Trong suốt cuộc đời của mình, mỗi khi bị ốm, Dewi - bà mẹ hai con người Indonesia - đều tìm đến các loại thảo mộc và y học cổ truyền.
Trong vài tháng qua, cô đã từ chối tiêm vaccine Covid-19 sau khi đọc trên mạng xã hội về các tác dụng phụ, bao gồm vấn đề về da và tỷ lệ tử vong sau khi tiêm, theo Straits Times.
Tuy nhiên, gần đây, sau khi chứng kiến số lượng người mắc xung quanh mình tăng vọt, thậm chí một số người qua đời, cô đã thay đổi suy nghĩ. Cô cũng nhận thức rõ về tình trạng khan hiếm giường bệnh, thuốc men và oxy tại đất nước mình.
Làn sóng Covid-19 mới tại Indonesia khiến nhiều người dân bắt đầu đổ xô đi tiêm chủng. Trong khi đó, tại Thái Lan, vì quá tuyệt vọng chờ đến lượt tiêm vaccine Covid-19, nhiều người đã tìm nguồn cung trên các trang web mua sắm trực tuyến. Thậm chí có người còn tìm hiểu cả du lịch vaccine với mong muốn được chủng ngừa.
Indonesia đã vượt Ấn Độ và trở thành tâm chấn Covid-19 lớn nhất ở châu Á. Ảnh: Reuters. |
Thách thức về phân phối vaccine
Trong tuần thứ hai của tháng 7, số ca mắc Covid-19 ghi nhận ở các nước Đông Nam Á đã tăng 41%, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins.
Trong giai đoạn 8/7-14/7, tỷ lệ tử vong vì virus corona ở khu vực này tăng 39% và vẫn chưa có dấu hiệu chững lại. Đây là mức tăng nhanh nhất từng ghi nhận trên thế giới, theo Bloomberg.
Trong khi đó, tỷ lệ tiêm chủng của các nước Đông Nam Á ở ngưỡng 9%, chỉ cao hơn châu Phi và Trung Á.
Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, trở thành tâm dịch lớn nhất thế giới với số ca mắc Covid-19 mới mỗi ngày trên ngưỡng 40.000 trong bốn ngày liên tiếp 13-16/7. Trong ngày 17/7, nước này đạt kỷ lục với 51.952 trường hợp mắc mới ghi nhận trong vòng 24 giờ.
Indonesia đã mua được 480 triệu liều vaccine Covid-19 từ nhiều hãng dược khác nhau trên thế giới. 1/3 trong số này đã được chuyển giao, khiến nước này trở thành quốc gia có nguồn dự trữ vaccine lớn nhất Đông Nam Á.
Nhưng việc phân phối và quản lý nguồn cung này cho toàn bộ người dân trên đảo quốc lớn nhất thế giới là một nhiệm vụ khó khăn. Việc phân phối gặp thách thức tại các khu vực biển và nơi địa hình khắc nghiệt, cũng như cần sự chấp thuận từ nhiều chi nhánh và bộ máy hành chính.
Ngoài ra, sau khi hứng chịu làn sóng phẫn nộ từ công chúng, Indonesia đã loại bỏ bản kế hoạch gây tranh cãi cho phép người dân trả tiền để được tiêm vaccine.
Trước đó ngày 12/7, công ty dược phẩm PT Kimia Farma, với sự hậu thuẫn của chính phủ, đã chào bán hai liều vaccine với giá 82 USD.
Theo lời Bộ trưởng Nội các Pramono Anung trong một tuyên bố hôm 16/7, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã “kiên quyết ra lệnh” chương trình này phải gác lại. “Như tổng thống đã tuyên bố trước đó, tất cả loại vaccine vẫn sẽ được cung cấp miễn phí”, ông nói.
Tốc độ triển khai vaccine chậm được cho là một nhân tố khiến tình hình dịch Covid-19 ở Đông Nam Á chuyển biến xấu đi nhanh chóng. Ảnh: Reuters. |
Mua chỗ tiêm vaccine trên Shopee
Trong khi đó, trong những tuần gần đây, sự lo lắng của người dân Thái Lan về việc tiêm vaccine Covid-19 đã lên đến đỉnh điểm khi nhu cầu vượt xa nguồn cung có trong kho.
Thái Lan ban đầu đặt mục tiêu mua thêm 10 triệu liều mỗi tháng khi bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng đại trà trên toàn quốc vào tháng 6. Tuy nhiên, do không dự trữ đủ vaccine AstraZeneca sản xuất nội địa, mục tiêu này đang bị cản trở.
Ngày 15/7, AstraZeneca thông báo trì hoãn thời gian giao hàng thêm 5 tháng đối với 61 triệu liều dự kiến cung cấp cho Thái Lan, một động thái làm trì trệ thêm chiến dịch tiêm chủng của nước này.
Trong bối cảnh đó, người dân xứ sở chùa vàng đang tìm các con đường khác để tiếp cận vaccine.
Đối với những người có đủ khả năng đi du lịch, việc tiêm chủng ở các quốc gia như Mỹ là một sự lựa chọn. Nhiều người điên cuồng tìm kiếm vaccine Moderna tại các bệnh viện tư nhân, với chi phí khoảng 91 USD cho hai mũi tiêm.
Tuần trước, 1.800 chỗ tiêm vaccine Moderna đã bán hết trong vài phút khi Bệnh viện Phyathai ở thủ đô Bangkok rao bán trên nền tảng thương mại điện tử Shopee.
“Khi thấy bạn bè cùng trang lứa ở Singapore bắt đầu đi tiêm vaccine, chúng tôi bắt đầu cảm thấy lo lắng”, Christine Lee - 35 tuổi, một người Singapore sống tại Thái Lan - chia sẻ.
Cô cố gắng sử dụng cổng thông tin chính phủ Thái Lan thiết lập cho người nước ngoài đăng ký tiêm vaccine Covid-19 vào tháng 6, nhưng gặp vấn đề với đơn đăng ký trực tuyến.
Hiện tại, mới chỉ có 3,9% dân số - tương đương 3,4 triệu người tại Thái Lan - được tiêm chủng đầy đủ theo khuyến cáo.
Tỷ lệ tử vong vì virus corona ở khu vực Đông Nam Á tăng 39% từ ngày 8-14/7 và vẫn chưa có dấu hiệu chững lại. Ảnh: Reuters. |
Chạy đua với thời gian
Giống như Indonesia và Thái Lan, phần còn lại của Đông Nam Á cũng đang trong cuộc chạy đua với thời gian để đạt được tỷ lệ dân số được tiêm chủng càng cao càng tốt, trước “cơn bão” Covid-19 đang xé toạc khu vực sinh sống của hơn 650 triệu người.
Malaysia đang phải vật lộn với số ca mắc cao kỷ lục, bất chấp thực thi phương án phong tỏa từ ngày 1/6. Các chuyên gia y tế cảnh báo ca bệnh có thể lên tới con số gần 20.000 mỗi ngày trong hai tuần tới.
Chính phủ đã tăng tốc chủng ngừa Covid-19 cho người dân bằng cách mở các điểm tiêm chủng khổng lồ và triển khai xe tải tiêm chủng.
Khoảng 12% trong số 32 triệu dân cho đến nay tiêm chủng đầy đủ, trong khi 26% đã tiêm liều đầu tiên. Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin tự tin quốc gia này có thể đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm nay.
Trong khi đó, ngày 16/7, Thứ trưởng Y tế Philippines Maria Rosario Vergeire cho biết nước này đã phát hiện 16 trường hợp nhiễm biến chủng Delta.
Philippines là quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao thứ hai ở Đông Nam Á. Theo dữ liệu Worldometers, tính đến nay, nước này đã có 1,5 triệu người mắc Covid-19, với hơn 26.000 người thiệt mạng.
Chính phủ nước này đặt mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng trong năm nay bằng cách tiêm chủng cho 58-70/110 triệu dân. Số người tại Philippines đã hoàn thành tiêm chủng 2 mũi là 4,29 triệu người, chiếm 3,2% dân số.