Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thế lưỡng nan của Iran sau khi bị Israel không kích

Nếu Iran không kích đáp trả Israel, xung đột tại Trung Đông có thể leo thang giữa lúc nền kinh tế Iran gặp khó khăn. Nếu không đáp trả, Tehran có thể bị xem là yếu đuối.

Hình ảnh được cho là cơ sở UAV của Iran sau khi bị Israel không kích Một đoạn video lan truyền trên mạng được cho là đám cháy xảy ra tại nhà máy sản xuất UAV tại Shams Abad, Arak, Iran sau khi bị Israel không kích hôm 26/10.

Sau khi hứng chịu đòn không kích của Israel sáng 26/10, các nhà lãnh đạo Iran phải đưa ra quyết định khó khăn.

Nếu có hành động trả đũa, Iran có thể phải đối mặt với tình trạng leo thang căng thẳng hơn trong khi nước này không ở trạng thái tốt nhất: Nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, các đồng minh suy yếu nghiêm trọng và cuộc đua vào ghế lãnh đạo tối cao kế nhiệm vẫn đang âm ỉ.

Nếu không làm gì, các đồng minh và đối thủ sẽ đánh giá thấp quyết tâm của Tehran. Giới chức Iran cũng sẽ phải đối mặt với chỉ trích của phe diều hâu.

“Liệu Iran sẽ chấp nhận vụ tấn công và dừng lại hay sẽ đáp trả mạnh mẽ hơn?”, ông Ali Vaez, giám đốc chương trình về Iran tại tổ chức nghiên cứu International Crisis Group, nói với New York Times.

Những nhân tố phức tạp

Ngay từ trước cuộc không kích, Iran đã bị cuốn vào cuộc chiến khu vực thông qua các đồng minh Hamas, Hezbollah, Houthi và các nhóm vũ trang khác tại Syria và Iraq.

Các nhóm vũ trang này được coi là hệ thống “phòng thủ từ xa” của Iran nhằm vào Israel - vốn được Iran coi là đối thủ chính cần răn đe. Khi các nhóm này suy yếu trong cuộc chiến với Israel, sức mạnh của Iran tại khu vực cũng bị suy yếu.

Giới chức Iran đã khẳng đỉnh rõ ràng rằng họ không muốn chiến tranh trực tiếp với Israel mà chỉ muốn duy trì các đồng minh để là “vành đai lửa” bao vây Israel.

Ngay sau vụ tấn công, Iran tìm cách hạ thấp sức ảnh hưởng của vụ việc. Truyền hình Iran vẫn chiếu các chương trình bình thường. Tehran không lập tức cam kết đáp trả nhưng tuyên bố bảo lưu quyền làm vậy.

Iran đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề về kinh tế - đủ để khiến nước này không muốn rơi vào một cuộc chiến tốn kém kéo dài với Israel. Trong nhiều năm qua, nền kinh tế Iran đã chịu ảnh hưởng tiêu cực từ các lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây liên quan tới chương trình hạt nhân.

Chính quyền Iran cũng vấp phải sự phản đối từ nội bộ do lạm phát và vấn đề chính trị. Đây cũng là nhân tố Iran cần tính đến do bên cạnh mục tiêu đối ngoại, Tehran cũng muốn duy trì sự ổn định trong nước.

Đây được coi là nhân tố giúp chính trị gia theo trường phái cải cách Masoud Pezeshkian có thể trở thành tổng thống sau khi người tiền nhiệm cứng rắn Ebrahim Raisi thiệt mạng đầu năm nay.

Ông Pezeshkian đang thúc đẩy mở các vòng đàm phán mới về chương trình hạt nhân để đổi lấy việc gỡ bỏ cấm vận - động thái dường như chỉ có thể được thực hiện sau khi lãnh đạo tối cao Ali Khamenei đã đồng ý.

Bản thân chương trình hạt nhân cũng là vấn đề lưỡng nan với Iran. Nước này được cho sắp có đủ lượng uranium để chế tạo bom. Nhiều ý kiến trong nội bộ Iran cho rằng Tehran cần có bom nguyên tử để răn đe Israel và Mỹ trong bối cảnh nhiều đồng minh khu vực đã suy yếu. Tuy vậy, Tehran cũng nhớ rõ rằng nhiều đời Tổng thống Mỹ đã cam kết không để điều này xảy ra.

Một yếu tố khác làm phức tạp thêm tính toán của Iran là cuộc đua âm ỉ cho vị trí người kế tục nhà lãnh đạo tối cao Ali Khamenei, người được cho đang ốm nặng. Sau khi cựu Tổng thống Raisi thiệt mạng, ông Mojtaba, con trai thứ hai của ông Khamenei, được cho là ứng viên tiềm năng nhất. Tuy vậy, không phải ai cũng hài lòng với lựa chọn này.

iran israel anh 1

Tên lửa của Iran tham gia một cuộc diễn tập tháng 12/2022. Ảnh: Quân đội Iran.

Lựa chọn của Iran

Kể cả khi muốn kiềm chế, Iran chưa chắc có thể làm vậy.

Cả Israel và Iran đều muốn đảm bảo năng lực răn đe - điều hai bên cho rằng có thể thể hiện qua các cuộc tấn công trả đũa lẫn nhau. “Nếu Israel tấn công, chúng tôi sẽ đáp trả tương xứng và cân nhắc kỹ lưỡng”, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi nói hồi tuần trước.

Dù được tính toán kỹ, các cuộc tấn công qua lại có thể dễ dàng leo thang nếu gây ra thương vong lớn cho dân thường - ví dụ, nếu một trường học hay bệnh viện vô tình trúng tên lửa.

Viết trên Foreign Policy đầu tuần này, hai nhà phân tích Daniel Kurtzer và Aaron David Miller nhận định các động thái đáp trả có thể thúc đẩy Israel mở rộng mục tiêu sang các cơ sở kinh tế. Iran cũng có thể đáp trả tương tự.

Ông Ali Vaez chỉ ra phản ứng vừa qua của Israel “mạnh mẽ hơn đáng kể” so với hồi tháng 4. Theo giới chức Israel, họ đã tấn công một số đơn vị phòng không và cơ sở sản xuất tên lửa tại ba tỉnh của Iran, cũng như tấn công một số mục tiêu khác tại Iraq và Syria. Dù vậy, họ đã bỏ qua một số cơ sở năng lượng và hạt nhân chủ chốt.

Iran cũng có thể nghe theo lời khuyên kiềm chế của Mỹ và Anh giữa lúc các cuộc đàm phán ngừng bắn tại Gaza và Lebanon vẫn đang tiến triển. Tuy nhiên, phản ứng của các lực lượng cứng rắn - như Lực lượng Vệ binh Cách mạng - sẽ là điều cần tính đến.

Mỹ và Israel cũng không muốn cuộc xung đột với Iran lan rộng, theo ông David Makovsky, chuyên gia tại Viện Washington về Chính sách Cận Đông (WINEP).

“Bạn không chấm dứt sự thù địch nhưng giữ nó trong tầm kiểm soát”, ông Makovsky nói. “Trong thế giới hôm nay, đây được coi là thành tựu”.

Bà Sanam Vakil, giám đốc chương trình Trung Đông tại Viện Chatham (Anh), nhận định cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới cũng là nhân tố Iran cần tính đến.

“Nếu Iran muốn tránh xung đột leo thang rộng trước cuộc bầu cử Mỹ khó đoán định này, họ cần chịu đựng và hành động chiến lược dài hạn hơn, tập trung vào các động thái gnoaij giao với khu vực”, bà Vakil nói. “Iran sẽ cố gắng đẩy trách nhiệm về Israel và biến điểm yếu về quân sự thành cơ hội về ngoại giao”.

Màn đánh chặn tên lửa Israel của lực lượng phòng không Iran Ngày 26/10, Israel đã bắn tên lửa vào các "mục tiêu quân sự" ở Tehran, tuy nhiên lực lượng phòng không Iran đã không bị bất ngờ và đánh chặn khá hiệu quả các mối đe dọa.

Vấn đề Trung Đông

Tri Thức - Znews giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này,...

Hà Thủy

Bạn có thể quan tâm