Tiểu thuyết Bữa sáng của nhà vô địch. Ảnh: Quỳnh Anh. |
Kurt Vonnegut được xem là một trong những nhà văn đáng nể của thế kỷ XX. Giới phê bình ở xứ sở cờ hoa đã ví ông như “người mai mối” cho dòng văn học viễn tưởng và lối viết trào phúng. Các tiểu thuyết “hài hước đen” của Kurt Vonnegut đã thổi một luồng gió mới vào nền văn học Mỹ thập niên 1970, trong đó chắc chắn phải kể tới Bữa sáng của nhà vô địch.
Cuộc gặp gỡ của những kẻ cô độc
Được xuất bản tại Mỹ vào năm 1973, Bữa sáng của nhà vô địch là bước ngoặt trong sự nghiệp sáng tác của Kurt Vonnegut. Khi mới ra mắt, cuốn tiểu thuyết này không được các nhà phê bình đánh giá cao, nhiều người còn cho rằng nó có nội dung khá rời rạc, thiếu sự liên kết cần có của một tác phẩm văn học.
Vào năm 1969, Kurt Vonnegut đã gây tiếng vang trên văn đàn Mỹ với thành công của Lò sát sinh số 5. Nhưng xem ra cuốn tiểu thuyết này không cứu nổi “người anh em” có văn phong lạ lùng và đầy châm biếm của nó. Phải mất một thời gian khá dài, Kurt Vonnegut mới thuyết phục được người đọc bước vào thế giới tưởng tượng khác thường của ông.
Nhân vật chính của tiểu thuyết Bữa sáng của nhà vô địch là Kilgore Trout, một nhà văn chuyên sáng tác truyện khoa học viễn tưởng, dù đã có tuổi, nhưng ông ta vẫn là một tác giả không có tiếng tăm. Chẳng ai thèm nhớ tới những gì mà Trout đã viết. Một ngày kia, gã nhà văn thất bại tìm thấy độc giả đầu tiên nghiêm túc đọc tác phẩm của ông.
Người đó là Dwayne Hoover, ông chủ của một hãng xe hơi. Điều đáng tiếc là Dwayne Hoover lại hiểu mọi thứ mà Kilgore Trout viết ra theo nghĩa đen, để rồi hắn bị nhấn chìm trong những điều phi lý và dần trở nên điên loạn. Cuốn tiểu thuyết là cuộc gặp gỡ của hai con người ở hai thái cực khác nhau, nhưng đều cảm thấy cô đơn và trống rỗng.
Nhân vật Kilgore Trout mang trong mình nỗi niềm của người cầm bút, ông ta luôn muốn sự sáng tạo của mình được công nhận. Nhà văn tội nghiệp này luôn ao ước tác phẩm của mình được nhiều người tìm đọc. Thế nhưng, khi bắt gặp ai đó đang đọc các sáng tác của mình, ông ta lại không dám thừa nhận rằng mình đã viết ra những câu chuyện ấy.
Tuy luôn ước ao có được danh vọng, nhưng trong lòng Kilgore Trout vẫn chất chứa sự sợ hãi. Ông ta sợ những đứa con tinh thần của mình bị vùi dập, chê bai. Kurt Vonnegut đã dùng nhân vật này để giễu nhại chính mình và nói lên tâm tư sâu kín của các tác giả.
Với ông, khi cầm bút nhà văn cần dũng khí, hãy dũng cảm đối mặt với sự quay lưng của độc giả. Bởi văn chương là một hành trình đầy cô độc. Điều một nhà văn cần làm là viết ra câu chuyện khiến anh ta thỏa mãn. Còn độc giả có đón nhận nó hay không lại là chuyện khác.
Viết lách là một quá trình khám phá chính bản thân mình, trước khi làm hài lòng người đọc. Nhân vật Kilgore Trout chẳng hiểu biết về khoa học, nhưng ông ta lại chọn viết truyện khoa học viễn tưởng, điều đó có nực cười hay không. Những gì gã nhà văn già viết trong trang sách và thế giới thực là hai phạm trù độc lập, hiểu được điều đó Kilgore Trout như buông bỏ được một gánh nặng.
Nhà văn Kurt Vonnegut. Ảnh: Missoulian. |
Lời tự thú của người khổng lồ
Với một nhà văn nghèo, luôn sống trong cảnh túng thiếu, không đủ tiền để mua một bộ âu phục tử tế như Kilgore Trout, thì cuộc sống của Dwayne Hoover đúng là thiên đường. Là một doanh nhân giàu có, ông ta có tiền bạc và địa vị xã hội, đó là giấc mơ của nhiều người. Thế nhưng, gã nhà giàu không thích đùa ấy lại thấy chán nản với cuộc sống vương giả đầy tẻ nhạt này.
Hôn nhân thất bại, không tìm được tiếng nói chung với con cái, từng ngày trôi qua, thứ bên cạnh Dwayne Hoover chỉ là những tờ bạc giấy vô hồn. Trái tim ông ta dường như chai sạn, còn đầu óc thì tràn ngập những ý nghĩ điên rồ sau khi đọc các tác phẩm của Kilgore Trout.
Tiểu thuyết Bữa sáng của nhà vô địch có hai nhân vật rất đặc biệt, đó là một nhà văn gàn dở và một kẻ điên. Thế giới của họ không giống những gì mà người bình thường nhìn thấy. Nếu không có trí tưởng tượng độc đáo và lạ thường của Kurt Vonnegut thì tác phẩm rất dễ đi vào ngõ cụt.
Đọc cuốn tiểu thuyết này, độc giả sẽ phải thán phục trí tưởng tượng phong phú và khác lạ của nhà văn. Ông đã đem tới cho nhân vật của mình một thế giới hài hước, với nhiều suy nghĩ rất kỳ khôi. Ẩn chứa trong đó là những triết lý sống đầy nhân văn, đề cao hòa bình, lẽ công bằng, bình đẳng.
Nhân vật Dwayne Hoover đại diện cho nước Mỹ những năm 1970, tuy là một cường quốc, đứng trên đỉnh cao của quyền lực, nhưng mỗi khi đối diện với quá khứ, cảm giác lo sợ và bất an lại ập tới. Trong những năm tháng ấy, người Mỹ không biết mình cần làm gì tiếp theo để chống lại những thay đổi của thời cuộc.
Kurt Vonnegut viết một tác phẩm đậm chất giả tưởng, nhưng ông vẫn không tách văn chương của mình ra khỏi hiện thực đời sống đương đại. Nhà văn đề cập tới các phong trào chống phân biệt chủng tộc, đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ và phản đối chiến tranh xảy ra trên khắp nước Mỹ vào thời bấy giờ. Nó thể hiện mơ ước của người dân xứ sở cờ hoa về một đất nước hùng cường và bình yên.
Trong cuốn tiểu thuyết này, Kurt Vonnegut không chỉ kể chuyện bằng ngôn từ. Ông đã vẽ thêm nhiều hình minh họa, hội họa và ngôn ngữ đã hòa quyện vào nhau và đều làm tốt nhiệm vụ của mình. Chúng mang tới một diện mạo mới cho tác phẩm và thể hiện sự sáng tạo khôn lường mà bậc thầy trào phúng của văn học Mỹ đang phô diễn.