Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhìn lại quá khứ để thêm trân quý hòa bình

Sách "Mỹ Lai: Việt Nam, 1968" là cuốn sách miêu tả đầy đủ, toàn diện và chân thực về những “ngày đen tối” của lịch sử quân đội Mỹ.

Ảnh: Ronald L.Haeberle.

Cuốn sách dày hơn 700 trang là kết quả của gần một thập niên tìm tòi, nghiên cứu. Tác giả Howard Jones là giáo sư danh dự ngành Lịch sử tại Đại học Alabama. Với kinh nghiệm làm nghiên cứu của mình, Howard Jones đem đến những chi tiết trong sự kiện Mỹ can thiệp quân sự tại Việt Nam.

Mỹ Lai: Việt Nam, 1968 - Nhìn lại cuộc thảm sát của Howard Jones đã tái hiện diễn biến và hậu quả của cuộc thảm sát Mỹ Lai, phân tích phản ứng của các bên tham gia chiến dịch.

Nội dung sách được giới thiệu là dựa trên nghiên cứu tài liệu lưu trữ toàn diện, hồ sơ quân sự và các cuộc phỏng vấn sâu với quân nhân Mỹ, Việt Nam cũng như những nạn nhân còn may mắn sống sót sau vụ thảm sát tàn bạo.

Mỹ Lai vốn là một vùng quê yên bình thuộc tỉnh Quảng Ngãi, khu vực Nam Trung Bộ, nhưng đế quốc Mỹ đã xới tung mảnh đất này vì cho đây là thành trì của Việt cộng.

Sớm ngày 16/3/1968, hàng trăm lính Mỹ đổ bộ trực thăng xuống ngoài làng Sơn Mỹ. Chỉ trong 3 tiếng, khoảng 504 dân làng không có vũ khí, trong đó chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, đã thiệt mạng thảm khốc dưới tay lính Mỹ. Vụ thảm sát tàn ác được đặt theo tên của một trong các thôn làng bị tấn công - “thảm sát Mỹ Lai”. Đây là một vết nhơ khó phai trong lịch sử các cuộc chiến tranh của Mỹ.

Các cơ quan quân đội Mỹ đã tìm cách che giấu tin tức về Mỹ Lai bằng cách báo cáo số liệu giả. Chỉ đến khi có một số người từng có mặt ở hiện trường, như phi công trực thăng Hugh Thompson và xạ thủ trực thăng Lawrence Colburn, lên tiếng về những tội ác họ chứng kiến, vụ việc mới được đưa ra ánh sáng tại Mỹ.

Một bài viết kèm theo nhiều hình ảnh vạch trần tội ác của lính Mỹ do nhà báo Seymour Hersh công bố đã làm dấy lên cơn phẫn nộ từ cộng đồng quốc tế. Kể từ đó, Quốc hội và Quân đội Mỹ đã tổ chức nhiều cuộc điều trần. Chỉ huy Trung đội cùng nhiều sĩ quan khác đã bị quy kết phạm tội ác chiến tranh.

Tác giả khẳng định: “Đối với nhiều người Mỹ… thảm sát Mỹ Lai vừa là kết quả, vừa tượng trưng cho những gì là sai lầm về cuộc chiến tranh ở Việt Nam… và trong quá trình chiến đấu vì nền dân chủ và lối sống, nước Mỹ đã mất phương hướng đạo đức”.

sach lich su chien tranh anh 1

Bìa sách Mỹ Lai: Việt Nam, 1968 - Nhìn lại cuộc thảm sát. Ảnh: NXB CTQGST.

Cuốn sách Mỹ Lai: Việt Nam, 1968 - Nhìn lại cuộc thảm sát gồm 3 phần: Phần I mang tới một góc nhìn về nguyên nhân khiến người dân thôn Mỹ Lai phải gánh chịu bi kịch ấy. Trong Phần II, tác giả phân tích cụ thể hậu quả và sự che giấu của chính quyền Mỹ trong cuộc thảm sát Mỹ Lai. Sang đến phần III, Howard Jones làm rõ “cái giá” mà chính quyền Mỹ phải trả cho tội ác mà chúng đã gây ra cho người dân Mỹ Lai.

Ông Ralph B Levering, giáo sư lịch sử và là tác giả của nhiều đầu sách nghiên cứu lịch sử chiến tranh, đã nhận xét: “Là tác phẩm lôi cuốn nhất cho đến nay về thảm sát Mỹ Lai và hậu quả của nó, được nghiên cứu kỹ lưỡng và tỉ mỉ với luận điểm thuyết phục, đây thực sự là cuốn sách xuất sắc - một tài liệu tin cậy chắc chắn phải đọc đối với bất cứ ai quan tâm đến kỷ nguyên Việt Nam cũng như câu chuyện bi kịch của nước Mỹ, những sai lầm khủng khiếp có thể xảy ra trong xung đột vũ trang, bất chấp luật chiến tranh”.

Sách được nhà xuất bản giới thiệu là một trong những tài liệu tham khảo giúp các học giả, các nhà nghiên cứu và bạn đọc quan tâm đến lịch sử nước nhà có thêm cách khai thác, tiếp cận và phân tích vấn đề, đặc biệt là có thêm tư liệu để hiểu hơn về lịch sử các cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam.

Tình yêu, tranh đấu trong kịch cảm tác 'Nỗi buồn chiến tranh'

Đạo diễn Phùng Tiến Minh cho biết kịch "Trái tim người Hà Nội" không dừng lại ở việc lên án chiến tranh và mong muốn hòa bình mà nó còn đặt ra câu hỏi về sự đấu tranh.

Chiến tranh và cuộc chia ly

Một chú cáo được nhân cách hóa đã đặt câu hỏi "Chiến tranh là gì ạ?". Nó tự định nghĩa riêng cho mình khi trải qua mất mát, thương đau, lăn lộn để sinh tồn.

Anh Vũ

Bạn có thể quan tâm