Thỏa thuận đạt được giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina được ca ngợi như là bước tiến trong giải quyết căng thẳng giữa hai bên trong chiến tranh thương mại.
Tuy nhiên, ngôn ngữ mà chính quyền Trump sử dụng khi công bố về thỏa thuận này lại rất khác so với những gì chính phủ Trung Quốc đưa ra, đặc biệt là về việc Bắc Kinh hứa sẽ mua thêm hàng hóa Mỹ và khả năng loại bỏ các hàng rào thuế quan hiện tại.
Thậm chí quãng thời gian 90 ngày mà ông Trump đề cập cũng không hề xuất hiện trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ca ngợi kết quả cuộc gặp, nhưng theo các chuyên gia thì những gì diễn ra chỉ là một thỏa thuận đình chiến tạm thời cho cuộc chiến thương mại. Ảnh: AP. |
Bà Bonnie Glaser, chuyên gia về Trung Quốc ở Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận xét những khác biệt này cho thấy "có rất nhiều chỗ cho sự hiểu lầm" trong thỏa thuận giữa ông Trump và ông Tập.
Trả lời CNN, bà Glaser nhận định: "Tôi nghĩ có rất nhiều sự không chắc chắn về kết quả của những thỏa thuận này".
Thời hạn 90 ngày?
Trước khi cuộc gặp với ông Tập diễn ra, Tổng thống Trump cho biết ông sẽ tăng mức thuế từ 10% hiện tại lên 25% với lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 1/1/2019.
Mặc dù cuộc gặp có vẻ diễn ra tốt đẹp, không rõ liệu Bắc Kinh có nhận ra tối hậu thư của ông Trump không hề mất đi mà chỉ là "tạm hoãn".
Theo thông báo từ Nhà Trắng, ông Trump và ông Tập đã đồng ý "hai bên sẽ cố gắng hoàn tất đàm phán trong vòng 90 ngày tới" và "nếu giai đoạn này kết thúc mà hai bên không thể đi đến sự đồng thuận, mức thuế 10% sẽ được tăng lên thành 25%".
Song truyền thông Trung Quốc khi đưa tin về sự kiện này không hề nhắc đến một mốc thời gian nào, thay vào đó khiến người xem hiểu là sẽ không có thêm các biện pháp thuế quan nào khác từ Mỹ trong lúc đàm phán tiếp tục.
Thông báo mà Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra rất ngắn gọn: "Hai bên đồng ý sẽ không áp đặt thêm các hàng rào thuế quan mới".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phái đoàn Trung Quốc tại cuộc gặp. Ảnh: AP. |
"Đáng kể" là bao nhiêu?
Tính chất thực tế của thỏa thuận này cũng khác nhau nếu nhìn từ quan điểm của hai phía và thật khó để tìm ra một định lượng chung.
Theo thông báo từ phía Mỹ, điều kiện để không tiếp tục áp thuế bao gồm việc chính phủ Trung Quốc phải ngay lập tức mua một lượng không xác định nhưng "rất đáng kể" hàng hóa Mỹ.
Thông báo này cho biết Bắc Kinh sẽ mua "các sản phẩm nông nghiệp, năng lượng, công nghiệp và các sản phẩm khác từ Mỹ để giảm sự mất cân bằng thương mại giữa hai nước". Washington cũng tuyên bố chính phủ Trung Quốc đã "đồng ý sẽ mua các sản phẩm nông nghiệp của nông dân Mỹ ngay lập tức".
Tuy nhiên một lần nữa, ở phía bên kia Trung Quốc không hề đưa ra thông tin nào xác nhận điều này, Bắc Kinh chỉ khẳng định hai bên muốn đạt được "một thỏa thuận chắc chắn và có lợi cho cả hai phía".
Bà Glaser cho rằng việc lược bớt thông tin trên truyền thông Trung Quốc là điều dễ hiểu vì chính phủ nước này không muốn thông báo cho người dân trong nước về việc nhượng bộ trước những yêu cầu của Mỹ.
Thương vụ Qualcomm - NXP trở lại?
Nhà sản xuất chip khổng lồ của Mỹ là Qualcomm muốn có một vụ sáp nhập với công ty cùng lĩnh vực là NXP Semiconductors NV của Hà Lan. Cả hai đều nằm trong danh sách 10 nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới.
Một thỏa thuận sơ bộ trị giá 44 tỷ USD đã được Qualcomm đưa ra lần đầu tiên vào tháng 10/2016 nhằm thâu tóm NXP, nhưng để hoàn thành thương vụ, họ phải nhận được sự chấp thuận của 9 quốc gia và vùng lãnh thổ liên quan, trong đó có Liên minh châu Âu, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Trong bối cảnh những căng thẳng thương mại gia tăng với Mỹ từ đầu năm nay, các cơ quan quản lý Trung Quốc từ chối thông qua thỏa thuận này của Qualcomm khiến nhà sản xuất chip của Mỹ phải đền bù 2 tỷ USD tiền phá vỡ hợp đồng cho NXP.
Sau cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập tại Buenos Aires, Nhà Trắng cho biết kế hoạch này có thể được tiếp tục. Thông báo từ Washington có đoạn viết: "Chủ tịch Tập cho biết ông ấy sẵn sàng thông qua thương vụ Qualcomm-NXP trước đây chưa được phê duyệt".
Không có sự đề cập nào đến thỏa thuận này trên truyền thông nhà nước Trung Quốc. Trong khi đó Qualcomm cho biết họ không có ý định tiếp tục theo đuổi thương vụ.
Qualcomm cho biết họ không có ý định tiếp tục theo đuổi thương vụ sáp nhập NXP. Ảnh: Reuters. |
Mọi thứ còn rất xa?
Các thông tin được đưa ra trên truyền thông Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh kỳ vọng mọi thứ mới chỉ là bước đầu trong cuộc chiến thương mại với ông Trump.
Hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã cho biết cả hai nhà lãnh đạo "yêu cầu đội ngũ quản lý kinh tế mỗi bên đẩy nhanh quá trình đàm phán để gỡ bỏ các hàng rào thương mại và tiến tới đạt được một thỏa thuận có lợi cho đôi bên".
Ông Tập và các quan chức cấp dưới đang rất muốn Mỹ gỡ bỏ các biện pháp thuế quan với hàng hóa Trung Quốc, vì nhiều chuyên gia nhận định việc áp thuế của ông Trump đã phần nào đó ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và khiến cho các doanh nghiệp nước ngoài rút dần việc làm ăn khỏi nước này.
Bà Bonnie Glaser nhận xét: "Tôi nghĩ lãnh đạo Trung Quốc đang hy vọng các yếu tố chính trị và kinh tế sẽ hội tụ đủ để thuyết phục chính quyền Trump chấp nhận giảm các yêu cầu đến một mức nào đó mà Trung Quốc có thể đáp ứng".
Song liệu có hay không việc xóa bỏ hoàn toàn các rào cản thuế quan vẫn đang là một dấu hỏi lớn và điều này không hề được thảo luận ở Buenos Aires hay xuất hiện trong tuyên bố của Nhà Trắng.
Ông Trump nói cuộc gặp "hết sức thành công" và cho biết ông có "vinh dự lớn" khi được làm việc với ông Tập, nhưng tổng thống Mỹ khẳng định việc ngừng tăng thuế chỉ là tạm thời.