Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thế giới tiền mã hóa sẽ ra sao trong năm 2022?

Các chuyên gia cảnh báo về "cú rơi" của Bitcoin trong những tháng tới. Vị thế thống trị của đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới cũng có thể bị đe dọa.

Bitcoin - đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới - đã có một năm thuận lợi. Giá Bitcoin tăng gần 70% kể từ năm 2021, đưa tổng giá trị vốn hóa của thị trường tiền mã hóa lên 2.000 tỷ USD.

Cũng trong năm 2021, Coinbase trở thành công ty tiền mã hóa lớn đầu tiên chào sàn, ngày càng nhiều ngân hàng Phố Wall như Goldman Sachs chấp nhận tiền mã hóa.

ETF (quỹ giao dịch hoán đổi) Bitcoin đầu tiên cũng chính thức ra mắt trên Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE).

Nhưng Bitcoin cũng đang đối mặt với nhiều sự giám sát hơn. Các chuyên gia cảnh báo thị trường có thể tiến tới một đợt suy thoái trong thời gian tới.

Tien ma hoa anh 1

Giá Bitcoin trồi sụt mạnh trong vòng một năm qua. Tuy nhiên, đồng tiền vẫn tăng giá gần 70% kể từ đầu năm đến nay. Ảnh: Reuters.

Cú rơi của Bitcoin

Theo một số chuyên gia, giá Bitcoin có thể giảm mạnh trong những tháng tới. Hồi tháng 11, Bitcoin đã thiết lập kỷ lục giá trên 68.000 USD/đồng. Nhưng ở thời điểm hiện tại, đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới được giao dịch ở ngưỡng sát 51.000 USD/đồng, giảm gần 30% so với mức đỉnh.

Giáo sư tài chính Carol Alexander tại Đại học Sussex thậm chí cảnh báo giá Bitcoin sẽ rơi xuống ngưỡng 10.000 USD/đồng vào năm 2022, tức xóa sạch toàn bộ mức tăng trong gần 2 năm qua.

"Nếu là một nhà đầu tư, tôi sẽ nghĩ đến việc bán Bitcoin. Vì giá có thể giảm vào năm sau", bà khẳng định. Bà Alexander cho rằng Bitcoin "không có giá trị cơ bản" và giống "món đồ chơi hơn một khoản đầu tư".

Hồi năm 2018, giá Bitcoin đã giảm xuống gần 3.000 USD/đồng sau khi leo lên mức cao 20.000 USD/đồng chỉ vài tháng trước đó.

Nhưng theo một số chuyên gia, đà tăng giá lần này của Bitcoin hoàn toàn khác và không phải một bong bóng. Nguyên nhân là ngày càng nhiều tổ chức đầu tư tham gia vào thị trường.

Bitcoin cũng được sử dụng như một "hàng rào chống lại rủi ro lạm phát". Đồng tiền sẽ hưởng lợi nhờ những gói kích thích kinh tế của các chính phủ trên toàn cầu.

Tien ma hoa anh 2

Giá Bitcoin sụt giảm gần 30% so với mức đỉnh. Ảnh: CoinMarketCap.

Giới đầu tư cũng dồn sự chú ý vào ETF Bitcoin giao ngay đầu tiên tại Mỹ. Năm nay, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) đã bật đèn xanh cho Proshares Bitcoin Strategy ETF ra mắt. Tuy nhiên, sản phẩm này chỉ theo dõi các hợp đồng tương lai Bitcoin.

Hợp đồng tương lai là các công cụ tài chính phái sinh, buộc nhà đầu tư phải mua hoặc bán tài sản vào một thời điểm trong tương lai với mức giá đã thỏa thuận. Do đó, theo các chuyên gia, ETF Bitcoin tương lai có thể quá rủi ro đối với các nhà giao dịch mới.

"Ngày càng nhiều bằng chứng chỉ ra rằng một ETF Bitcoin giao ngay sẽ được chấp thuận vào năm 2022. Bởi thị trường đã đủ trưởng thành để hỗ trợ nó", ông Vijay Ayyar - Phó chủ tịch tại sàn giao dịch tiền mã hóa Luno - bình luận.

Grayscale Investments cũng đang xin phép chuyển đổi quỹ tín thác Bitcoin - quỹ Bitcoin lớn nhất thế giới - thành một ETF giao ngay.

Quy định chặt chẽ hơn

Thị phần của Bitcoin đang giảm đi khi ngành công nghiệp tiền mã hóa tăng trưởng. Ngày càng nhiều nhà đầu tư tìm đến những loại tiền mã hóa nhỏ hơn với hy vọng thu được lợi nhuận lớn hơn.

Bà Alexander tại Đại học Sussex đã cho rằng Ether, Solana, Polkadot và Cardano là những đồng tiền cần được theo dõi chặt chẽ vào năm 2022.

"Các nhà đầu tư nhỏ lẻ bắt đầu nhận ra sự nguy hiểm của việc mua bán Bitcoin. Họ sẽ chuyển sang các đồng tiền khác, thuộc những blockchain thực sự đóng vai trò thiết yếu và cơ bản trong tài chính phi tập trung (DeFi)", bà lập luận.

"Tôi cho rằng vào thời điểm này năm sau, giá trị vốn hóa thị trường của Bitcoin chỉ bằng một nửa tổng vốn hóa của các đồng tiền hợp đồng thông minh như Ether, Solana, thậm chí ít hơn", bà Alexander dự báo.

Tôi cho rằng vào thời điểm này năm sau, giá trị vốn hóa thị trường của Bitcoin chỉ bằng một nửa tổng vốn hóa của các đồng tiền hợp đồng thông minh như Ether, Solana, thậm chí ít hơn

Giáo sư tài chính Carol Alexander tại Đại học Sussex

Năm nay, tổng số tiền gửi vào các dịch vụ DeFi lần đầu vượt mốc 200 tỷ USD. Các chuyên gia dự đoán nhu cầu sẽ tăng cao hơn nữa vào năm 2022.

Năm nay, các cơ quan quản lý đã tăng cường kiểm soát đối với tiền mã hóa. Trung Quốc cấm tất cả hoạt động liên đến tiền mã hóa. Giới chức Mỹ cũng siết chặt một số khía cạnh của thị trường.

Reuters đưa tin Ngân hàng Trung ương Nga muốn cấm đầu tư vào tiền mã hóa sau khi nhận thấy rủi ro bất ổn tài chính bởi khối lượng giao dịch tiền mã hóa ngày càng tăng.

Hiện, cơ quan này đang thảo luận với các nhà đầu tư và chuyên gia thị trường về lệnh cấm. Nếu được chấp thuận, quy định có thể áp dụng cho những giao dịch mua tài sản tiền mã hóa mới.

Mới đây, Ngân hàng Trung ương Anh cũng cảnh báo rằng giá Bitcoin có thể rơi xuống mức 0 về cả lý thuyết lẫn thực tế. Do đó, những người đầu tư vào đồng tiền này cần chuẩn bị sẵn sàng cho nguy cơ "mất trắng".

"Không nghi ngờ gì nữa, năm 2022 sẽ là một năm quan trọng trên mặt trận pháp lý", ông Ayyar tại Luno nhận định.

"Các chính phủ trên thế giới, nhất là Mỹ, sẽ đẩy mạnh việc áp dụng những quy định cho không gian tiền mã hóa", ông nhận định.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý cũng có thể tập trung vào stablecoin. Stablecoin là loại tiền mã hóa có tính ổn định giá, mô phỏng các đồng như USD hay EUR.

Theo báo cáo mới đây của cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch Ratings, những quy định rõ ràng, chặt chẽ đối với các stablecoin và công ty phát hành có thể tạo ra những cơ hội cho thị trường.

Trong khi đó, các cơ quan quản lý cũng đã bắt đầu xem xét kỹ lưỡng không gian DeFi. Đầu tháng này, nhóm đàm phán của ngân hàng trung ương Mỹ - Ngân hàng Thanh toán Quốc tế - đã kêu gọi một hệ thống quy định đối với DeFi.

Ngân hàng này lo ngại về những dịch vụ tự quảng bá là "phi tập trung", trong khi họ có thể không phải DeFi.

Lạm phát cản trở sự phục hồi của kinh tế toàn cầu năm 2021

Nền kinh tế thế giới bật dậy nhanh hơn dự báo của giới quan sát. Nhưng lạm phát tăng cao đã cản trở quá trình phục hồi của nhiều nền kinh tế lớn.

Giá Bitcoin trở lại đà tăng

Giá Bitcoin tăng nhanh trong vòng 2 ngày qua. Tuy nhiên, đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới vẫn chưa thể lấy lại mốc quan trọng 50.000 USD/đồng.

Thảo Phương

Bạn có thể quan tâm