Tại triển lãm “Tình yêu qua chiến tranh” (đang diễn ra tại bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Hà Nội), mỗi câu chuyện tình xúc động được đặt tên riêng. "Chuyện tình vợ chồng nhà văn, nhà báo" là câu chuyện tình yêu của vợ chồng nhà văn, nhà báo Nguyễn Thị Thanh Hương và nhà văn Vũ Tú Nam. Họ biết mặt nhau từ năm 1948, khi đó bà Hương là một cán bộ phụ nữ trẻ của Liên khu IV tới Tiểu đoàn ông Nam để diễn thuyết, động viên bộ đội đi đánh giặc, thi đua với hậu phương. Năm 1949 khi đơn vị của ông Nam xong nhiệm vụ ở khu 3 trở về Thanh Hóa cũng là lúc ông biết và gặp được Thanh Hương. Từ đó họ quen và thân nhau. Năm 1950 bà Hương được điều ra Việt Bắc công tác. Tháng 6/1950, ông Nam cũng ra Việt Bắc làm báo Quân đội nhân dân. Từ 1950 những lá thư hai người viết cho nhau cũng nhiều lên và từ tình bạn họ đã chuyển dần sang tình yêu. Ngày 1/6/1952 bà Thanh Hương và ông Tú Nam đính ước. Tuy đã đính ước nhưng thời gian ông bà ở bên nhau không nhiều vì Tú Nam đi các chiến dịch liên miên. Từ lúc yêu cho đến lúc đã là vợ chồng, do thường xuyên phải đi công tác, hai người luôn trong hoàn cảnh cách xa nên họ thường xuyên viết thư cho nhau. |
"Nguồn cảm hứng của bài hát Lời người ra đi" là câu chuyện tình yêu của nhạc sĩ Trần Hoàn và bà Thanh Hồng. Họ gặp nhau và trở thành vợ chồng vào năm 1950. Cũng như bao cặp vợ chồng trí thức thời chiến tranh, họ luôn luôn trong hoàn cảnh xa cách. Cưới nhau năm 1950 nhưng phải đến sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước gia đình mới chính thức được đoàn tụ. Vì vậy những cánh thư và những trang nhật ký là phương tiện duy nhất lúc đó để họ gửi gắm tình cảm và liên lạc với người bạn đời của mình. Tình yêu đã giúp nhạc sĩ Trần Hoàn có nhiều động lực trong công tác và là nguồn cảm hứng cho ông sáng tác nhiều bản nhạc nổi tiếng, đặc biệt là bài Lời người ra đi. |
"Chuyện tình nữ cảm tử quân" là chuyện bà Nguyễn Thị Bích Thảo và ông Đỗ Đình Sửu. Hai người quen nhau trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Khi đó cả hai đều là chiến sĩ cảm tử quân của tiểu đoàn khu 101. Bà Thảo là y tá chiến đấu ở tiểu khu Đồng Xuân. Ông Sửu ở tiểu khu Đông Thành. Đầu năm 1947, Trung đoàn rời khỏi Thủ đô Hà Nội, bà Thảo ông Sửu mỗi người một nơi. Mối liên hệ chủ yếu giữa họ là bằng những lá thư viết vội. Suốt 8 năm trời xa cách nhưng họ vẫn đau đáu một niềm tin và ghi nhớ lời hẹn ước, tin tưởng ngày người yêu trở về. Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1955, họ tổ chức đám cưới ở Hà Nội. Tận hưởng hạnh phúc được 3 ngày thì ông Sửu nhận lệnh về đơn vị gấp. Họ lại mỗi người một nơi. Những lá thư tiếp tục là cầu nối giữa họ. Ngày 12/3/1968, ông Sửu hy sinh tại chiến trường Thừa Thiên Huế, nhưng phải một năm sau bà Thảo mới biết tin. Trong một năm đó, bà vẫn viết thư cho chồng mình. Tổng cộng có hơn 1.000 lá thư giữa bà và ông Sửu trong hơn 10 năm cách xa. |
"Bên tình, bên hiếu" là câu chuyện tình yêu của nữ chiến sĩ bộ đội Trường Sơn Nguyễn Thị Hồng Nhãn và chiến sĩ lái xe Nguyễn Mạnh Cường. Năm 1972 trong một lần đi công tác bị sức ép của bom hắt xuống bất tỉnh, bà Nhãn được một đồng chí lái xe đưa đến bệnh viện cấp cứu. Năm 1973 khi chuyển sang đơn vị xe bà bất ngờ gặp lại người lái xe đã cứu sống mình một năm về trước đó là ông Cường, quê Thái Bình. Cùng làm việc trong một đơn vị, thấy bà Nhãn là một người cán bộ luôn nhiệt tình, hết lòng với công việc nhưng lúc nào cũng có tâm trạng buồn nên ông Cường đã để ý tìm hiểu. Chính vì dành sự quan tâm nhiều đến bà Nhãn mà ông đã đem lòng yêu bà. Năm 1975 sau khi đất nước thống nhất, bà Nhãn giải ngũ về quê. Chuyện tình cảm của bà đã bị mẹ bà ngăn cản bởi bà không muốn con gái lấy chồng xa. Hai người không đến được với nhau nhưng họ mãi giữ những kỷ niệm tốt đẹp về nhau. |
Khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau là câu chuyện tình yêu của vợ chồng nhà giáo Lê Nguyệt Bảo và Phạm Hoài Thủy. Thầy giáo Phạm Hoài Thủy và cô Lê Nguyệt Bảo gặp nhau và nên duyên chồng vợ từ một giải bóng chuyền tổ chức ở Lào Cai năm 1963. Cuộc sống vợ chồng hạnh phúc, năm 1972 đáp lại Lệnh Tổng động viên, kêu gọi tầng lớp trí thức lên đường nhập ngũ, nghe theo tiếng gọi non sông, thầy Phạm Hoài Thủy xếp bút nghiên, rời bục giảng lên đường đánh giặc. Sau đó, những cánh thư chính là sợi dây nối liền giữa hai đầu thương nhớ. |
Gặp nhau lần đầu vào mùa hè năm 1972, từ đó Trần Hồng, chàng sinh viên báo chí, đã đem lòng cảm mến cô thiếu nữ Ngô Thị Ý. Vượt qua nhiều cách trở họ đã đến được với nhau và nên duyên vợ chồng. Công việc phóng viên nay đây mai đó khiến phải 14 năm sau ngày cưới họ mới chính thức được đoàn tụ. |