Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thế nào là nông nghiệp sạch?

Cuốn sách của TS Nguyễn Thị Ngọc Trúc tập hợp kết quả nghiên cứu khoa học của chính tác giả cùng nhóm nghiên cứu trong gần 15 năm về vi sinh vật trong việc canh tác cây ăn quả.

Từ thế kỷ thứ 18, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học đã giúp năng suất lúa gạo, rau củ quả tăng lên. Điều này đóng vai trò quan trọng, góp phần nâng cao đời sống người nông dân.

Thế nhưng theo thời gian, con người dần nhận thấy việc sản xuất phân đạm, chất hóa học, thuốc trừ sâu đã để lại nhiều hậu quả ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Trước thực trạng đó, những nghiên cứu theo hướng sinh học nhằm thay thế các giải pháp hóa học đã ra đời, được biết đến với tên gọi "nông nghiệp sạch", nhận được sự quan tâm và ủng hộ của nhiều người.

Hiểu đơn giản thì khái niệm "nông nghiệp sạch" là hệ thống sản xuất nông nghiệp giảm thiểu sử dụng các loại phân bón hóa học và thuốc trừ sâu tổng hợp, nhằm ngăn chặn tối đa sự ô nhiễm không khí, đất và nước.

Nằm trong số những nghiên cứu hướng đến mục tiêu đó, cuốn sách Ứng dụng vi sinh vật vào canh tác cây ăn quả của TS Nguyễn Thị Ngọc Trúc đi sâu phân tích những loại vi sinh vật có thể ứng dụng vào việc trồng trọt cây ăn quả của người nông dân, đặc biệt là ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

vi sinh vat anh 1

Cuốn sách Ứng dụng vi sinh vật vào canh tác cây ăn quả. Ảnh: Thu Huệ.

Tăng năng suất cây trồng

Chia sẻ với Zing, TS Ngọc Trúc cho biết khi thực hiện cuốn sách này, bà mong muốn lan tỏa kiến thức về nông nghiệp sạch tới bà con nông dân, vừa để giảm thiểu tác hại do các chất hóa học gây nên, vừa giúp tăng năng suất cây trồng cho người dân.

“Trong cuốn sách này, chúng tôi tập hợp kết quả nghiên cứu khoa học của tôi với nhóm nghiên cứu gần 15 năm qua, tập trung vào việc phân lập, định danh, nghiên cứu ứng dụng những dòng vi khuẩn vùng rễ cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng hay những dòng vi nấm, vi khuẩn vùng rễ có khả năng đối kháng bệnh hại trên cây trồng hay trên rau, quả giai đoạn sau thu hoạch, trên đường xuất khẩu đi nước ngoài đem ngoại tệ lại cho Việt Nam”, tác giả chia sẻ.

Trong hơn 20 năm nghiên cứu trong nghề, TS Nguyễn Thị Ngọc Trúc (nghiên cứu viên của Viện Cây ăn quả miền Nam, Viện Nông nghiệp Việt Nam) với kinh nghiệm và những gì học hỏi được sau quá trình du học thạc sĩ và tiến sĩ vi sinh vật ở Ấn Độ cùng nhiều quốc gia khác trên thế giới, đã có nhiều đề tài nghiên cứu về vi sinh, môi trường, đặc biệt là các loài vi sinh có khả năng phân giải những tồn dư của thuốc bảo vệ thực vật trong đất.

Bà cũng nhận thấy hiện nay những nguồn tài liệu về đề tài ứng dụng vi sinh vật vào cây trồng chủ yếu được viết bằng tiếng Anh, trong khi đó, người làm nông nghiệp lại ít thành thạo ngoại ngữ nên sẽ gặp hạn chế trong việc tiếp cận thông tin.

“Điều này cũng là một trong những lý do thôi thúc tôi viết sách. Cuốn sách này chính là thành quả tôi nghiên cứu nhiều năm nay cùng kiến thức, tư liệu của các nhà khoa học trên thế giới mà tôi mong muốn tôi cập nhật cho người Việt”, TS Ngọc Trúc nói.

vi sinh vat anh 2

Cuốn sách cũng cung cấp phương pháp ứng dụng vi khuẩn vào canh tác cây chôm chôm. Ảnh: Phanbonhalan.

Ứng dụng vi sinh vật với từng loại cây trồng

Với 14 chương, công trình nghiên cứu này cung cấp cho bạn đọc kiến thức, hiểu biết về các loài vi sinh vật cố định đạm, hòa tan lân, tổng hợp, phân giải Cellulose, hay vi sinh vật đối kháng.

Theo tác giả, phân bón vi sinh là yếu tố quan trọng trong việc cải thiện độ phì nhiêu của đất. Dựa trên kiến thức đó, bà cho rằng vi sinh vật có tầm quan trọng nhất định trong nông nghiệp hữu cơ.

Sách cũng chỉ ra phương pháp ứng dụng chế phẩm vi sinh trên đất trồng cam sành tỉnh Tiền Giang và Bến Tre; hay ứng dụng vi khuẩn vào canh tác thanh long, chôm chôm và sầu riêng.

Chương cuối cùng của sách còn nêu lên ứng dụng của vi sinh vật vào canh tác rau màu (mồng tơi, cà chua, rau muống, dưa leo, khổ qua) đối với cả nhiệt độ trong nhà lưới và ngoài đồng.

Ấp ủ thực hiện cuốn sách này từ năm 2008 đến 2021, TS Trúc cũng mong muốn với công trình nghiên cứu của mình, sinh viên ngành nông nghiệp nói chung và nghiên cứu vi sinh vật nói riêng có được nguồn tài liệu tiếng Việt phục vụ việc học.

“Việt Nam là một đất nước nông nghiệp, có rất nhiều sản phẩm phụ trong môi trường mà chúng ta chưa sử dụng triệt để như rơm rạ, cỏ rác, tro, trấu hay lục bình trôi trên sông; người dân chưa nắm hết phương pháp để biến chúng thành phân bón. Vậy nên thông qua cuốn sách này, tôi mong mỗi người sẽ đọc để tăng thêm một chút kiến thức nhằm sử dụng phân bón vi sinh, giúp nền nông nghiệp phát triển bền vững”, tác giả nói thêm.

Con trâu qua bộ sưu tập tranh dân gian của người Pháp

Trong bộ sưu tập tranh dân gian do Maurice Durand sưu tầm từ năm 1940 ở Hà Nội, chúng ta bắt gặp hình ảnh con trâu gắn liền sinh hoạt nông nghiệp của người nông dân.

Vườn cây bền vững mùa dịch

Việc trồng cây, làm vườn tại nhà trở thành một trong những xu hướng tích cực trong mùa dịch Covid-19. “Mảng xanh” trong nhà giúp cuộc sống vui khỏe, môi trường lành mạnh hơn.

Thu Huệ

Bạn có thể quan tâm