Brian Nelson là một trong những người đầu tiên được bà Harris tuyển dụng cho chiến dịch tranh cử sau khi ông Biden rút lui khỏi đường đua vào Nhà Trắng. Ảnh: New CQ-Roll Call. |
Thời điểm còn là Tổng chưởng lý bang California, bà Kamala Harris từng đưa ra quyết định định hình sự nghiệp khi rút khỏi cuộc đàm phán thỏa thuận giải quyết khủng hoảng tịch biên tài sản thế chấp năm 2011. Để phản đối thỏa thuận mà bà cho là không hợp lý, bà soạn một bức thư có lời lẽ gay gắt với sự hỗ trợ của một trong những trợ lý thân tín nhất, ông Brian Nelson.
Hai người tỉ mỉ soạn thư, tranh luận từng câu chữ. “Tôi đi đến kết luận rằng, đây không phải thỏa thuận mà các chủ nhà ở bang California đang chờ đợi”, ông Nelson gõ dưới ánh nhìn của bà Harris.
Hơn một thập kỷ sau, ông Nelson là một trong những tài năng đầu tiên được bà Harris “săn đón” khi Tổng thống Biden rút khỏi đường đua Nhà Trắng hồi tháng 7. Cách tiếp cận thực tế, phi ý thức hệ của ông Nelson phù hợp với phong cách của bà Harris, cho thấy sự thay đổi từ các chính sách tham vọng, lớn lao của ông Biden sang cách tiếp cận từng bước, dựa trên đồng thuận.
“Tôi nghĩ ông ấy như là ‘tổng tư lệnh giải quyết vấn đề’ của bà ấy”, bà Jill Habig, người từng là cố vấn đặc biệt cho bà Harris trong nhiệm kỳ tổng chưởng lý California, nói. “Ông ấy hiểu cách suy nghĩ và có cùng quan điểm với bà”.
Thách thức với người cố vấn
Bà Harris, người chỉ mới ở Washington được 4 năm trước khi trở thành Phó tổng thống, không có nhiều trợ lý lâu năm. Vì thế, ông Nelson, 47 tuổi, có lẽ là người có ảnh hưởng nhất trong nhóm cố vấn thân cận của bà. Trong vai trò mới, ông sẽ đối mặt với thách thức xây dựng chương trình nghị sự gây được thiện cảm với những cử tri muốn hiểu rõ tầm nhìn của bà Harris, đồng thời giúp bà tạo khác biệt với ông Biden.
Thay vì bản kế hoạch chi tiết và toàn diện, ông Nelson cùng các cố vấn khác của bà Harris đã quyết định vạch ra các đề xuất chính sách tổng quát, tập trung vào giảm chi phí cho tầng lớp trung lưu. Sự “chung chung” ấy đã hứng phải chỉ trích, bao gồm từ cựu Tổng thống Donald Trump, nhưng ông Nelson khẳng định đây là chương trình nghị sự "thực chất".
Trước khi một lần nữa đầu quân cho bà Harris, ông Nelson làm việc tại Bộ Tài chính Mỹ. Nhưng ngay khi còn làm ở Bộ, ông vẫn là người bạn nhiệt tình, thường hỗ trợ bà trong các việc quan trọng. Nếu bà Harris đắc cử tổng thống, ông Nelson nhiều khả năng sẽ đảm nhận vai trò cấp cao trong chính quyền, từ giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia đến bộ trưởng Tài chính.
Nathan Barankin, từng là chánh văn phòng của bà Harris trong thời gian bà làm Tổng chưởng lý và Thượng nghị sĩ, cho biết: "Brian gần như là một hằng số trong thế giới của bà ấy".
Bà Kamala Harris khi đảm nhiệm vị trí Thượng nghị sĩ. Ảnh: New York Times. |
Gắn kết sau những lần căng thẳng
Ông Nelson sinh ra tại bang Nam California, khi tốt nghiệp 2 ngôi trường danh tiếng là Đại học California, Los Angeles và Trường Luật Yale. Ông làm việc tại bộ phận an ninh quốc gia của Bộ Tư pháp, sau đó tham gia vào ban tổ chức Thế vận hội Olympic và Paralympic 2028 tại Los Angeles.
Bà Harris lần đầu gặp ông Nelson tại một bữa tiệc Giáng sinh năm 2010. Sau đó, thông qua sự giới thiệu của anh rể, Tổng chưởng lý California tuyển dụng ông Nelson để xây dựng đội ngũ luật sư tham gia đàm phán giải quyết khủng hoảng thế chấp.
Mối quan hệ Nelson - Harris được hình thành qua những chuyến đi công tác để giải quyết khủng hoảng thế chấp tại bang California. Hai người dần gắn kết sau các cuộc đàm phán và chuyến đi căng thẳng, nhưng đôi lúc cũng là những lần cùng nhau đi mua quần áo mới khi phải đột xuất ở lại lâu hơn dự kiến.
“Họ đã xây dựng mối quan hệ trong chiến hào của cuộc khủng hoảng thế chấp”, Travis LeBlanc, cố vấn cấp cao của bà Harris khi bà là Tổng chưởng lý California, nói. “Giữa hai người từng có các cuộc gặp căng thẳng. Chính những lần căng thẳng ấy sẽ khiến người ta quý hoặc ghét nhau. Với 2 người họ thì họ đã gắn bó”.
Trong gần ba năm làm việc tại Bộ Tài chính Mỹ, ông Nelson đóng vai trò trung tâm trong chiến dịch trừng phạt của chính quyền ông Biden đối với Nga. Suốt thời gian ấy, ông vẫn duy trì mối quan hệ thân thiết với Phó tổng thống Harris, nhưng hiếm khi đem việc này ra khoe khoang, theo những người làm việc cùng.
Khi đi công tác nước ngoài, ông Nelson thường là người “đầu sóng ngọn gió”, phải chịu đựng những lời lẽ ca thán hoặc giận dữ của các quốc gia khác. Chẳng hạn như hồi tháng 2, quan chức cấp cao đại diện cho một đồng minh của Mỹ đã chỉ trích ông Nelson trong cuộc họp song phương vì cho rằng chính quyền ông Biden không quyết liệt giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza.
Nhưng bất chấp lời lẽ gay gắt của đối phương, ông Nelson vẫn giữ được bình tĩnh để chỉ ra những gì chính quyền ông Biden đã làm để hỗ trợ công tác viện trợ cho Gaza.
Những người đồng nghiệp cũ cho biết cách phản ứng ấy mang đậm phong thái làm việc của ông Nelson. "Tôi thấy ông ấy có thể trở thành nhà ngoại giao tại một thời điểm nào đó, có thể là một đại sứ", Ben Harris, một cựu quan chức Bộ Tài chính, nói. "Ông ấy có tính cách của điềm đạm, chu đáo và không đặc biệt nóng vội".
Tiết lộ về tổng thống Mỹ
Mục Thế giới xin giới thiệu tủ sách về tổng thống Mỹ, cung cấp cho độc giả thông tin về các đời tổng thống Mỹ cùng những người thân của họ, qua đó cho phép chúng ta có cái nhìn sâu sắc hơn không chỉ vào cuộc đời của những nhà lãnh đạo xứ cờ hoa mà còn là vào nền chính trị Mỹ.