Cơ chế mới sẽ giúp 92 quốc gia đang phát triển được mua thêm vaccine, bên cạnh số vaccine mà những nước này đã hoặc sẽ được viện trợ qua COVAX, theo AFP.
Với nguồn tiền từ Ngân hàng Thế giới và các ngân hàng phát triển khác, COVAX cho biết sẽ đặt mua trước vaccine từ nhà sản xuất dựa trên tổng nhu cầu của các nước.
COVAX được thành lập để đảm bảo các nền kinh tế đang phát triển có thể tiếp cận vaccine ngừa Covid-19 miễn phí. Ảnh: UNICEF. |
Theo thỏa thuận tài trợ của Ngân hàng Thế giới, sẽ có thêm đến 430 triệu liều vaccine sẵn sàng được chuyển đi trong giai đoạn cuối năm 2021 đến giữa năm 2022 cho 92 nước tham gia COVAX. Số vaccine này có thể tiêm đủ 2 liều cho 250 triệu dân.
Các quốc gia cũng sẽ phần nào có khả năng chọn vaccine phù hợp với mong muốn.
COVAX được thành lập để đảm bảo các nền kinh tế đang phát triển có thể tiếp cận vaccine ngừa Covid-19 miễn phí. Cơ chế này nhận được hậu thuẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên minh Đổi mới và Sẵn sàng về Dịch bệnh (CEPI), và Liên minh vaccine Gavi.
Cơ chế tài trợ mới “sẽ cho phép COVAX mở khóa thêm nhiều vaccine cho các quốc gia thu nhập thấp và trung bình”, giám đốc điều hành Gavi Seth Berkley nói trong một tuyên bố, theo AFP.
“Trong lúc chúng ta vượt qua mục tiêu ban đầu và phối hợp để hỗ trợ các nước trong công tác bảo vệ phần lớn người dân, sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới sẽ giúp chúng ta đến gần hơn mục tiêu khống chế Covid-19”, ông Berkley cho biết.
WHO từng lên tiếng về sự bất bình đẳng trong phân bổ vaccine trên thế giới.
Tại các quốc gia thu nhập cao, nhà chức trách đã tiêm được 95,4 liều vaccine cho mỗi 100 người dân. Con số này chỉ là 1,5 liều vaccine cho mỗi 100 người dân tại 29 quốc gia thu nhập thấp nhất.