Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Thế khó của thủ tướng Đức trong việc gửi vũ khí hạng nặng cho Ukraine

Đức nói nguồn cung vũ khí từ kho dự trữ "đã đạt tới giới hạn". Việc viện trợ vũ khí hạng nặng cho Kyiv có thể khiến Berlin không đảm bảo khả năng phòng thủ của chính nước này.

vi sao duc khong gui vu khi hang nang cho ukraine anh 1

Ngày 27/2, 3 ngày sau khi nổ ra chiến sự ở Ukraine, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã có bài phát biểu trước quốc hội khiến ngay cả những đồng minh chính trị thân cận nhất cũng phải kinh ngạc. Gọi thời điểm này là “zeitenwende” (bước ngoặt), thủ tướng Đức đã vạch ra sự thay đổi chiến lược về chính sách an ninh, đối ngoại và năng lượng trong lịch sử nước cộng hòa liên bang.

Ông thông báo Đức gia tăng chi tiêu quốc phòng từ 1,5% lên 2% GDP. Bên cạnh đó, không chỉ dừng dự án Nord Stream 2 - đường ống trị giá 11 tỷ USD để vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Nga sang Đức, ông còn cho xây dựng hai kho khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) để giảm sự phụ thuộc vào năng lượng Nga.

Chiến lược mới của ông Scholz từng làm dấy lên hy vọng mới ở phương Tây. Tuy nhiên, Economist nhận định tám tuần sau cuộc chiến ở Ukraine, những hy vọng này đang dần bị tiêu tan từng chút một. Ông Scholz từ chối ủng hộ kêu gọi cấm vận với dầu khí của Nga. Mỗi ngày, Đức vẫn trả cho Nga hàng chục triệu euro tiền nhiên liệu hóa thạch, ngay cả khi cuộc chiến tiếp diễn.

Thủ tướng Scholz đối mặt với sự chỉ trích ngày càng gay gắt, từ cả trong lẫn ngoài nước, khi chính phủ ông không chuyển giao vũ khí hạng nặng cho Ukraine, ngay cả khi các đồng minh phương Tây đang đẩy nhanh các lô hàng.

Lợi ích kinh tế từ Nga

Từ trước khi xảy ra chiến sự, không giống các đồng minh phương Tây, Đức không cung cấp vũ khí cho Ukraine, thậm chí còn chặn các quốc gia khác gửi thiết bị quân sự có xuất xứ từ Đức, do chính sách từ lâu không xuất vũ khí tới vùng chiến sự.

Theo Reuters, chính sách này nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ công chúng vì lịch sử trong thế kỷ XX của Đức và xu hướng theo chủ nghĩa hòa bình, cùng với đó là cảm giác tội lỗi với Liên Xô từ Thế chiến II.

Thông báo của ông Scholz hôm 27/2 là sự đảo ngược so với chính sách đối ngoại lâu đời của Đức là “Wandel durch Handel” (Thay đổi thông qua thương mại).

Chính sách này xuất phát từ ý tưởng Nga sẽ tham gia hiệu quả nhất thông qua thương mại và hội nhập kinh tế. Trong khi nhiều ý kiến coi phụ thuộc vào Nga là rủi ro, các đời chính phủ Đức nghĩ rằng thiết lập quan hệ với cường quốc quan trọng trong khu vực là điều tốt. Giới chính trị Đức coi hòa bình ở châu Âu không thể thiết lập nếu không có Nga.

Dù một số người chỉ trích cách tiếp cận hiện tại của ông Scholz là “quá nhút nhát”, sự dè dặt này có thể bắt nguồn từ việc đảng Dân chủ xã hội (SPD) của thủ tướng từ lâu vốn ủng hộ phương Tây thân thiện với Nga.

Thái độ đó bắt nguồn từ "Ostpolitik", chính sách quan hệ với các nước láng giềng phía đông của Đức (bao gồm cả Nga), được đưa ra vào năm 1969 bởi cựu thủ tướng thuộc SPD Willy Brandt.

“Tôi không nghĩ một chính trị gia SPD lại làm điều gì đó chống lại ý muốn của đảng mình”, Economist dẫn lời Thomas Kleine-Brockhoff thuộc Quỹ Marshall của Mỹ nói. Theo ông Kleine-Brockhoff, đảng SPD thường thích hợp tác với Nga hơn là đối đầu.

Các chính trị gia khác bảo vệ những gì họ coi là lợi ích chung của Đức và Nga. Năm 2021, Tổng thống Frank-Walter Steinmeier đã lên tiếng bảo vệ Nord Stream 2, gọi đây là “một trong những cầu nối cuối cùng giữa Nga và châu Âu”.

vi sao duc khong gui vu khi hang nang cho ukraine anh 2

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đưa ra tuyên bố sau cuộc hội đàm với lãnh đạo châu Âu và Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 19/4. Ảnh: Reuters.

Nổi tiếng nhất có lẽ là cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schröder, người đã nhanh chóng giành được một ghế trong hội đồng quản trị của công ty năng lượng Nga Rosneft sau khi rời nhiệm sở. Ông sau đó đã hăng hái vận động cho các lợi ích của Nga. Chỉ vài tuần trước khi Nga tấn công Ukraine, ông Schröder được đề cử tham gia hội đồng quản trị của tập đoàn Gazprom đứng sau dự án Nord Stream 2.

Ngay cả cựu Thủ tướng Angela Merkel cũng đối thoại với Nga trong suốt 16 năm cầm quyền, nhấn mạnh ngay cả trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, nguồn cung cấp năng lượng từ Nga vẫn tiếp tục chảy đến Đức.

Theo giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Stanford Anna Grzymala-Busse, đối với tầng lớp tinh hoa Đức, việc xoa dịu Moscow phù hợp với lợi ích kinh tế của Berlin. Từ đó, việc nghĩ tới Ukraine mà không tính đến lợi ích của Nga trước tiên là điều gần như không thể.

Giáo sư Carlo Masala - chuyên gia quốc phòng và an ninh tại Đại học Bundeswehr Munich - cho biết ông Scholz đang đưa ra 2 thông điệp. Một mặt ông gửi tới Nga rằng Đức vẫn đang kìm hãm không viện trợ vũ khí hạng nặng, mặt khác cũng là để ra tín hiệu cho người dân và đảng SPD.

"Ông ấy cần tất cả những người không muốn giao vũ khí hạng nặng (ủng hộ tại quốc hội) vì họ nghĩ rằng điều này sẽ làm leo thang xung đột và Đức sẽ thành mục tiêu của Nga", ông nhận định.

Giới hạn của quân đội Đức

Cả ông Scholz và Bộ trưởng Quốc phòng Christine Lambrecht đều lập luận gửi vũ khí hạng nặng sẽ gây nguy hiểm cho khả năng thực hiện nhiệm vụ của quân đội nước này trong việc phòng thủ quốc gia và trong liên minh NATO. Ví dụ, điều này áp dụng cho xe chiến đấu bộ binh Marder hoặc lựu pháo tự hành hạng nặng 2000.

Ông Scholz cũng đề cập sự phức tạp trong việc huấn luyện quân đội Ukraine với hệ thống vũ khí của phương Tây, đồng thời duy trì và cung cấp phụ tùng thay thế trong vùng chiến sự. Do đó, thủ tướng cho rằng việc cung cấp cho Kyiv những vũ khí hạng nặng của Liên Xô vẫn đang được sử dụng hoặc lưu kho tại các nước đồng minh là hợp lý nhất.

"Để đảm bảo khả năng hoạt động của quân đội, chúng tôi cần hệ thống vũ khí", Phó tổng thanh tra Markus Laubenthal nói. Ông cho biết xe Marder là cần thiết cho các cam kết phòng thủ quốc gia và NATO.

Marder là hệ thống chiến đấu cần được đào tạo chuyên sâu. Mặc dù thời gian đào tạo có thể được rút ngắn, vẫn cần vài tuần để chuẩn bị trang thiết bị này, ông Laubenthal nói.

Bình luận của ông được đưa ra để đáp lại nhận xét của Đại sứ Ukraine tại Đức Andriy Melnyk.

"Tuyên bố không thể cung cấp thêm cho Ukraine là không thể hiểu được", ông Melnyk nói. Ông cho biết Đức có khoảng 400 Marder. Trong số đó, khoảng 100 chiếc được sử dụng để huấn luyện, do đó có thể được bàn giao cho Ukraine ngay lập tức, ông nói.

vi sao duc khong gui vu khi hang nang cho ukraine anh 3

Xe chiến đấu bộ binh bọc thép Marder của quân đội Đức. Ảnh: Reuters.

Các chuyên gia quân sự cho rằng chiến lược của Đức quá rụt rè.

Cựu tướng NATO Hans-Lothar Domröse bác bỏ những tuyên bố cần phải đào tạo chuyên sâu để sử dụng thành thạo Marder. "Những người biết sử dụng mẫu BMP-1 của Liên Xô có thể tự làm quen với Marder trong vòng chưa đầy một tuần", ông nói.

“Những vũ khí này có thể không dễ vận hành và quân đội Ukraine cần được huấn luyện, nhưng quá trình này cũng có thể được thực hiện một cách cấp tốc”, tướng Đức về hưu Egon Ramms đề cập đến xe tăng Leopard 1 và xe Marder.

Áp lực từ liên minh cầm quyền

Thủ tướng Scholz cho biết Berlin đang có kế hoạch gửi hơn một tỷ USD để giúp Ukraine mua thiết bị quân sự từ Đức. Ông liệt kê các loại vũ khí chống tăng, thiết bị phòng không và đạn dược làm ví dụ, nhưng không đề cập đến các loại xe tăng và máy bay Ukraine đang yêu cầu.

Tờ Bild đưa tin các công ty quốc phòng Đức ban đầu đề nghị cung cấp vũ khí hạng nặng như Marder, xe bọc thép Boxer, xe tăng Leopard 2 và pháo tự hành. Tuy nhiên, những mặt hàng đó đã bị gạch tên khỏi danh sách.

"Có một số vũ khí hạng nặng trong danh sách, nhưng chắc chắn không phải là xe tăng. Vì vậy, xe tăng dường như là lằn ranh đỏ đối với chính phủ Đức ngay bây giờ”, chuyên gia quốc phòng Masala nói.

Tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock cho biết "không có điều cấm kỵ nào đối với xe bọc thép và các loại vũ khí khác mà Ukraine cần", đề cập đến khả năng cung cấp xe Marder.

Một lựa chọn mà chính phủ Đức đang thực hiện là “đi đường vòng”, trao đổi với Slovenia. Đối tác NATO sẽ gửi một số xe tăng chiến đấu T-72 từ thời Liên Xô đến Ukraine. Để bù lại, Đức sẽ cung cấp xe Marder cho Slovenia.

Đảng Xanh và đảng Tự do - trong liên minh cầm quyền với đảng SPD của ông Scholz - muốn Đức làm nhiều hơn thế.

Anton Hofreiter, nghị sĩ đảng Xanh, khẳng định Đức “cuối cùng phải cung cấp những gì Ukraine cần, và đó là vũ khí hạng nặng”. Ông khẳng định ông Scholz "quá do dự".

Thụy Sĩ ngăn Đức chuyển giao đạn xe Marder cho Ukraine

Thụy Sĩ bác bỏ đề nghị của Đức về cung cấp đạn được sử dụng trong xe chiến đấu bộ binh cho Ukraine, bởi luật pháp nước này cấm chuyển giao khí tài quân sự vào vùng chiến sự.

20 quốc gia tham gia cuộc họp về quốc phòng Ukraine

Lầu Năm Góc hôm 22/4 cho biết Mỹ ước tính sẽ có hơn 20 quốc gia tham dự những cuộc họp xoay quanh lĩnh vực quốc phòng của Ukraine do Washington tổ chức ở Đức vào tuần tới.

Phương Linh

Bạn có thể quan tâm