Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Vì sao COVAX liên tục trễ hẹn giao vaccine?

Trong khi một số nước giàu dự trữ dư vaccine Covid-19, một số nước khác thậm chí vẫn chưa thể tiêm cho nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao nhất dù đã nhờ đến COVAX.

bat binh dang vaccine anh 1

Thế giới đang nhận thấy sự bất bình đằng rõ rệt về vaccine Covid-19. Ảnh: Folioart.

Trong khi Mỹ đã tiêm chủng Covid-19 đầy đủ cho khoảng 50% dân số và có dư vaccine, thì ở cách đó không xa, Haiti vừa nhận được lô vaccine đầu tiên thông qua COVAX vào ngày 15/7, gồm 500.000 liều cho dân số hơn 11 triệu người. Canada đã mua hơn 10 liều cho mỗi người dân, trong khi tỷ lệ tiêm chủng của Sierra Leone vừa đạt 1% vào ngày 20/6, theo AP.

COVAX đã không thể hoàn thành mục tiêu là bắt đầu tiêm chủng ở các nước nghèo cùng lúc với nước giàu. Ngày 24/2, cơ chế này mới bắt đầu giao vaccine tới Ghana, gồm 600.000 liều AstraZeneca do Viện Huyết thanh của Ấn Độ sản xuất.

Tại thời điểm đó, 27% dân số Anh đã được tiêm chủng, 13% ở Mỹ, 5% ở châu Âu - và 0,23% ở châu Phi.

Tính đến ngày 18/7, tỷ lệ tiêm chủng ít nhất một liều vaccine Covid-19 ở Vương quốc Anh đạt 68,2% dân số, ở Mỹ là 55,63%, ở châu Âu là 45,81%, ở châu Á là 26,4% và ở châu Phi chỉ vỏn vẹn 3,02%, theo Our World in Data.

Strive Masiyiwa, đặc phái viên của Liên minh châu Phi phụ trách mua vaccine, đã ví sự bất bình đẳng vaccine hiện nay như một nạn đói mà trong đó “những người giàu nhất có thợ làm bánh”.

Theo AP, có nhiều lý do khiến vaccine chưa đến được với nhiều nước trong khi một số quốc gia thì có dư.

Hạn chế xuất khẩu từ "quê hương" của vaccine

Covid-19 bất ngờ tàn phá các quốc gia giàu có trước tiên, trong số đó có những nơi sản xuất vaccine lớn. Việc hạn chế xuất khẩu đã khiến vaccine khó vượt qua biên giới để đến các nước khác.

Moderna và Pfizer/BioNTech nằm trong những công ty đầu tiên sản xuất vaccine Covid-19. AstraZeneca và Oxford cũng nhanh chóng bắt tay vào phát triển ứng cử viên của mình ngay sau đó.

Mỹ, Anh, nhanh chóng nắm lợi thế trong cuộc đua vaccine vì họ là quê hương của các công ty dược phẩm với những ứng cử viên vaccine triển vọng nhất, với các cơ sở sản xuất tiên tiến nhất thế giới và đều có nguồn lực tài chính mạnh.

Ngày 15/5/2020, Tổng thống Donald Trump đã công bố chiến dịch Warp Speed ​​và hứa sẽ cung cấp vaccine Covid-19 trước năm 2021. Với tiền và tham vọng vô song đằng sau dự án, người đứng đầu Warp Speed, Moncef Slaoui, ký hợp đồng gần như không quan tâm đến giá cả hay điều kiện.

Điều khoản nhằm đảm bảo rằng vaccine sẽ đến những nơi bên ngoài nước Mỹ đã không được xem xét.

“Chúng tôi đã tập trung vào việc tiến tới sản xuất vaccine càng nhanh càng tốt. Nếu tôi được ký lại, có lẽ tôi nên đề cập đến vấn đề toàn cầu”, Slaoui nói.

bat binh dang vaccine anh 2

Người dân chờ đến lượt nhận vaccine Covid-19 tại một bệnh viện ở Chennai, Ấn Độ, ngày 16/4. Ảnh: AFP.

Đồng thời, Mỹ liên tục viện dẫn Đạo luật Sản xuất Quốc phòng, gồm 18 lần dưới thời chính quyền Trump và ít nhất một lần dưới thời ông Biden. Các động thái này đã ngăn cản việc xuất khẩu nguyên liệu thô quan trọng để sản xuất vaccine.

Điều này cũng khiến vật liệu cạn kiệt ở hầu hết nơi trên thế giới. Sự kìm hãm của Mỹ chỉ được dỡ bỏ vào mùa xuân năm 2021, và chỉ một phần.

Ấn Độ, một trong những trung tâm sản xuất vaccine của thế giới, đã chặn cả việc xuất khẩu đồ bảo hộ và vaccine khi nước này bắt đầu đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ hai hồi tháng 4 và 5.

Thiếu sót trong kế hoạch chia sẻ toàn cầu

Dù thế giới đã có các kế hoạch và sáng kiến mua vaccine trên toàn cầu để cung cấp cho những nước nghèo hơn, kế hoạch này còn nhiều thiếu sót và thiếu vốn đầu tư đến mức không thể cạnh tranh trong cuộc đua mua vaccine.

COVAX - sáng kiến phân phối vaccine Covid-19 toàn cầu - được chính thức công bố là tổ chức đảm bảo công bằng, với Viện Huyết thanh của Ấn Độ làm nhà cung cấp nòng cốt. Tuy nhiên, như đã nêu ở trên, nguồn cung từ Ấn Độ đã bị gián đoạn vì làn sóng Covid-19 thứ hai tại nước này.

COVAX được sự hậu thuẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên minh Đổi mới và Sẵn sàng về Dịch bệnh (CEPI), liên minh vaccine Gavi và Quỹ Gates. Dẫu vậy, COVAX không có tiền mặt, và vì vậy không thể đảm bảo hợp đồng nào.

Một kế hoạch riêng do chính phủ Costa Rica và WHO đưa ra nhằm tạo ra nền tảng chia sẻ công nghệ để mở rộng sản xuất vaccine đã được thành lập. Tuy nhiên, không một công ty nào đồng ý chia sẻ thiết kế sản xuất vaccine của họ, ngay cả khi họ được trả phí, và không có chính phủ đứng sau nào thúc ép họ.

COVAX đã xin hỗ trợ tiền mặt để đặt hàng vaccine từ các công ty dược phẩm nhưng dường như không thể cạnh tranh với các nước lớn có nguồn lực dồi dào.

bat binh dang vaccine anh 3

Cơ chế chia sẻ vaccine Covid-19 toàn cầu gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận nguồn cung. Ảnh: AP.

“Ngay khi nhận thấy các ứng cử viên vaccine hàng đầu và có tiềm năng thành công nhất, chính phủ các nước có nguồn lực đã đặt hàng trước. COVAX không có đủ khả năng để làm điều đó”, giám đốc điều hành CEPI, tiến sĩ Richard Hatchett nói với AP.

COVAX sau đó cuối cùng cũng có tiền để ký hợp đồng mua và cung cấp vaccine toàn cầu, nhưng ông Hatchett thừa nhận rằng họ chậm chân nhất.

Sở hữu trí tuệ

Quyền sở hữu trí tuệ từng được đưa lên bàn cân với sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu.

Kể từ tháng 10/2020, Ấn Độ và Nam Phi đã dẫn đầu một nhóm 60 quốc gia nhằm kêu gọi WTO loại bỏ tạm thời các biện pháp bảo vệ sở hữu trí tuệ. Các quốc gia ủng hộ cho rằng hành động này sẽ thúc đẩy việc sản xuất vaccine và các công cụ y tế quan trọng để chống lại Covid-19.

Điều này cũng có thể giúp giải quyết sự bất bình đẳng nghiêm trọng trong việc tiếp cận với vaccine.

Nỗ lực hướng tới việc soạn thảo thỏa thuận miễn trừ bằng sáng chế hoặc cấp phép bắt buộc trong việc sản xuất vaccine Covid-19 gây ra quan điểm trái ngược giữa các quốc gia và chưa đi đến đâu. Báo cáo ban đầu về tiến trình cuộc thảo luận dự kiến được công bố vào ngày 21 hoặc 22/7.

bat binh dang vaccine anh 4

Một cậu bé 13 tuổi được tiêm vaccine ở Los Angeles, Mỹ. Ảnh: Los Angeles Times.

Ngoài ra, các nước giàu đang mở rộng việc tiêm chủng cho người trẻ, và tranh luận về việc tiêm liều thứ 3 cho người đã nhận đủ 2 liều, bỏ qua lời khẩn cầu lặp đi lặp lại của một số nước đang thậm chí không thể tiêm chủng cho nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao nhất, theo AP.

Dù các nhà khoa học đồng ý rằng trẻ em có nguy cơ mắc Covid-19 thấp, điều đó đã không ngăn cản những nước giàu dự trữ vaccine để tiêm chủng cho trẻ em, ngay cả khi một số nước có rất ít hoặc không có vaccine để tiêm.

Nhìn chung, sự chênh lệch giữa các nước là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên quy mô của sự bất bình đẳng, dự trữ vaccine chưa sử dụng hiện nay là quá lớn, song song với đó là sự thiếu kế hoạch khả thi để giải quyết một vấn đề toàn cầu, theo AP.

Masiyiwa, đặc phái viên của Liên minh châu Phi phụ trách mua vaccine, nói tại một hội nghị của Viện Milken: “Chúng tôi không có khả năng tiếp cận với vaccine, dù là được tặng hay tự mua. Tôi không ngạc nhiên, vì chúng tôi đã sống với đại dịch HIV. 8 năm sau khi phương pháp trị liệu có mặt ở phương Tây, chúng tôi vẫn chưa nhận được phương pháp này và đã mất đi 10 triệu người”.

“Đó là một phép toán đơn giản. Chúng tôi không thể tiếp cận. Chúng tôi không có phép màu nào về vaccine”, anh nói.

Đại chiến vaccine tại Đông Nam Á

Người dân nhiều nước Đông Nam Á đổ xô đi chủng ngừa, thậm chí đặt chỗ tiêm qua Shopee khi làn sóng Covid-19 mới càn quét qua khu vực từng được coi là hình mẫu chống dịch.

Dịch bùng lại khắp thế giới, nhưng chỉ một số nước hứng hậu quả

Trong khi một số nước châu Á vật lộn với số ca tử vong hàng ngày cao kỷ lục, các quốc gia với tỷ lệ tiêm vaccine cao đang bàn cách dỡ bỏ quy định hạn chế.

Hồng Ngọc

Theo AP

Bạn có thể quan tâm