Tiểu thuyết Thời gian để sống và thời gian để chết xoay quanh kỳ nghỉ phép của một anh lính. Nhưng thành phố của anh lính lúc này cũng là chiến trường vì liên tục bị máy bay đồng minh ném bom. Anh không thể nào tìm được cha mẹ. Tòa nhà nơi cha mẹ anh sống bây giờ chỉ là đống đổ nát, không sao xác định được vị trí của nó nữa. Không thể nào xác định nổi người nào giữa đám người chết.
Một người đào bới nói: “Anh có biết bao nhiêu xác chết đang đợi ngoài cổng không? Ba trăm. Còn lần ném bom trước, người ta giao cho chúng tôi bao nhiêu anh biết không? Bảy trăm. Rồi lần ném bom trước nữa? Năm trăm. Mà phải làm tất cả trong vòng bốn ngày thôi” (trang 167).
Anh đi tìm hỏi cả ở những nơi ghi nhận người chết cũng không được tin gì. Chỉ có thể cha mẹ anh đã mất tích hoặc đã đi sơ tán.
Anh tìm đến nhà ông bác sĩ là người quen của gia đình. Ông đã bị bắt đi trại tập trung, vì thuộc diện bị tình nghi. Gặp được con gái ông, cô gái cũng đang bị mụ hàng xóm theo dõi.
Hết hy vọng tìm được cha mẹ. Trong những ngày thành phố bị đánh bom, người dân phải xuống hầm tránh bom, nhiều người phải đào bới để cứu người, anh lính và cô gái đến với nhau. Đám cưới cấp tốc cũng phải làm đủ thủ tục với các loại giấy tờ. Họ chỉ có hai người với nhau mà thủ tục thời chiến vẫn đòi phải có người làm chứng.
Thế là phải làm một cuộc hoán đổi: anh lính nhận làm chứng cho một cặp không quen biết, còn hai người kia sau đó phải làm chứng cho anh đăng ký kết hôn. Hai người về chung một nhà thì đúng lúc tòa nhà của cô gái bị cháy sau một trận ném bom. Cặp vợ chồng mới cưới phải dựng lều ở tạm ngoài trời.
Câu chuyện có thể xảy ra ở bất cứ một cuộc chiến tranh nào. Nhưng trong tiểu thuyết này lại là một trường hợp đặc biệt. Chuyện xảy ra ở trong lòng nước Đức phát xít, vào năm 1944, gần cuối chiến tranh thế giới II. Chàng trai người Đức bị đẩy ra chiến trường, tận mắt thấy sự tàn khốc của chiến tranh, sự tàn bạo của những tên lính cuồng sát, sự căm ghét của những người lính còn lương tâm trước những kẻ phát xít.
Erich Maria Remarque miêu tả những trận đánh, những trận thành phố bị ném bom, những cuộc tránh bom trong căn hầm tập thể nhốn nháo và hoảng loạn. Sự ghê rợn của chiến tranh được đặc tả trong hai bàn tay ở hai tình cảnh khác nhau. Ở chiến trường phủ đầy băng tuyết, khi tuyết tan, xác người bị vùi dưới tuyết dần dần lộ ra. Chỉ trong mấy tiếng đồng hồ, một bàn tay người chết chìa ra từ dưới lớp tuyết: “Bàn tay đã ló dần. Hình như không phải mặt tuyết hạ thấp xuống mà là bàn tay mọc lên như một cây nấm tái nhợt và khủng khiếp, một tín hiệu cầu cứu bị cứng đờ vì lạnh” (trang 18).
Còn khi thành phố của anh bị đánh bom, nhiều người bị vùi dưới đống đổ nát. Từ trong đống đổ nát, anh cầm được một bàn tay chìa ra đang động đậy, trong khi mọi người đào bới để cứu người ấy lên. Chỉ một lát sau, anh “lại sờ đôi môi. Môi không động đậy nữa. Anh với lấy bàn tay đã thò ra ngoài đống gạch vụn và nắm chặt nó. Bàn tay cứng đơ không đáp lại gì” (trang 68).
Những anh lính về phép rồi mắc kẹt lại ở thành phố mà không tìm được người thân, mỗi người một hoàn cảnh. Có người về phép, về đến thủ đô mới biết đường về quê mình bị cấm, phát cuồng lên vì không sao biết được tin tức của vợ con. Anh lính này đi tìm cha mẹ. Anh lính khác thì đi tìm vợ. Họ nảy ra sáng kiến: hợp tác với nhau. Mỗi người đi tìm một hướng, một người đi đến đâu cũng hỏi thêm tin tức về vợ người kia, còn người kia thì hỏi thêm tin tức về cha mẹ người này. Cuối ngày trở về trao đổi tin tức cho nhau.
Nhưng cũng có hoàn cảnh trớ trêu. Anh đang đi tìm cha mẹ thì gặp một người lính khác than phiền về việc đã gặp được bố mẹ rồi. Phải ở nhà suốt ngày đêm. Bà cụ khóc như mưa như gió. Nửa kỳ nghỉ đầu bà khóc vì mừng con không chết, nửa kỳ sau thì bà khóc vì con lại sắp phải ra chiến trường. Anh ta kết luận, thế là hỏng cả một kỳ nghỉ.
Anh lính không tìm được cha mẹ, đành dành kỳ nghỉ để tiêu hết số tiền đi phép định mang về. Anh cùng vợ mới cưới vào quán ăn của sĩ quan, tự tạo ra cho mình không khí hưởng thụ thanh bình. Đúng lúc có trận ném bom mới, họ phải xuống hầm trú ẩn của quán. Hết trận bom mới biết quán ăn ở trên đã bị sập, còn người vừa phục vụ bàn đã chết trong trận bom ấy.
Anh đến nhà một đồng đội, chuyển lời nhắn của đồng đội đến bà mẹ của anh ta rằng con trai bà vẫn khỏe. Nhưng hóa ra lời nhắn đã cũ. Sau khi anh rời đơn vị thì anh lính kia đã chết. Bà mẹ vừa nhận được tin anh ta đã chết cách đó bốn ngày.
Kỳ nghỉ phép ở hậu phương chồng chất nhiều cảnh huống. Anh đến thăm thầy giáo cũ. Định xin thầy cho vợ chồng mới cưới trú nhờ. Nhưng ông thầy cũng thuộc diện đang bị tình nghi.
Anh còn gặp một thằng bạn học, giờ là sĩ quan phát xít. Nó kể đã cho một ông giáo vào trại tập trung để trả thù việc ngày trước ông phạt nó. Cũng ở đó, anh gặp một thằng tên phát xít, hắn thích thú kể cách tra tấn và giết tù nhân. Anh đã nảy ra ý định bám theo để giết nó. Và khi vợ mới cưới hỏi có phải anh không muốn làm cha, anh trả lời: “Xung quanh chúng ta, tất thảy đều thối nát và độc địa đến nỗi phải nhiều năm nữa không khí mới trong lành được. Trong hoàn cảnh ấy thì có con làm gì?” (trang 436).
Hậu phương của nước Đức phát xít trong mắt nhìn của một anh lính căm ghét chiến tranh mà vẫn bị đẩy ra chiến trường, lại được một nhà văn Đức tái hiện. Nhân vật anh lính xưng Tôi có cái nhìn toàn tri của tác giả, không chỉ nhìn thấy mất mát của riêng mình mà thấy được tổn thất ở cả hai phía tham chiến, ở tầm nhân loại. Ở hậu phương của nước Đức phát xít, con người cũng là nạn nhân của chiến tranh, họ cũng hoảng loạn vì đạn bom, cũng tìm kiếm người thân, cũng khắc phục hậu quả của bom đạn, cũng căm hận cái ác, cũng hướng tới tình yêu. Con người trong bất cứ cuộc chiến nào cũng là nạn nhân của những kẻ hiếu chiến và cuồng sát.
Thêm một tiểu thuyết hay của ông trùm tiểu thuyết chiến tranh rất đáng được đọc lại nhiều lần.
Tình yêu, tranh đấu trong kịch cảm tác 'Nỗi buồn chiến tranh'
Đạo diễn Phùng Tiến Minh cho biết kịch "Trái tim người Hà Nội" không dừng lại ở việc lên án chiến tranh và mong muốn hòa bình mà nó còn đặt ra câu hỏi về sự đấu tranh.
Tình yêu vượt lên bom đạn chiến tranh
Thông qua những lá thư, hình ảnh và nhật ký, triển lãm "Tình yêu qua chiến tranh" tái hiện lại những câu chuyện tình diễn ra trong điều kiện bom đạn, xa cách và chia ly.
Có cô gái Đức rạng rỡ giữa cuộc chiến
Anna Funder đã dựng nên một câu chuyện thấm đẫm tình yêu và chiến tranh với một câu hỏi luôn ám ảnh: “Liệu thế giới có quên đi rằng chúng tôi đã từng vất vả nỗ lực để cứu lấy nó?”.