cam kết sẽ giao hàng với thời gian tối đa là 55 phút.
Lalamove tuyên bố sẽ có 10.000 tài xế vào quý I/2019. Ảnh minh họa. |
Lalamove đặt mục tiêu đến hết quý I/2019 sẽ có khoảng 10.000 tài xế đối tác hoạt động thường xuyên tại khu vực Hà Nội. Hãng này cho biết tỷ lệ chiết khấu với tài xế chỉ vào khoảng 20% (đã tính cả thuế, phí khác), thấp hơn nhiều các hãng khác với mức 25-30%.
Tài xế của hãng cũng sẽ thực hiện việc thu tiền hộ khi giao hàng. Điểm khác là sau khi nhận hàng của doanh nghiệp hay chủ shop, tài xế sẽ dùng tiền của mình ứng ra ngay. Sau đó khi giao hàng mới nhận lại tiền của khách để bù lại.
Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Đức Lợi, Giám đốc Điều hành Lalamove Việt Nam, cho biết hãng này sẽ cạnh tranh với tất cả đối thủ. Tuy nhiên, ông Lợi không nêu ra được những sự khác biệt vượt trội so với các đối thủ hiện nay. Vị này cũng không đưa ra được mục tiêu con số thị phần cụ thể trong thời gian tới, chỉ có mục tiêu sẽ thu hút 10.000 đối tác tài xế.
Lalamove ra mắt chỉ khoảng 1 tháng sau khi Go-Viet tiến ra Hà Nội với 2 dịch vụ là Go-Bike (gọi xe ôm công nghệ) và Go-Send (giao nhận). Trong khi đó, Grab cũng đẩy mạnh các dịch vụ của mình tại Hà Nội. Ngoài GrabExpress xuất hiện từ đầu năm 2018, GrabFood cũng ra mắt chỉ trước khi Lalamove Bắc tiến 1 ngày, dịch vụ tương đồng với Lalamove.
Trong bối cảnh Grab đã thống lĩnh thị trường xe công nghệ tại Hà Nội, nhiều người cho rằng việc đảm bảo đơn hàng, chính sách đãi ngộ là thách thức rất lớn đối với Lalamove, chưa nói đến việc giành giật thị trường rất khốc liệt hiện nay.