Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thế lưỡng nan của TQ với Mỹ: Nhượng bộ mà không yếu đuối

Sau cuộc họp ở Argentina, Trung Quốc đang lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan: Làm thế nào để nhượng bộ với Mỹ mà không tỏ ra yếu đuối trong mắt người dân cũng như cộng đồng quốc tế.

Khi các nhà lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cùng ngồi xuống bàn ăn tối ở Buenos Aires ngày 1/12 với hy vọng đạt được thỏa thuận đình chiến cho cuộc chiến thương mại, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã mở đầu bằng màn độc thoại kéo dài 30 phút, theo lời kể của các quan chức Mỹ có mặt ngày hôm đó với South China Morning Post. 

Tuy nhiên, vài ngày sau cuộc gặp, cộng đồng quốc tế, đặc biệt là người dân Trung Quốc, vẫn không biết gì nhiều về nội dung bài phát biểu của ông Tập, rằng liệu ông có giúp làm giảm leo thang cuộc chiến thuế quan giữa Bắc Kinh và Washington hay không. Cũng trong chính những ngày này, Trung Quốc rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan: Cần phải nhượng bộ nhưng không được tỏ ra yếu đuối trong mắt thế giới. 

Trung Quoc tien thoai luong nan voi My anh 1
Tại Buenos Aires, Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận đình chiến trong thời gian 90 ngày cho cuộc chiến thương mại. Ảnh: Reuters.

Thế khó của Trung Quốc

Trong khi Nhà Trắng ngay lập tức công bố danh sách các điều khoản nhượng bộ của Bắc Kinh, thì tới tận ngày 5/12, Trung Quốc mới thừa nhận đã đạt được thỏa thuận đình chiến kéo dài 90 ngày cho cuộc chiến tranh thương mại.

Tại thời điểm đó, nhóm đàm phán thương mại Trung Quốc vừa quay trở về từ thủ đô Argentina; chỉ số chứng khoán Dow Jones của 30 loại cổ phiếu phổ biến nhất thế giới đã tuột dốc vì bị bán tháo ồ ạt, mất 3,1% giá trị trước những bất an về kết quả của cuộc đàm phán song phương tại Buenos Aires. 

Nhà Trắng cho biết Trung Quốc sẽ mua các sản phẩm nông nghiệp, năng lượng, công nghiệp và các sản phẩm khác từ Mỹ với số lượng lớn, đồng thời sẵn sàng đàm phán về vấn đề chuyển giao công nghệ của Mỹ và trộm cắp tài sản trí tuệ. Đến tận bốn ngày sau đó, với giọng điệu giảm nhẹ hơn nhiều mức độ nhượng bộ, Bắc Kinh cuối cùng cũng xác nhận những nội dung này thực sự là trọng tâm của cuộc đàm phán giữa hai bên. 

Trong khi giới phân tích Trung Quốc và Mỹ hy vọng Bắc Kinh sẽ tiếp tục thận trọng trong việc tiết lộ tiến trình đàm phán, số đông lại cho rằng Trung Quốc cần khẳng định lại cam kết cải cách thị trường để phục vụ lợi ích của nước này. Tuy nhiên, đây không phải là việc dễ dàng khi Bắc Kinh đang đứng trước cơn gió ngược của chủ nghĩa dân tộc, vốn đã nổi lên từ những ngày đầu của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

South China Morning Post dẫn lời Wang Yong, giám đốc Trung tâm Kinh tế Chính trị Quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, cho rằng các cuộc đàm phán thương mại rất phức tạp và "cực kỳ nhạy cảm". "Sự nhượng bộ, nếu được diễn giải quá mức, có thể làm phát sinh những vấn đề chính trị trong nội bộ Trung Quốc và gây ra tranh cãi. Thời gian 3 tháng đàm phán khá ngắn, [vì vậy] không cần phải gây rắc rối không cần thiết trong dư luận", ông Wang nói.

Trung Quoc tien thoai luong nan voi My anh 2
Hình ảnh ông Tập và ông Trump tại cuộc họp ở Argentina xuất hiện trên trang nhất một tờ báo Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Ngày 3/12, Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh đã đăng tải tuyên bố của Nhà Trắng về cuộc họp tại Argentina trên WeChat, mạng xã hội phổ biến nhất ở Trung Quốc. Tuy nhiên phía an ninh mạng Trung Quốc đã can thiệp để ngăn chặn nội dung này được chia sẻ rộng rãi, theo South China Morning Post. 

Một nguồn thạo tin trong lĩnh vực truyền thông ở Bắc Kinh cho biết trên các mạng xã hội, tất cả bài viết liên quan đến thông cáo báo chí của Mỹ về thỏa thuận đình chiến đều được kiểm duyệt, ngoại trừ nội dung đăng trên website chính thức, tài khoản WeChat hoặc Weibo của Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc.

Những động thái này gợi nhớ lại vụ việc cựu thủ tướng Chu Dung Cơ bị phe diều hâu của Trung Quốc chỉ trích và coi là "kẻ phản bội" khi ông nỗ lực đàm phán giúp Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào cuối những năm 1990. David Zweig, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, nghi ngờ rằng Bắc Kinh "không muốn bất cứ ai biết về việc Trung Quốc đã nhượng bộ Mỹ những gì trong cuộc đàm phán mới đây". 

"Chu Dung Cơ đã không muốn người dân Trung Quốc biết ông đã nhượng bộ những gì vào năm 1999 để Trung Quốc gia nhập WTO, và sau đó, khi Mỹ công khai nội dung điều khoản nhượng bộ này trên website của Cơ quan Đại diện Thương mại (USTR), ông Chu đã bị cách chức", giáo sư Zweig nói với South China Morning Post. "Họ biết rằng sẽ phải nhượng bộ nhiều, nhưng không muốn mọi người biết được điều này, nhất là khi quá trình đàm phán vẫn chưa kết thúc", ông Zweig nói thêm.

Trung Quoc tien thoai luong nan voi My anh 3
Trung Quốc đang rất cẩn trọng trong các tuyên bố liên quan đến vấn đề nhượng bộ trong cuộc chiến thương mại với Mỹ. Ảnh: AFP

Sức ép từ nội bộ

Wu Qiang, nhà phân tích chính trị tại Đại học Thanh Hoa, cho rằng lập trường cứng rắn của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Washington đã đặt Bắc Kinh vào tình thế khó xử. Mặc dù giọng điệu của Trung Quốc về cuộc chiến thương mại đã trở nên mềm mỏng hơn trong hai tháng qua, nhiều phát biểu cứng rắn của Bắc Kinh và các kênh truyền thông nhà nước vẫn tiếp tục gây tiếng vang.

Vài tuần sau khi Washington áp đặt mức thuế trừng phạt đầu tiên đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào tháng 7, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng "một số người Mỹ" không nên chơi trò "Don Quixote ở thế kỷ 17". Thông điệp này mang nghĩa cảnh báo chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump cần chấm dứt những nỗ lực vô ích, giống như người anh hùng Don Quixote trong tiểu thuyết Tây Ban Nha những năm 1600.

Tuy nhiên, những tuyên bố này trái ngược hoàn toàn với chiến lược thực sự của Trung Quốc trong các cuộc đàm phán thương mại, mà như ông Wu miêu tả là "vụ kiện vì hòa bình", đã "trả giá cao để đổi lấy thỏa thuận đình chiến cuộc chiến thương mại". "Rất khó để lật ngược [một tình thế] như vậy", ông Wu nói.

Theo ông Wu, lập trường cứng rắn của Bắc Kinh cũng làm dấy lên sự phẫn nộ trong công chúng Trung Quốc. Những tháng gần đây, ngày càng có nhiều học giả, và thậm chí cả cựu quan chức, lên tiếng chống lại giải pháp của Bắc Kinh đối với cuộc chiến thương mại.

Trung Quoc tien thoai luong nan voi My anh 4
Ông Tập đang đối mặt với sức ép từ nội bộ Trung Quốc về vấn đề chính sách thương mại với Mỹ. Ảnh: Kyodo

Sheng Hong, nhà nghiên cứu tự do thuộc nhóm nghiên cứu kinh tế do Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đồng sáng lập, cho rằng đây là cuộc chiến thương mại giữa một bên là nhóm lợi ích quyền lực nhất Trung Quốc, bên còn lại là "Mỹ và người dân Trung Quốc". Nhóm lợi ích mà Sheng đề cập đến bao gồm các doanh nghiệp nhà nước do Bắc Kinh kiểm soát.

Long Yongtu, nhà đàm phán có vai trò quan trọng giúp Trung Quốc gia nhập WTO, cũng chỉ trích Bắc Kinh trong việc áp thuế trừng phạt lên sản phẩm đậu nành nhập khẩu từ Mỹ, vốn có mục đích nhắm vào các khu vực bầu cử ủng hộ ông Trump. Chính quyền Trung Quốc cũng lưu tâm đến những phản hồi này, từ đó thận trọng điều chỉnh giọng điệu các tuyên bố về điều khoản nhượng bộ với Mỹ.

Mỗi lần gửi đi thông điệp về vấn đề này, Bắc Kinh đều nhắc lại rằng đó không phải là nhượng bộ. Việc nhập khẩu thêm sản phẩm nông nghiệp và năng lượng của Mỹ là để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân trong nước. Cách tiếp cận thị trường và chính sách bảo vệ sở hữu trí tuệ thay đổi là vì lợi ích của các công ty Trung Quốc và Mỹ.

Trong khi đó, Bắc Kinh đã đồng ý giảm mức thuế từ 40% xuống còn 15% đối với ôtô do Mỹ sản xuất, đồng thời cũng lên kế hoạch thay thế "Made in China 2025", chiến lược hiện đại hóa công nghiệp mà Washington nhắm tới, theo Wall Street Journal. Trung Quốc hiện vẫn chưa xác nhận hai chi tiết này.

Cơ hội từ thách thức

Trong khi Bắc Kinh đang mải xoay vần với cách thức kể câu chuyện nhượng bộ của mình với thế giới và người dân trong nước, giới quan sát cho rằng Trung Quốc có thể nắm bắt cơ hội này để tiếp tục khích lệ cải cách thị trường cùng nhiều vấn đề quan trọng khác đối với phương Tây.

"Tuy phản hồi mang tính dân tộc chủ nghĩa cũng rất quan trọng đối với ông Tập Cận Bình, nhưng đó không phải là trọng tài cuối cùng cho các chính sách", Jude Blanchette, cố vấn cấp cao tại tập đoàn tư vấn và kinh doanh quốc tế Crumpton, nói với South China Morning Post. 

"Có rất nhiều cơ hội cho Bắc Kinh gửi đi tín hiệu tới thế giới, rằng nước này nghiêm túc trong việc cải cách nhưng không phải do sức ép từ yêu cầu quốc tế. Mục tiêu tự do hóa thị trường có thể được công bố như là một phần của gói tự lực kinh tế nội địa. Việc kỷ niệm 40 năm cải cách và mở cửa mang lại một cơ hội rất tình cờ để thực hiện điều này", ông Jude nói.

Trung Quoc tien thoai luong nan voi My anh 5
Cách đây 40 năm, Trung Quốc đã mở cửa thị trường với phương Tây, bắt đầu cho thời kỳ kinh tế phát triển bùng nổ. Ảnh: Chan Kiu

Ngày 18/12 tới, Bắc Kinh sẽ kỷ niệm 40 năm ngày Trung Quốc mở cửa với phương Tây, mở đầu cho thời kỳ tăng trưởng kinh tế bùng nổ từ tàn dư của cuộc Cách mạng Văn hóa thời Mao Trạch Đông. Tương tự như trước đây, lễ kỷ niệm sẽ bao gồm cuộc gặp mặt giữa các quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc và công bố một số nghị quyết. Vào năm 2008, trong lễ kỷ niệm 30 năm, cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã lặp lại cam kết của Bắc Kinh về cải cách thị trường trước 6.000 đại biểu đại diện cho giới tinh hoa trong lĩnh vực chính trị và kinh tế.

Lễ kỷ niệm năm nay sẽ trùng với hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương hàng năm của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tại hội nghị, hàng trăm quan chức từ trung ương và chính quyền địa phương sẽ thảo luận để cùng xây dựng chính sách cho các vấn đề kinh tế quan trọng nhất của quốc gia, từ tăng trưởng cho tới cải cách cấu trúc.

Tuy nhiên Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân, đồng thời là cố vấn cho Bắc Kinh, cho rằng bất kể việc đình chiến trong 90 ngày sẽ kết thúc như thế nào, Trung Quốc vẫn không thể chỉ dựa vào lời nói để thuyết phục cho ý định mở cửa thị trường với phương Tây.

"Dù có hay không có chiến tranh thương mại, Trung Quốc cần đào sâu và mở rộng việc cải cách của nước này... Trung Quốc đã nói rất nhiều trong quá khứ. Nước này cũng hoàn thành vài mục tiêu nhất định, trong khi đó lại bỏ dở một số mục tiêu khác. Và Mỹ giờ đang thực sự theo dõi hành động của Trung Quốc", giáo sư Shi nhận định. 

90s: Gặp Kim về, Trump châm ngòi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế nhập khẩu 25% với 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 6/7. Bắc Kinh lập tức đưa ra quyết định tương tự để trả đũa.

Thỏa thuận đình chiến Mỹ - Trung: Tạm tránh đổ vỡ, căng thẳng còn dài?

Các chuyên gia nhận định kết quả đạt được từ thỏa thuận đình chiến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không phải bước đột phá mà những khác biệt còn quá nhiều giữa hai bên.

4 khác biệt lớn đe dọa thỏa thuận 'đình chiến' giữa ông Trump - Tập

Kinh tế toàn cầu phản ứng tích cực sau cuộc gặp giữa lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc bên lề hội nghị G20, song hai bên sẽ phải vượt qua nhiều khác biệt để chấm dứt cuộc chiến thương mại.


Hương Ly

Bạn có thể quan tâm