Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thế giới khan hiếm dầu ăn vì xung đột Nga - Ukraine

Xung đột Nga - Ukraine và các đòn trừng phạt đã đẩy giá dầu ăn trên thế giới tăng vọt. Hiện nguồn cung có khả năng khan hiếm hơn nữa sau lệnh cấm xuất khẩu của Indonesia.

Theo Bloomberg, nguồn cung dầu ăn thế giới, vốn đã eo hẹp vì xung đột giữa Nga và Ukraine, nay càng khan hiếm.

2 tháng sau khi Nga đổ quân vào Ukraine, Indonesia tuyên bố cấm xuất khẩu dầu ăn vì tình trạng thiếu hụt cục bộ và giá tăng cao.

Nước này chiếm hơn 1/3 xuất khẩu dầu thực vật toàn cầu. Ấn Độ và Trung Quốc - 2 quốc gia đông dân nhất - là một trong những khách hàng lớn nhất của Indonesia.

"Với thế giới, nguồn cung dầu ăn của Indonesia không thể thay thế. Đây chắc chắn là đòn giáng lớn", ông Carlos Mera - Trưởng bộ phận Nghiên cứu Thị trường Hàng hóa Nông nghiệp tại Robobank - nhận định.

Indonesia cam xuat khau dau anh 1

Indonesia - nước chiếm hơn 1/3 xuất khẩu dầu thực vật toàn cầu - vừa tuyên bố cấm xuất khẩu dầu ăn vì tình trạng thiếu hụt cục bộ và giá tăng cao. Ảnh: Reuters.

Đòn giáng mạnh

Dầu cọ là loại dầu ăn được tiêu thụ nhiều nhất thế giới. Còn Indonesia có sản lượng dầu cọ lớn nhất toàn cầu. Thông báo của Indonesia khiến dầu đậu nành tại Mỹ - loại dầu thay thế dầu cọ - liên tục lập đỉnh trong 3 ngày liên tiếp.

Xung đột Nga - Ukraine làm chao đảo thị trường dầu hướng dương toàn cầu. Điều này cũng siết chặt nguồn cung của những loại dầu thực vật khác, được sử dụng trong thực phẩm, nhiên liệu sinh học và các sản phẩm chăm sóc cá nhân.

Nguồn cung dầu ăn toàn cầu cũng bị đe dọa bởi thời tiết khắc nghiệt. Sản lượng đậu nành ở Nam Mỹ - nhà sản xuất lớn nhất thế giới - lao dốc vì tình trạng khô hạn. Hạn hán tại Canada cũng làm giảm sản lượng hạt cải dầu và thu hẹp nguồn cung.

Nguồn cung khan hiếm và giá cả tăng cao có thể làm trầm trọng tình trạng lạm phát ở các nền kinh tế lớn như Mỹ. Nhưng những quốc gia đang phát triển như Ấn Độ sẽ chịu tác động nặng nề. Bởi họ phụ thuộc vào nhập khẩu dầu cọ, loại dầu thực vật rẻ hơn dầu đậu nành, dầu hướng dương và dầu hạt cải.

Indonesia cam xuat khau dau anh 2

Các quốc gia đang phát triển như Ấn Độ phụ thuộc vào nhập khẩu dầu cọ, loại dầu thực vật rẻ hơn dầu đậu nành, dầu hướng dương và dầu hạt cải. Ảnh: Reuters.

Theo chuyên gia Brice Dunlop tại Fitch Solutions, những thay đổi về giá cả có thể dẫn tới bất ổn xã hội, nhất là ở Ấn Độ. "Ấn Độ đã từng có rất nhiều vụ bạo động liên quan đến tình trạng thiếu hụt thực phẩm, trong khi dầu thực vật lại là thành phần chính của rất nhiều món ăn tại đây", ông cảnh báo.

Căng thẳng nguồn cung lương thực và nhiên liệu khiến nhiều nền kinh tế, bao gồm Indonesia, chao đảo.

Theo ông Tosin Jack - Giám đốc hàng hóa tại Mintec (có trụ sở ở Anh), động thái mới của Indonesia chắc chắn sẽ đẩy lạm phát lương thực, vốn đã ở mức cao kỷ lục, lên cao hơn nữa.

Ngoài Indonesia, các chính phủ khác cũng đang vào cuộc. Họ hạn chế xuất khẩu, kiểm soát giá và ngăn chặn hành vi tích trữ. Nhưng những động thái trên không thể ngăn giá cả tăng cao, buộc người tiêu dùng phải cắt giảm chi tiêu.

Mối lo ngại lớn

Nguồn cung dầu thực vật eo hẹp buộc các nhà sản xuất đồ ăn phải tìm cách ứng biến. Nhiều người tìm công thức mới và chuyển sang những sản phẩm thay thế.

Ông Raju Sahoo, 48 tuổi, chủ một quán ăn lề đường ở bang Odisha (miền đông Ấn Độ), đã giảm một nửa lượng dầu cọ sử dụng hàng ngày. Ông bán ít đồ ăn chiên hơn và chuyển sang các món hấp.

"Giờ, tôi chỉ làm 300-400 chiếc bánh bao chiên mỗi ngày. Trước kia, con số lên tới 1.000 chiếc", ông Sahoo chia sẻ.

Giá dầu đậu nành tương lai ở Mỹ đã tăng gần gấp đôi kể từ đầu năm 2021. Một phần nguyên nhân là nhu cầu nguyên liệu sản xuất nhiên liệu sinh học tăng cao. Cùng với đó, xung đột Nga - Ukraine đã làm gián đoạn các chuyến tàu chở dầu hướng dương, buộc khách hàng phải chuyển sang những mặt hàng thay thế.

Giá tăng lên mức cao kỷ lục, nhưng nhu cầu vẫn cao. Bởi dầu thực vật đã trở thành một phần không thể thiếu ở mọi quốc gia, nhất là những quốc gia như Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh

Nhà phân tích độc lập John Baize

Giá cải dầu của Canada đã leo lên mức cao kỷ lục hồi năm ngoái vì tình trạng hạn hán. Dầu cọ ở châu Á tăng giá khoảng 50%, còn giá dầu hạt cải ở châu Âu tăng vọt 55% trong 12 tháng qua.

"Giá tăng lên mức cao kỷ lục, nhưng nhu cầu vẫn cao. Bởi dầu thực vật đã trở thành một phần không thể thiếu ở mọi quốc gia, nhất là những quốc gia như Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh", nhà phân tích độc lập John Baize nhận định.

Ông cho rằng lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ của Indonesia sẽ tạo ra vấn đề lớn. Nhưng hạn chế này có thể không kéo dài. Ông Baize nhấn mạnh Indonesia đã xuất khẩu 26,87 triệu tấn dầu cọ vào năm 2021, còn tiêu thụ trong nước chỉ ở mức 15,28 triệu tấn.

Ở thời điểm hiện tại, lệnh cấm của Indonesia thậm chí còn làm gia tăng lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung thực phẩm và giá cả leo thang tại nước này. Bởi những quốc gia khác cũng có thể đưa ra động thái tương tự nếu xung đột Nga - Ukraine kéo dài.

"Chúng ta có thể chứng kiến một vài sản phẩm khác bị đưa vào danh sách cấm xuất khẩu. Điều này có thể khiến mối lo ngại phình to", ông Mera của Rabobank cảnh báo.

Mạnh tay nâng lãi suất, Mỹ có thể đối mặt nguy cơ suy thoái kinh tế

Theo giới quan sát, FED đã quá chậm chạp trong việc nâng lãi suất. Điều đó khiến cơ quan này phải vội vã chặn đà tăng giá và đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế.

Trung Quốc phong tỏa hàng loạt, nhà máy thiếu công nhân trầm trọng

Ngay cả khi Trung Quốc hỗ trợ doanh nghiệp nối lại hoạt động bằng hệ thống làm việc khép kín, các nhà máy vẫn gặp khó vì tình trạng thiếu hụt lao động và gián đoạn hậu cần.

Thảo Phương

Bạn có thể quan tâm