Tổng thống Bashar al-Assad gặp Tổng thống Vladimir Putin và Thủ tướng Dmitry Medvedev trong chuyến thăm Moscow hôm 20/10. Ảnh: AP |
Vào mùa đông năm 2012, khi xung đột ở Syria khiến hàng chục nghìn người chết, Tổng thống Nga Vladimir Putin tỏ ra không quan tâm tới Tổng thống Bashar al-Assad. Ông chủ Điện Kremlin từng bình luận rằng Assad coi trọng việc thuyết phục các nhà lãnh đạo ở một số thủ đô châu Âu hơn so với củng cố quan hệ với giới lãnh đạo Nga.
“Chúng tôi không bận tâm tới số phận của chế độ Assad”, Putin từng khẳng định như vậy.
3 năm sau, hai tổng thống đã gắn kết với nhau trong một liên minh. Sự hợp tác của họ chẳng những phản ánh ưu tiên cấp thiết trong việc cứu chính phủ trung ương đang lao đao ở Syria, mà còn để khôi phục vị thế của họ trên sân khấu chính trị quốc tế.
Quân đội Nga đang can thiệp bằng vũ lực vào chiến trường Syria để hỗ trợ chính phủ của Assad trong cuộc chiến chống hàng loạt lực lượng nổi dậy. Nhưng, ngay cả khi Assad bí mật bay tới Moscow vào tối 20/10 để đánh giá chiến sự tại Syria trong cuộc hội đàm với Putin, nhiều quan chức, nhà ngoại giao và nhà phân tích nhận định rằng mối quan hệ cá nhân lạnh lẽo giữa hai nhà lãnh đạo vẫn không thay đổi.
Trên mọi phương diện, hai ông vẫn tỏ ra xa cách và giữ kẽ với nhau. Dường như Điện Kremlin vẫn tỏ ra tức giận trước “sự ngạo mạn” của Assad, đặc biệt là việc ông phớt lờ một số nguyện vọng của Moscow như khởi động đàm phán hòa bình trong năm 2015 và thả những người bất đồng chính kiến.
“Nếu nhìn tổng thể thì sự lạnh nhạt giữa Putin và Assad không phải là vấn đề cá nhân. Ưu tiên cao nhất của Nga là cứu chính phủ trung ương ở Syria để tình trạng hỗn loạn ngừng lan rộng. Hỗn loạn là điều kiện lý tưởng để tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) phát triển. Với người Nga, Assad không phải là nhân vật có giá trị. Moscow chỉ muốn cứu chế độ của Assad để Syria không rơi vào tình trạng giống Libya hay Yemen”, Dmitri Trenin, giám đốc Trung tâm Carnegie ở Moscow, phát biểu.
Thái độ của Nga mang đến hy vọng cho những người muốn xung đột ở Syria kết thúc bằng những cuộc đàm phán và làm tăng khả năng Assad phải từ bỏ quyền lực – một kịch bản mà Putin từng ám chỉ rằng ông chấp nhận, ngay cả khi Moscow tiếp tục ủng hộ chính phủ Syria cả về ngoại giao và quân sự.
Mặc dù vậy, một số người vẫn tỏ ra hoài nghi.
“Việc Moscow không tỏ ra vui vẻ với Assad không đồng nghĩa với việc họ sẽ vạch kế hoạch để ông ấy rời chính trường”, một quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ nhận định.
Tổng thống Syria và tổng thống Nga tại Điện Kremlin. Ảnh: Reuters |
Chuyến công du Moscow của Assad cho thấy sự phụ thuộc khá lớn của ông đối với Nga và Iran. Sự hỗ trợ của hai nước đồng minh đang tạo ra thay đổi trên một số mặt trận ở Syria, song vẫn chưa thể đưa cuộc chiến tới hồi kết thúc.
Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Assad từ khi nội chiến bùng nổ vào năm 2011 và cũng là chuyến thăm Moscow đầu tiên của ông từ năm 2005. Thực tế đó cho thấy tình cảnh khó khăn của Tổng thống Syria và sự cô lập của cộng đồng quốc tế.
Nga – cũng như Liên Xô cũ – quan hệ khá thân thiết với chính phủ của Hafez al-Assad, cha của đương kim Tổng thống Syria trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Song mức độ khăng khít giữa hai nước giảm dần khi Nga vật lộn với hoàn cảnh khó khăn thời hậu Xô viết. Tình hình tiếp tục trở nên tệ hơn trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, khi Putin và Assad nắm quyền gần như đồng thời.
Cả Assad và Putin đều là những người kế nhiệm mà công chúng chưa từng nghĩ tới. Cố tổng thống Boris Yeltsin bất ngờ chọn Putin, còn Assad buộc phải kế vị cha sau khi Bassel, anh trai ông, chết vì tai nạn giao thông.
Mặc dù có điểm chung ấy, Assad và Putin vẫn có nhiều điểm khác biệt rõ rệt về thân phận và sự nghiệp nên hai ông khó có thể xây dựng quan hệ cá nhân thân mật, ngay cả khi chiến trường Syria đã khiến họ xích lại gần nhau, nhiều quan chức và nhà phân tích nhận định.
Assad, con trai của một tổng thống đầy quyền lực, từng là bác sĩ nhãn khoa và hành nghề tại London. Ông nắm quyền vào thời điểm Syria có thể trở thành một thế lực lớn ở Trung Đông. Ngược lại, Putin là cựu sĩ quan tình báo, lãnh đạo nước Nga khi nó đang suy yếu.
Trước cuộc gặp vào tối 20/10, Putin chưa từng tiếp xúc trực tiếp Assad từ năm 2005, khi Tổng thống Syria thăm Moscow. Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev, người giữ ghế tổng thống trong 4 năm, từng tới Damascus vào năm 2010.
Các quan chức và nhà phân tích cũng nói rằng hoạt động điều phối các vụ không kích của Nga ở Syria diễn ra giữa những cơ quan quân đội và tình báo của hai nước. Họ duy trì liên lạc trong suốt xung đột do những hợp đồng vũ khí và sự hiện diện của tàu chiến Nga ở cảng Tartus ven biển Địa Trung Hải.
“Nga và Syria đã trở thành một liên minh chiến đấu. Nhưng đây là liên minh mang tính trao đổi, chứ không dựa trên giá trị hay mang tính chiến lược”, Trenin bình luận.
Mục tiêu chủ yếu của Putin ở Syria, như ông từng tuyên bố trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tháng trước, là ngăn chặn hành động lật đổ một chính thể hợp pháp từ bên ngoài do Mỹ chỉ đạo.
Tuy nhiên, mục tiêu thứ hai của ông là tái khẳng định vị thế lớn của Nga ở Trung Đông nói riêng và trên thế giới nói chung, dùng hành động quân sự để làm giảm sự cô lập về ngoại giao đối với Putin sau những sự kiện ở Ukraine.
Một câu hỏi lớn mà dư luận đặt ra là: Liệu Putin có thể ép Assad chấp nhận từ bỏ quyền lực để chấm dứt xung đột ở Syria?
“Ảnh hưởng của Putin đối với Assad giống như ảnh hưởng của Tổng thống Mỹ Barack Obama đối với Thủ tướng Benjamin Netanyahu của Israel”, một nhà ngoại giao ở Syria từng nói như vậy với các đồng nghiệp nhiều tháng trước, ám chỉ mối quan hệ thất thường giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Israel.
Trên thực tế, Assad từng tỏ ra lưỡng lự trước những nỗ lực nhằm chấm dứt xung đột của Nga. Ông từng bác bỏ yêu cầu của Điện Kremlin nhiều lần.
Hồi tháng 1 và tháng 4, Nga từng nỗ lực đưa chính phủ Syria và một số tổ chức thuộc phe đối lập trong xung đột Syria tới bàn đàm phán ở Moscow. Bashar al-Jaafari, người đại diện của Assad, tỏ ra cứng nhắc trong các cuộc đàm phán, không chấp nhận những giải pháp xây dựng lòng tin mà Moscow đề xuất – như thả tù nhân chính trị để họ tham gia vào quá trình hòa giải dân tộc.
Thất bại của hai cuộc đàm phán ở Moscow cho thấy ảnh hưởng hạn chế của Nga nói chung và Putin nói riêng đối với Assad. Vào năm 2012, Abdelaziz al-Khayer, một người chống đối chế độ ở Syria, biến mất ngay sau khi rời Trung Quốc đề về nước. Trước đó, Khayer tới Moscow để dự các cuộc đàm phán mà Nga bảo trợ. Các nhà ngoại giao và nhiều nhân vật đối lập khẳng định lực lượng an ninh của Assad đã bắt Khayer.
Một nhà ngoại giao phương Tây tiếp cận một đồng nghiệp người Nga để hỏi liệu Moscow có thể gây sức ép để chính phủ Syria thả Khayer hay không. “Thế ngài không nghĩ chúng tôi đang gây sức ép với họ sao?”, nhà ngoại giao Nga đáp.
Năm ngoái, nhà chức trách Syria bắt Louay Hussein, một nhân vật chống chính phủ khác, ngay trước khi ông chuẩn bị dự vòng đàm phán Nga tổ chức tại Moscow. Ông phải sống trong tù nhiều tháng. Khi ra khỏi tù, Hussein tuyên bố ông sẽ không ở lại Syria để tìm cách thay đổi chế độ nữa. Ông nhận ra rằng Nga không có khả năng, còn Iran không muốn gây sức ép để Assad tham gia những cuộc đàm phán với thái độ tích cực.
“Ngay từ ngày đầu tiên họ bắt tôi, Đại sứ Nga ở Syria đã yêu cầu chính quyền thả tôi, song họ không đồng ý. Tôi tin rằng họ thả tôi do sức ép từ Iran”, ông nói.
Sau khi hai vòng đàm phán thất bại, Tổng thống Putin mời Ngoại trưởng Syria, ông Walid al-Moallem, tới Moscow vào cuối tháng 6. Giới truyền thông dùng từ “căng thẳng” để mô tả cuộc gặp giữa Moallem với các quan chức Nga. Có lẽ ngay từ thời điểm đó Putin đã tính tới việc can thiệp vào chiến trường Syria bằng vũ lực. Nước cờ của Điện Kremlin góp phần nâng cao vị thế của Putin, đồng thời làm suy yếu vị thế của Assad ngay tại Syria bằng cách làm nổi bật sự phụ thuộc của Assad vào Nga.