Tết miền Tây. Nguồn: wiki-travel |
Người dân quê ở miền Tây Nam bộ thường có thói quen tận dụng triệt để những thứ thiên nhiên ban tặng để phục vụ cho đời sống của con người.
Dù sao, những thứ đó cũng là chuyện chim trời cá nước. Bắt được nhiều thì ăn nhiều, hái lượm được ít thì ăn ít. Vì thế, sau khi ruộng đất đã được khai phá, con người chủ động hơn trong việc trồng tỉa và chăn nuôi.
Tết là thời gian cố định, vì thế để có cái Tết sum vầy, sung túc, người ta phải canh chừng thời gian để trồng một số loài cây, nuôi một số loại con quen thuộc nhằm cung cấp thực phẩm cho ngày Tết.
Tết của người Việt ở miền Tây thường không thể thiếu dưa cải, dưa hành, dưa kiệu, và cặp dưa hấu trưng Tết. Để có những món ăn này, người ta phải tính đến thời gian trồng và thu hoạch sao cho phù hợp nhất.
Kiệu là loại cây dễ trồng, từ lúc trồng cho đến lúc nhổ kiệu khoảng ba đến bốn tháng. Vì vậy, ngay từ những ngày đầu tháng tám âm lịch khi mà Tết Trung thu chưa tới, người ta đã chuẩn bị đất để trồng kiệu.
Đất tơi xốp lên luống sẵn, người trồng kiệu lựa những củ giống tốt, tét ra nếu củ kiệu có nhiều tép, dùng ngón tay trỏ hoặc một đoạn cây, tre, chọc lỗ rồi đặt kiệu giống.
Sau đó, không lấp đất vào lỗ mà chỉ rải một lớp đất mỏng trên mặt luống rồi dùng rơm rạ phủ kín và tưới nước đủ ấm. Tết sắp đến cũng là lúc người ta nhổ kiệu đem về.
Sách Ăn Tết chơi Tết miền Tây. Ảnh: Q.M. |
Cải bẹ dùng để làm dưa, từ khi gieo hột cho đến nhổ, cắt chỉ trong vòng hai tháng. Như vậy, khoảng cuối tháng chín âm lịch, người ta bắt đầu chuẩn bị khoảnh đất trong vườn nhà, cuốc, xới lên rồi dùng phân rơm, phân chuồng đã ủ hoai để xuống hột.
Tương tự thời gian trồng cải làm dưa, người dân quê nhất là miệt Vĩnh Châu, Sóc Trăng còn trồng nhiều hành tím. Đây là loại cây cho củ màu tím sậm, đáy tròn. Sau khi làm đất, bón phân, người ta cho những củ hành giống xuống rồi phủ một lớp rơm mỏng lên để giữ ẩm.
Chịu khó tưới nước, vô gốc, canh chừng bắt sâu, không bao lâu có sẽ kiệu, cải, củ hành vừa để ăn Tết vừa có thể đem tặng bà con cô bác, anh em bè bạn trong xóm làng.
Tương tự những loại cây trồng, người nhà quê còn chủ động nuôi heo, nuôi gà, vịt để Tết có thêm những món ngon. Gần như nhà nào cũng nuôi một, hai con heo để cho chúng ăn cơm thừa canh cặn.
Heo nuôi không cần làm chuồng trại, cứ thả lang cho chúng mặc sức ủi phá. Giống heo Ba Xuyên, heo cỏ... thường được dân gian lựa chọn nhiều hơn. Heo nuôi như thế có thể cả nửa năm mới làm thịt... ăn Tết.
Gà thả vườn vừa dùng để nấu cháo xé phay lai rai với bạn bè, anh em vừa là vật cúng mùng Ba. Vì thế, chừng tháng chín, tháng mười, người ta luôn chú ý ấp những ổ gà để dành cho mấy ngày đầu năm mới.
Vịt là con vật nuôi quen thuộc. Hơn thế, tháng mười một, tháng chạp khi lúa ngoài đồng được cắt, gặt, để tận dụng lúa đổ, dân gian nuôi vịt “chạy đồng”.
Trên những cánh đồng mênh mông vừa thu hoạch, những bầy vịt tha hồ tràn vào ăn lúa mót, cua, ốc, dế, tép, sâu bọ... Có lẽ lượng mồi dồi dào như vậy nên vịt lớn nhanh, mập tròn.
Đây chính là nguồn thực phẩm ngon lành cho chủ nhà đãi bà con, anh em những ngày năm hết, xuân mới đến.
Ngoài ra, tùy theo hoàn cảnh của mỗi người, mỗi nhà mà cây trồng và vật nuôi có thể rất đa dạng, nhưng tất cả đều có điểm chung: Sự chuẩn bị chu đáo sao cho có được cái Tết sung túc nhất.
Mới hay, để ăn ba ngày Tết, phải lo, tính biết bao nhiêu chuyện! Điều đó, lại ít người biết, ít ai để ý, bởi nó diễn ra cả một... quá trình chớ không phải ngày một, ngày hai mà có được vậy!