Khi tin nhắn và các tương tác trên không gian mạng còn chưa xuất hiện thì việc kể một câu chuyện trên điện thoại là điều thú vị. Nhưng gọi điện để kể chuyện thường khó dông dài như khi ngồi kể với nhau hoặc kể trước khi đi ngủ.
Vì thế ông bố là một thương gia luôn bận bịu chỉ chọn kể những câu chuyện rất ngắn vào mỗi buổi tối khi gọi điện về nhà cho cô con gái nhỏ. Những câu chuyện của ông bố giúp cô con gái dễ ngủ hơn. Đó là thủ pháp để Gianni Rodari tạo ra những câu chuyện rất ngắn trong tập sách, dễ đọc nhưng giàu yêu thương và năng lượng sống.
Sách Chuyện kể trên điện thoại. |
Với 71 câu chuyện, có cái chỉ hơn trăm chữ, Gianni Rodari đã dẫn dắt người đọc khám phá những thế giới khác nhau. Ở đó luôn đầy bất ngờ và hấp dẫn đối với trẻ thơ. Một thành phố nọ trẻ con rất thích quấy phá. Chúng đập vỡ mọi thứ trong nhà, ngoài đường, và người lớn phải bàn cách cách ứng phó.
Ngài thị trưởng bắt nộp phạt bằng các mảnh vỡ nhưng chẳng để làm gì. Viên kế toán nảy ra ý tưởng dùng các mảnh vỡ để xây một lâu đài chỉ dùng cho trẻ con đập phá. Các chú nhóc nghịch ngợm vác búa đến phá chán chê cho đến mệt phờ và trở nên ngoan ngoãn. Thay vì cãi nhau với vợ, những thẩm phám, kiểm chứng viên, chức sắc trong thành phố cũng vác búa đến để trút giận…
Một bà lão có sở thích đặc biệt là đếm tiếng hắt hơi của mọi người. Sau một tiếng hắt hơi của ai đó, bà ta lại đánh dấu vào cuốn sổ. Sau khi bà chết, người đời phát hiện cuốn sổ chi chít những vạch ngang dọc và chuyền tay nhau mà bảo: Chắc hẳn đây là những việc tốt mà bà ấy làm được khi còn sống. Quả là trong cuộc sống, nhiều khi người ta vẫn có những lầm tưởng như thế.
Với trẻ thơ, những xứ sở thần kỳ luôn gợi tò mò. Trong các câu chuyện kể qua điện thoại của ông lão thương nhân không thiếu những xứ sở như thế. Có một chú bé bướng bỉnh tên là Giovannino Lang Bạt đã khám phá nhiều xứ sở như thế. Ở xứ sở gọi là “không có gì nhọn” chỉ có mái nhà hình cánh cung. Đến kiếm của cảnh vệ cũng không nhọn. Cậu bé hái hoa ven đường bị cảnh vệ bắt gặp. Anh cảnh vệ bắt cậu bé phải tát mình hai cái.
Theo quy định của xứ sở này, người vi phạm phải tát cảnh vệ để từ đó cảm thấy xấu hổ vì đánh người vô tội rồi không bao giờ phạm lỗi nữa. Còn ở xứ sở ngược đời, các khẩu đại bác và kèn xung trận lại dùng để ngăn chiến tranh. Chỉ cần thổi cái kèn ngược đời và sử dụng khẩu đại bác ngược đời, chiến tranh sẽ kết thúc.
Những khiếm khuyết và cái chưa hoàn thiện trong nhân cách trẻ em cũng được kể một cách yêu thương và vị tha. Giovanni là chú bé đãng trí. Cậu xin mẹ đi chơi và đánh rơi nhiều bộ phận cơ thể của mình trên đường. Cuối ngày, cậu hớn hở trở về và thiếu một bên chân. Cánh tay và cái mũi cũng đã rơi mất. May mắn là những người tốt bụng đã nhặt đem về để mẹ cậu lắp chúng trở lại. Giovanni còn được mẹ khen ngoan.
Còn cô bé Alice thì có thể ngã bất cứ nơi đâu. Có khi ông nội tìm thấy trong chiếc đồng hồ báo thức. Một lần khác, cả nhà tìm thấy Alice trong ngăn kéo nhà bếp. Mọi người đang vui mừng vây lấy cô thì Alice đã ngã và nằm gọn trong túi áo của bố…
Đến với người đọc Việt Nam từ năm 2014, Chuyện kể trên điện thoại của Gianni Rodari đã được tái bản nhiều lần. Ngắn, dí dỏm, sâu sắc và chất chứa ẩn dụ, tác phẩm tưởng như chỉ hướng đến người đọc nhỏ tuổi này lại ẩn chứa những vấn đề thời đại như chiến tranh và hòa bình, bất công và công bằng, di cư…
Là nhà giáo nên các câu chuyện của Rodari chứa đựng cả những vấn đề khá thời sự về giáo dục như nhắc nhở việc truyền thụ kiến thức một cách máy móc. Cách tốt nhất để nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ vẫn là tình thương và lòng vị tha.
Gianni Rodari (1920 - 1980) sinh ở Pemont miền Tây Bắc Italy. Trước khi đến với nghề văn, ông là nhà sư phạm nổi tiếng với những khóa học qua hội thảo, sóng truyền hình, múa rối… Ông từng được trao giải Hans Christian Andersen, giải thưởng dành riêng cho mảng văn chương thiếu nhi.
Sách của ông xuất bản tại Việt Nam chủ yếu là những truyện dành cho lứa tuổi thiếu nhi như Cuộc phiêu lưu của chú Hành, Cuộc phiêu lưu của Mũi Tên Xanh, Giữa trời chiếc bánh gatô, Gelsomino ở xứ sở nói dối, Hai mươi truyện thêm một...