"608.400 liều vaccine Pfizer phòng Covid-19 đã đến sân bay Tân Sơn Nhất hôm nay", Facebook của Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM thông báo tối 7/10.
Với con số này, tổng số vaccine Mỹ viện trợ Việt Nam đã lên hơn 8,1 triệu liều. "Mỹ cam kết hợp tác cùng những người bạn tại Việt Nam nhằm chấm dứt đại dịch", theo thông báo của Tổng lãnh sự quán Mỹ.
Tổng số vaccine Mỹ viện trợ Việt Nam đã lên hơn 8,1 triệu liều. Ảnh: Reuters. |
Ngoài ra, Mỹ đã cam kết các khoản hỗ trợ trị giá 26,7 triệu USD nhằm giúp Việt Nam ứng phó với đại dịch.
Bên cạnh số vaccine mà Mỹ trao tặng thông qua cơ chế COVAX, Việt Nam đến nay đã nhận 4.176.000 liều vaccine AstraZeneca từ COVAX.
Cơ chế COVAX do Liên minh Đổi mới Sáng tạo Sẵn sàng cho Dịch bệnh (CEPI), Liên minh Toàn cầu về Vaccine và Tiêm chủng (GAVI), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) điều hành, và UNICEF đóng vai trò đối tác phân phối chủ chốt.
Mỹ là quốc gia có đóng góp lớn nhất cho cơ chế COVAX. Thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), chính phủ Mỹ đã đóng góp 4 tỷ USD để hỗ trợ COVAX mua và phân phối vaccine Covid-19 tới 92 nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình thấp.
Hồi tháng 6, Tổng thống Joe Biden công bố Mỹ sẽ mua và trao tặng 500 triệu liều vaccine Pfizer cho 92 nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình thấp, và cho Liên minh châu Phi.
Gayle Smith, điều phối viên Covid-19 toàn cầu của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết Mỹ chỉ mua vaccine Pfizer để tài trợ cho thế giới là vì tốc độ và năng lực sản xuất của hãng này.
"Pfizer là phía có khả năng nhất trong việc sản xuất quy mô lớn với tốc độ đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của chúng tôi", bà Smith nói. "Chúng tôi cũng cho rằng Pfizer là loại vaccine tuyệt vời, nhưng vấn đề mấu chốt là khả năng giao vaccine quy mô lớn trong thời gian ngắn nhất".