Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Thế 'xỏ kim' của bà Harris trong cuộc tranh luận với ông Trump

Thách thức trong cuộc tranh luận với ông Trump của bà Harris: Đẩy bản thân lên phía trước nhưng cũng không thể quay lưng với ông Biden - vị tổng thống bà đã sát cánh trong nhiều năm.

Kamala Harris anh 1

Các cố vấn của Phó tổng thống Kamala Harris cho biết bà đã đưa ra một số chính sách mà họ hy vọng sẽ thu hút được cử tri và tạo nên sự tương phản tinh tế với Tổng thống Biden. Ảnh: New York Times.

Trong cuộc tranh luận ngày 10/9, bà Kamala Harris - phó tổng thống Mỹ - sẽ cố gắng nêu bật bản thân là ứng viên mang lại sự thay đổi mà không chỉ trích ông Joe Biden, vị tổng thống mà bà đã sát cánh trong nhiều năm.

Thách thức

Phó tổng thống Kamala Harris sẽ tìm cách tận dụng cuộc tranh luận với cựu Tổng thống Donald J. Trump để cho thấy người Mỹ đã sẵn sàng lật sang trang mới trong nền chính trị của thập kỷ qua, bỏ lại phía sau những hỗn loạn và thù địch xã hội.

Nhưng ông Trump, đứng cách đó chỉ vài bước chân, có thể sẽ đưa ra một lập luận khác: Ông dự kiến tìm cách mô tả bà Harris, phó tổng thống đương nhiệm, là ứng cử viên của nguyên trạng.

Cuộc “so găng” sẽ đặt ra một thách thức cho bà Harris: nữ phó tổng thống sẽ phải quyết định nên ủng hộ hay giữ khoảng cách với Tổng thống Biden và các chính sách của ông đến mức nào tại thời điểm các cuộc thăm dò cho thấy nhiều người Mỹ đang khao khát sự thay đổi. Đây là một câu đố mà các phó tổng thống khác cũng phải đối mặt khi tìm kiếm vị trí tổng thống và các đồng minh của bà Harris cho biết nữ ứng viên đảng Dân chủ sẽ phải hành động thận trọng khi đưa ra lập luận riêng.

“Bà ấy có thể khen ngợi ông Biden và nói về những thành tựu, nhưng cũng thừa nhận rằng công việc vẫn chưa hoàn thành”, Bakari Sellers, một đồng minh của bà Harris và là một nhà bình luận chính trị của đảng Dân chủ, nhận định. “Vì vậy, bà ấy phải sẵn sàng thể hiện với người dân Mỹ mức độ đồng cảm và hiểu biết, chứ không chỉ nói rằng mọi thứ chúng ta đã làm đều là món quà của Chúa dành cho nền chính trị”.

Cuộc thăm dò gần đây của tờ New York Times và Siena College đã nêu bật nhiệm vụ khó khăn mà bà Harris phải đối mặt. Kết quả cho thấy 61% cử tri tiềm năng cho biết tổng thống tiếp theo sẽ đại diện cho một sự thay đổi lớn so với ông Biden. Chỉ có 25% nói rằng bà Harris đại diện cho sự thay đổi đó, trong khi 53% nghiêng về ông Trump.

Một trong những điểm yếu rõ ràng nhất đối với phó tổng thống là dù nền kinh tế ổn định nhưng nhiều cử tri bày tỏ họ không thể cảm nhận được lợi ích đó. Cuộc thăm dò cho thấy ông Trump nắm giữ lợi thế 13 điểm phần trăm về nền kinh tế, vấn đề được coi là quan trọng nhất đối với cử tri.

Ông Biden đã ủng hộ và thúc đẩy thông qua luật hiện đại hóa cơ sở hạ tầng của đất nước và đưa nền kinh tế thoát khỏi vòng xoáy đại dịch, nhưng trong những năm gần đây, nền kinh tế số một thế giới hứng chịu một giai đoạn lạm phát cao, và các cử tri cảm nhận được sức nóng của chi phí sinh hoạt tăng.

Kamala Harris anh 2

Tổng thống Biden đã nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế, bao gồm một nhà máy sản xuất chip mới lớn ở Arizona. Ảnh: New York Times.

Tương phản tinh tế

Các cố vấn của bà Harris đã chỉ ra rằng phó tổng thống đã đưa ra một số chính sách được kỳ vọng sẽ được lòng các cử tri cũng như doanh nghiệp, và tạo ra sự tương phản tinh tế với ông Biden.

Nhưng họ cũng cho rằng sự tương phản mà bà Harris quan tâm hơn cả là với ông Trump. Nữ ứng viên đảng Dân chủ coi việc từng là công tố viên là thế mạnh trong khả năng đối đầu với cựu tổng thống. Và bà đã tập trung phần lớn thông điệp chiến dịch của mình vào việc bảo vệ các quyền tự do cá nhân thay vì dân chủ, một ý tưởng mà ông Biden hết lòng ủng hộ.

Tuần trước, Harris cho biết bà sẽ tăng thuế thu nhập từ vốn ở mức thấp hơn nhiều so với mức Tổng thống Biden đã đề xuất. (Hôm 6/9, hàng chục lãnh đạo doanh nghiệp, bao gồm tỷ phú Mark Cuban và cựu Chủ tịch 21st Century Fox James Murdoch, đã ký một lá thư ủng hộ bà).

Bà cũng đưa ra khoản trợ cấp 25.000 USD để giúp những người mua nhà lần đầu tiên tham gia vào thị trường nhà ở. Khoản trợ cấp đó được ông Biden đề xuất trước tiên, nhưng bà Harris đã chấp nhận và biến nó thành một đặc điểm chính trong kế hoạch của bà nhằm chống lại chi phí nhà ở cao và thu hút những cử tri trẻ tuổi cảm thấy bị loại khỏi thị trường.

Trong mọi bước ngoặt, bà Harris đều cẩn thận không chỉ trích chính quyền hay tổng thống mà bà phục vụ. Về mặt cá nhân, bà và tổng thống đã gửi điện tín khẳng định rằng hai người có mối quan hệ thân thiết.

Tuần trước, ông Biden đã tham gia cùng bà Harris trong chiến dịch tranh cử. Nhà lãnh đạo Mỹ nắm tay và hôn trán ứng viên đảng Dân chủ tại một sự kiện của nghiệp đoàn ở Pittsburgh. "Chúng ta có thể dành một tràng pháo tay nữa cho tổng thống của chúng ta, Joe Biden không", bà Harris nói, chu đáo dành cho ông Biden - người đã trở thành tổng thống đương nhiệm đầu tiên tham gia vào hàng rào bãi công vào mùa thu năm ngoái - sự ghi nhận xứng đáng trước một nhóm khán giả quan trọng.

Trong những tuần gần đây, ông Biden cảm thấy được khích lệ khi thấy sự gia tăng ủng hộ dành cho bà Harris.

Kamala Harris anh 3

Phó Tổng thống kiêm ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris trao đổi với Tổng thống Joe Biden trước khi lên Không lực Hai. Trước đó, cả hai cùng tham dự một sự kiện vận động tranh cử tại IBEW Local Union #5 ở Pittsburg, Pensylvania hôm 9/9. Ảnh: New York Times.

Andrew Bates, phát ngôn viên Nhà Trắng, cho biết trong một tuyên bố rằng ông Biden "luôn có niềm tin vững chắc vào khả năng lãnh đạo và chiến thắng của bà Harris. Đó là lý do tại sao ông nhiệt tình ủng hộ bà ngay từ đầu, từ chối các cách tiếp cận khác có thể chia rẽ đảng".

Các đồng minh đã mô tả cảm xúc của tổng thống về việc từ chức là vừa ngọt ngào vừa đắng cay. Tỷ lệ ủng hộ của ông đã tăng vọt kể từ khi bà Harris tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng - điều mà các cố vấn của ông coi là bằng chứng cho thấy các chính sách của ông luôn được ưa chuộng.

“Nhiều người Mỹ hơn đang nhận ra rằng ông ấy đã dẫn dắt chúng ta thoát khỏi một loạt các cuộc khủng hoảng và đang gieo mầm cho một tương lai thịnh vượng”, Ben LaBolt, giám đốc truyền thông Nhà Trắng, nói với Fox News vào tuần trước.

"Xỏ kim"

Tuy nhiên, bà Harris và các cố vấn đang chuẩn bị nhiều phương án cho cuộc tranh luận - bao gồm cả về mối quan hệ của bà với ông Biden. Tổng thống đã phải vật lộn để giải quyết những lo ngại của cử tri về các vấn đề trong nước, bao gồm nền kinh tế và di cư, và về các cuộc khủng hoảng chính sách đối ngoại, bao gồm cả cuộc chiến Israel-Gaza.

Về mặt công khai, ông Trump và các cố vấn từ lâu đã tập trung vào vấn đề dòng người di cư là trọng tâm trong các mũi nhọn công kích vào đảng Dân chủ. Mặc dù các cửa khẩu biên giới dọc theo mũi phía tây nam của Mỹ đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm nhưng lại ở mức cao kỷ lục vào đầu nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden.

Ông Biden và bà Harris đều nhiều lần nói rằng ông Trump phải chịu một phần trách nhiệm về cuộc khủng hoảng di cư, vì ông đã góp sức cản trở luật lưỡng đảng vốn sẽ trở thành những hạn chế nghiêm ngặt nhất đối với vấn đề nhập cư trong nhiều năm.

Vào đầu nhiệm kỳ của chính quyền, Tổng thống Biden đã giao cho bà Harris nhiệm vụ đánh giá nguyên nhân gốc rễ của làn sóng di cư từ Guatemala, Honduras và El Salvador. Đó là nhiệm vụ được cho là không có cửa thắng được, và cũng là điểm mà đối thủ đang xoáy vào để chống đối bà.

Kamala Harris anh 4

Bà Harris trong chuyến đi biên giới năm 2021 tại El Paso, Texas. Ảnh: New York Times.

Robert Shrum, một chiến lược gia chính trị lâu năm của đảng Dân chủ, cho biết bà Harris khó có thể chỉ trích tổng thống một cách rõ ràng, ngay cả về những vấn đề mà chính quyền không được lòng dân. Ông cho biết: “Thay vào đó, tôi nghĩ rằng có lẽ luận điệu sẽ là ‘Đã làm được nhiều việc, còn nhiều việc phải làm hơn nữa’”.

Ông trích dẫn ví dụ về chiến dịch tranh cử tổng thống do ông George H.W. Bush từng theo đuổi khi còn là phó tổng thống của Tổng thống Ronald Reagan.

“Ông Bush chưa bao giờ chỉ trích Tổng thống Reagan, nhưng ông ấy đã nói về ‘một nghìn điểm sáng’ và ‘một quốc gia tử tế, nhẹ nhõm hơn’. Có một sự tương phản ở đó không rõ ràng, nhưng mọi người đều hiểu”, ông Shrum cho hay.

Hạ nghị sĩ Henry Cuellar, thành viên đảng Dân chủ của bang Texas, người đã chỉ trích cách chính quyền Biden xử lý vấn đề di cư, dùng từ "xỏ kim" để mô tả tình thế của bà Harris trong cuộc tranh luận ngày 10/9, giải thích lý do tại sao bà đã thay đổi một số lập trường chính sách của mình theo thời gian.

“Bà ấy đang chạy đua ở giữa, vì đây là cuộc bầu cử vào tháng 11", ông Cuellar nói. "Bà ấy phải nói rằng 'Tôi vẫn ở trong chính quyền Biden, nhưng tôi vẫn là chính tôi'. Và sau đó bà ấy phải nêu rõ lập trường của mình về một số vấn đề đó".

Ron Klain, cựu chánh văn phòng của ông Biden, cho biết bà Harris sẽ cần phải phản công với một số vấn đề mà bà có lập trường vững chắc hơn ông Trump. Ông nhận định bà nên chỉ trích ông Trump về quyền phá thai - theo cuộc thăm dò của Times/Siena, bà Harris nắm giữ lợi thế 15 điểm phần trăm về vấn đề này - và cho những người không biết nhiều về bà thấy rằng bà sẽ sẵn sàng lãnh đạo nếu giành chiến thắng vào tháng 11.

“Tôi nghĩ bà ấy cần truyền đạt rằng bà ấy đã sẵn sàng trở thành tổng thống vào ngay ngày đầu tiên”, ông Klain nóit. “Và bà ấy phải cho cử tri thấy rằng bà ấy quan tâm đến các vấn đề của họ”.

Một thách thức - và một cơ hội - được cuộc thăm dò nêu bật là hơn một phần tư cử tri cảm thấy họ cần tìm hiểu thêm về bà, trong khi chỉ có 9%nói như vậy về ông Trump. Karoline Leavitt, phát ngôn viên của chiến dịch tranh cử của ông Trump, cho biết vào tối 3/9, rằng cựu tổng thống sẽ gắn liền bà Harris với những gì bà cho là “các chính sách thất bại của chính quyền Biden-HARRIS”, trong đó, tên của phó tổng thống được viết hoa để nhấn mạnh.

“Bà Kamala Harris không phải là ứng cử viên cho sự thay đổi cũng không phải là ứng cử viên của tương lai”, bà Leavitt cho biết trong một tuyên bố. “Bà Kamala Harris là Phó tổng thống NGAY BÂY GIỜ, và dù có thích hay không, bà ấy phải chịu trách nhiệm cho các cuộc khủng hoảng kinh tế, nhập cư và chính sách đối ngoại trong bốn năm qua”.

Trong một tuyên bố, Kevin Munoz, người phát ngôn chiến dịch tranh cử của Harris, cho biết ông Trump "đại diện cho mọi thứ mà người Mỹ khinh thường về nền chính trị của chúng ta" và mô tả bà Harris là "người tốt nhất để đại diện cho tất cả người Mỹ, bất kể đảng phái hay xuất thân, với tư cách là tổng thống".

Tiết lộ về tổng thống Mỹ

Mục Thế giới xin giới thiệu tủ sách về tổng thống Mỹ, cung cấp cho độc giả thông tin về các đời tổng thống Mỹ cùng những người thân của họ, qua đó cho phép chúng ta có cái nhìn sâu sắc hơn không chỉ vào cuộc đời của những nhà lãnh đạo xứ cờ hoa mà còn là vào nền chính trị Mỹ.

Brian Nelson la ai? hinh anh

Brian Nelson là ai?

0

Từ khi còn công tác tại California tới lúc làm việc ở Washington, Brian Nelson vẫn luôn là một trong những cố vấn có ảnh hưởng nhất của bà Kamala Harris.

IS danh bom tai mien Bac Iraq hinh anh

IS đánh bom tại miền Bắc Iraq

0

Cảnh sát địa phương cho biết vụ tấn công trên xảy ra gần thị trấn Tuz Khurmatu, cách thủ đô Baghdad khoảng 175km về phía Bắc khiến 3 binh sỹ thiệt mạng và 2 người khác bị thương nặng.

Hạnh Lam

Bạn có thể quan tâm