Tác giả của hai cuốn sách - Tony Wagner - hiện là nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Chính sách Giáo dục của Phòng thí nghiệm đổi mới sáng tạo thuộc Đại học Harvard, Mỹ. Ông lấy bằng thạc sĩ và tiến sĩ Giáo dục học tại Đại học Harvard.
Tony từng có 12 năm giảng dạy trong vai trò giáo viên trung học, sau đó làm việc tại đại học chuyên ngành sư phạm và là người sáng lập tổ chức “Các nhà giáo dục vì trách nhiệm xã hội”.
Ông cũng là tác giả của nhiều tựa sách hay về giáo dục. Trong đó, Làm thế nào để thay đổi trường học? và Bài học giáo dục từ nước Mỹ là hai tác phẩm nổi bật, vừa được phát hành tại Việt Nam.
Hai cuốn sách này là nguồn tham khảo dành cho những người quan tâm đổi mới trường học, đổi mới việc dạy và học.
Đồng thời, sách cũng hướng các nhà quản lý giáo dục, lãnh đạo nhà trường, các giáo viên tới khái niệm và phương thức xây dựng “trường học tốt”, nhằm thay đổi hiện trạng của nền giáo dục Việt Nam vốn gặp nhiều vấn đề, tương tự cách nước Mỹ bước qua cuộc khủng hoảng giáo dục phổ thông ba thập niên trước.
Sách Làm thế nào để thay đổi trường học. Ảnh: P. P. |
Trường học tốt là nơi giáo viên thấu hiểu học sinh
Mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh là yếu tố cốt lõi của mọi trường học. Vì vậy, để có một trường học tốt trước tiên phải xây dựng được mối quan hệ giáo viên - học sinh bình đẳng, hài hòa. Ở đó, giáo viên thấu hiểu học sinh trong khi học sinh được lên tiếng về nhu cầu học tập của bản thân, về cách giảng dạy của giáo viên hay cách lớp học vận hành.
Tuy nhiên, trường học hiện đại ngày càng mở rộng về quy mô, số lượng. Sĩ số lớp học quá lớn khiến giáo viên và học sinh không có sự kết nối đủ sâu sắc dẫn đến thiếu sự đồng cảm.
Và khi không có cơ hội để lắng nghe ý kiến hay đối thoại trực tiếp với tất cả học sinh, giáo viên không thể hiểu cảm xúc, năng lực, trình độ của từng em để cung cấp sự hỗ trợ cần thiết.
Những câu chuyện thương tâm như học sinh tấn công thầy giáo ngoài cổng trường hay giáo viên trừng phạt trẻ bằng đánh đập, xúc phạm danh dự đều bắt nguồn từ sự xa cách thầy trò.
Trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng nhiều mô hình trường học tại Mỹ và trên thế giới, Tony Wagner đưa ra giải pháp khắc phục tình trạng kể trên, đó là thiết lập trường học quy mô nhỏ. Theo đó, giáo viên được chia thành các nhóm với nguồn lực trang thiết bị, ngân sách tương ứng và chỉ phụ trách một nhóm nhỏ học sinh.
Nhờ đó, thầy cô có thể dần hiểu được điểm mạnh, yếu trong học tập hay các nhu cầu cá nhân của từng học sinh một cách sâu sắc, đưa ra sự hỗ trợ, động viên phù hợp.
Theo Tony Wagner, trường học tốt không chỉ khuyến khích sự quan tâm và thấu cảm, không chỉ tạo ra các thử thách về mặt trí tuệ phù hợp để thúc đẩy học sinh phát triển. Đó còn là nơi học sinh được khuyến khích thể hiện “tiếng nói” của riêng mình trong từng công việc cũng như sản phẩm giáo dục.
“Tiếng nói” ở đây đồng nghĩa bản sắc, cá tính cá nhân, là cách người học chủ động tham gia cùng người dạy tạo nên bài học.
Tại một trường trung học Mỹ điển hình cho tinh thần đổi mới, trong mọi cuộc thảo luận, học sinh được động viên trình bày, bảo vệ quan điểm và cách diễn giải của riêng mình, dựa trên chứng cứ và logic.
Bên cạnh đó, giáo viên trung học ở Mỹ còn thường xuyên tổ chức các buổi họp, trong đó học sinh thảo luận các vấn đề kinh tế xã hội đương đại, bày tỏ mối quan ngại và lên tiếng ủng hộ những thay đổi trong trường học.
Ở đó, thầy cô sẽ lắng nghe và phản hồi mà không tỏ ra rằng mình là bề trên. Và theo Tony Wagner, chỉ khi giáo viên thúc đẩy và trân trọng “tiếng nói” của học sinh, việc học tập mới thực sự diễn ra.
Ba cuốn sách của Tony Wagner. Ảnh: P. P. |
Giáo viên cùng phụ huynh giải quyết các vấn đề
Phụ huynh học sinh thế kỷ 21 kỳ vọng nhiều hơn với con cái, vì thế cũng đòi hỏi lớn hơn đối với trường học. Tại Việt Nam, phụ huynh có xu hướng “ủy quyền” mà với nhiều trường hợp là phó mặc nhiệm vụ giáo dục con cái cho nhà trường.
Điều này dẫn đến tình trạng đổ lỗi lẫn nhau khi biến cố xảy ra với học sinh. Mối quan hệ giữa giáo viên và phụ huynh không tốt đẹp, việc học tập của học sinh bị ảnh hưởng tiêu cực là điều tất yếu.
Một thực tế đáng lưu ý, các hội phụ huynh học sinh thường là nơi thảo luận vấn đề của người lớn, tranh luận về các khoản đóng góp hay quy trách nhiệm, ít khi dành thời gian để suy ngẫm về con trẻ.
Ngoài hội phụ huynh học sinh, các bậc cha mẹ không có nhiều cơ hội tham gia đối thoại với nhà trường về chuyện giáo dục. Không có sự thấu hiểu, chia sẻ giữa phụ huynh và giáo viên về những vấn đề của học sinh, sẽ dẫn đến thái độ hoài nghi trường học hoặc đùn đẩy trách nhiệm. Điều này khiến các vấn đề giáo dục thêm trầm trọng.
Theo tác giả Tony Wagner, để tạo dựng sự đồng thuận giáo viên - phụ huynh, các trường học Mỹ lập ra vị trí tư vấn viên được tuyển chọn từ chính các thầy cô giáo trong trường. Tư vấn viên đóng vai trò là đầu mối liên lạc chủ yếu giữa phụ huynh hoặc người giám hộ của học sinh với nhà trường.
Ban giám hiệu tổ chức các cuộc hội thảo giữa phụ huynh, tư vấn viên và giáo viên, kéo dài ít nhất 30 phút, diễn ra 3 lần mỗi năm. Hội thảo này thảo luận các vấn đề liên quan học tập của học sinh: Những gì đã làm được, những gì thú vị nhất, những gì cần được cải thiện, và làm cách nào để phụ huynh cùng chung tay với giáo viên cải thiện chất lượng giáo dục trường học.
Để thay đổi trường học, cần có sự thay đổi tích cực trong mối quan hệ giữa giáo viên - học sinh, giáo viên - phụ huynh và linh hồn của nỗ lực thay đổi đó nằm ở mỗi giáo viên bình thường nhất.
Và như Tony Wagner đã khái lược trong hai cuốn sách của mình, trường học chỉ thay đổi khi giáo viên sẵn sàng tham gia kiến tạo một môi trường phù hợp tất cả học sinh và điều làm nên hình tượng người giáo viên không gì khác ngoài trách nhiệm dẫn dắt sự thay đổi.