Thêm một CLB huyền thoại của bóng đá VN trên đà sụp đổ
Cùng với Thể Công, Cảng Sài Gòn được xem là một trong hai đội bóng giàu truyền thống, được yêu mến nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam suốt nhiều thập kỷ. Nhưng đội bóng huyền thoại ấy đang là "chúa chổm" giữa lòng Sài thành.
Vận đổi sao dời, cái tên Cảng Sài Gòn giờ không còn nữa, nhưng “phần hồn” của nó ít nhiều còn tồn tại nơi đội bóng chuyển giao Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM). Không ai ngờ nổi, sau những thăng trầm, đội bóng mang chút dấu tích cuối cùng về cái tên đã thành huyền thoại ấy, giờ cũng vật lộn với câu hỏi tồn tại hay giải thể giữa cơn bĩ cực.
Giám đốc điều hành Nguyễn Chí Kiên đã phải cầm xe, cầm nhà để lấy tiền cho đội bóng duy trì hoạt động
Hơn 3/4 mùa giải đã qua, câu lạc bộ bóng đá TP.HCM hiện vẫn lặn ngụp ở nhóm dưới của giải hạng Nhất. Nhưng ở đội bóng này, còn lớn hơn cả chuyện rớt hạng hay không rớt hạng, những nhà quản lý đang phải đối diện với bài toán tồn tại hay không tồn tại? Điều đáng nói là rất nhiều người thấy cảnh thoi thóp của CLB TP.HCM, nhưng vấn đề là giải pháp để cứu sống niềm tự hào ngày nào của bóng đá thành phố thì đến giờ lại bế tắc.
Đội bóng đá TP.HCM chìm ngập trong cơn khủng hoảng vì thiếu kinh phí |
Giám đốc đội cũng mang cảnh nợ nần
Cuối giai đoạn một của giải hạng Nhất năm nay, CLB TP.HCM được ngân hàng Sacombank rót 5 tỷ đồng tiền tài trợ để trả lương cho các cầu thủ từ nay đến hết mùa giải. Theo một vài nguồn tin chưa được kiểm chứng, thì việc Sacombank đột nhiên rót vốn cứu CLB TP.HCM là có sự chỉ đạo của lãnh đạo thành phố nhằm giúp đỡ đội bóng này tạm qua cơn bĩ cực. Tuy nhiên, thành phố thì không thể cứ cứu CLB TP.HCM mãi, trong khi còn rất nhiều doanh nghiệp khác thuộc nhiều lãnh vực khác nhau cũng cần sự giúp đỡ. Bản thân số tiền 5 tỷ đồng kia, thực chất cũng chưa thấm vào đâu so với những khoảng nợ lớn mà CLB TP.HCM đang gánh (mỗi năm CLB TP.HCM tốn khoảng 20 tỷ đồng để hoạt động).
Lương cầu thủ đã được giải quyết, nhưng còn tiền ăn, tiền di chuyển, rồi hàng trăm các khoản chi linh tinh khác đội bóng thành phố vẫn cứ phải gồng nếu muốn duy trì đội bóng. Tiền trong ngân quỹ không còn, nên nợ cứ chồng thêm nợ. Tổng giám đốc công ty cổ phần thể thao TMN-CSG (đơn vị trực tiếp quản lý CLB TP.HCM) ông Nguyễn Chí Kiên đã phải cầm xe, cầm nhà để trang trải tiền sinh hoạt cho đội. Nhưng tiềm lực tài chính của ông Kiên chỉ có hạn, đồng thời, cho đến giờ, ông Kiên dường như là người duy nhất còn chịu chi tiền cho đội. Thế nên, sau nhiều lần tìm cách gỡ, đến giờ ông Kiên gần như hết cách.
Thật ra, thì CLB cũng từng có nhà tài trợ, cũng từng được sở hữu bởi một doanh nghiệp “cỡ bự” là Tổng công ty Thép Việt Nam. Thời đó, Thép Việt Nam nắm phần lớn cổ phần của đội bóng, nhưng doanh nghiệp này chỉ mặn mà với đội trong những ngày đầu khi họ đặt chân vào lĩnh vực bóng đá, nhất là giai đoạn 2004 2005. Sau đó, tiền từ Thép rót về ít dần, cho đến một ngày, GĐĐH Nguyễn Chí Kiên phải thốt lên: “Ban đầu, họ hứa rất nhiều, nhưng tiền rót xuống chẳng bao nhiêu và đưa ra nhiều lý do. Từ ngày về nắm đội, tài sản cá nhân của tôi và của gia đình cứ lần lượt ra đi, hoặc dùng để thế chấp ngân hàng hòng có tiền trả lương, thưởng cho các cầu thủ. Tôi nợ như Chúa Chổm".
GĐĐH Nguyễn Chí Kiên |
Bất lực trong cơn khốn khó
Hiện tại, theo tiết lộ của ông Kiên thì Thép đã chuyển giao hết cổ phần của đội bóng cho ông, bản thân ông Kiên muốn có một cuộc chuyển giao cho đơn vị kinh tế khác. Tuy nhiên, đấy là mong muốn, còn có chuyển giao được hay không, bao giờ chuyển giao thì còn phải giải quyết nhiều thủ tục, không phải cứ muốn là xong.
Riêng hiện giờ, cũng từ tiết lộ của ông Nguyễn Chí Kiên: “Cầu thủ chỉ được ăn cơm để thi đấu. Ngoại binh của CLB, tiền lót tay từ đầu mùa đến giờ vẫn chưa được nhận đồng nào. Cách đây vài hôm, tôi thanh lý hợp đồng với một ngoại binh để họ về nước dù từ đầu mùa họ chưa nhận được tiền lót tay và CLB còn nợ anh ta hơn một tháng rưỡi lương. Kinh tế khó khăn quá, nếu địa phương không hỗ trợ chắc chúng tôi chết mất!"
Giữa vòng xoáy khủng hoảng kinh tế toàn cầu, CLB TP.HCM vốn đã khó nay còn khó hơn nữa, bởi như đã nói ở trên, TP.HCM hiện có quá nhiều việc để lo, chứ không riêng gì bóng đá.
Nhìn từ góc độ của thành phố, CLB TP.HCM chỉ là một doanh nghiệp như rất nhiều doanh nghiệp khác vốn đang hàng ngày kêu khó. Theo thống kê, mỗi ngày TP.HCM có hàng trăm doanh nghiệp phải giải thể. Nếu thành phố cứu CLB TP.HCM, họ cũng phải sẽ cứu hàng loạt doanh nghiệp đang phá sản hoặc đứng trên bờ vực phá sản khác, điều đó sẽ trở thành gánh nặng cho cả nền kinh tế.
Không phải là TP.HCM không hỗ trợ cho đội bóng, ngược lại, thành phố còn nhiều lần rót tiền, nhưng cứu mãi kiểu này cũng chẳng phải là cách tốt. Cách tốt nhất, theo GĐĐH Nguyễn Chí Kiên và những người hoạch định chiến lược thể thao thành phố là CLB TP.HCM phải tìm đơn vị khác để chuyển giao. Mặc dù vậy, cũng vì khủng hoảng kinh tế mà giờ để kiếm một đơn vị đủ mạnh về tài chính có khả năng tiếp nhận ngay CLB TP.HCM cũng không phải là điều đơn giản. Thành ra, số phận của CLB TP.HCM vốn tiền thân là Cảng Sài Gòn lừng lẫy ngày nào cứ như thể ngọn nến trong gió
Vị huấn luyện viên không nhận lương
Đấy là trường hợp chiến lược gia Zinojnov của CLB TP.HCM. Kỳ thực là do CLB TP.HCM không còn tiền để trả lương đúng hạn cho các HLV ngoại và ngoại binh, nên HLV Zinojnov phải chịu cảnh thiếu lương dài hạn. Riết rồi, vị HLV ngoại này cũng quen và hầu như cũng chẳng còn nhiều ý kiến về vấn đề trên. Có nhiều người cũng đặt câu hỏi rằng tại sao đội bóng thành phố đang trong cảnh khó khăn lại thuê thầy ngoại, thay vì thầy nội rẻ hơn. Tuy nhiên, người hiểu chuyện nói đùa với nhau rằng có lẽ là do thầy nội quá hiểu về cảnh túng thiếu của đội bóng, nên chẳng ai dám về với đội. Thành ra, CLB TP.HCM phải chọn HLV ngoại, mà phải là HLV lạ. |
Hà Thanh
Theo Infonet