Theo CNBC, sau nhiều tuần Thượng Hải bị phong tỏa, các doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc đang xoay xở để đưa công nhân trở lại nhà máy. Theo một số doanh nghiệp Mỹ và châu Âu, chưa tới 50% nhân viên của họ có thể trở lại làm việc.
Kể từ tháng 3, Trung Quốc đã áp đặt lệnh phong tỏa đối với nhiều trung tâm kinh tế, từ thành phố Thâm Quyến, tỉnh Cát Lâm đến thành phố Thượng Hải. Nhưng Thượng Hải là nơi chịu tác động mạnh mẽ nhất. Đáng nói, thành phố này chiếm 3,8% GDP của Trung Quốc và có cảng container đông đúc nhất thế giới.
Vừa qua, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc đã kêu gọi ưu tiên nối lại hoạt động tại 666 doanh nghiệp lớn trong các ngành như chip, công nghệ sinh học, sản xuất ôtô và thiết bị.
Trung Quốc phong tỏa nhiều thành phố, các doanh nghiệp hoạt động tại đây đang xoay xở để đưa công nhân trở lại nhà máy. Ảnh: Reuters. |
Hệ thống khép kín
Theo bà Bettina Schoen-Behanzin, Phó chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh Châu Âu tại Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp thành viên đã được đưa vào "danh sách trắng", nhất là trong các lĩnh vực sản xuất, hóa chất và ôtô.
"Nhưng nhiều công ty vẫn phải đối mặt với những thách thức bởi tình trạng thiếu hụt lao động và khó khăn về mặt hậu cần", bà chia sẻ. Do lệnh phong tỏa, không đến 30% lao động của các doanh nghiệp có thể trở lại làm việc.
Các doanh nghiệp được đưa vào "danh sách trắng" có thể dần nối lại một số hoạt động sản xuất và hậu cần. Nhưng họ phải tuân thủ quy định về hệ thống quản lý khép kín.
Theo đó, nhân viên sẽ làm việc, ăn uống, tắm giặt, nghỉ ngơi ngay tại nhà máy và được xét nghiệm thường xuyên.
Theo một số ước tính, việc nối lại hoạt động sản xuất theo "danh sách trắng" có khả năng không đạt hiệu quả, hoặc chỉ có thể đưa 30-40% lực lượng lao động trở lại các nhà máy
Ông Matthew Margulies, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách hoạt động của Trung Quốc cho Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung Quốc
"Theo một số ước tính, việc nối lại hoạt động sản xuất theo 'danh sách trắng' có khả năng không đạt hiệu quả, hoặc chỉ có thể đưa 30-40% lực lượng lao động trở lại các nhà máy", ông Matthew Margulies - Phó chủ tịch cấp cao phụ trách hoạt động của Trung Quốc cho Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung Quốc - nhận định.
Các lệnh phong tỏa cũng ảnh hưởng đến hoạt động vận tải. "Tài xế xe tải đều sợ sẽ phải cách ly 14 ngày nếu giao hàng tới nhà máy. Do đó, họ có thể bỏ qua việc giao hàng và chuyển sang làm việc khác", ông Johan Annell tại hãng tư vấn Asia Perspective bình luận.
"Với các doanh nghiệp trong thời điểm này, chỉ cần đạt công suất 30% trong vòng 1 tuần đã là rất tốt rồi", ông nói thêm.
Các địa phương của Trung Quốc đưa ra những hạn chế khác nhau. Điều này tạo nên tác động không đồng đều giữa các doanh nghiệp.
Theo ông Ting Lu - nhà kinh tế trưởng tại Nomura, từ ngày 1 đến 7/4, chỉ số đo doanh thu vận tải hàng hóa đường bộ của Trung Quốc đã lao dốc 27,2% so với một năm trước đó. Nhưng riêng ở Thượng Hải, chỉ số này giảm tới 82,6% trong cùng kỳ.
Chính quyền trung ương Trung Quốc đã yêu cầu các chính quyền địa phương hỗ trợ hoạt động vận tải và loại bỏ một số quy định chống dịch.
Tác động lan tỏa
Tuần trước, CEO Huawei Richard Yu cảnh báo rằng nếu hoạt động sản xuất và kinh doanh ở Thượng Hải không được nối lại vào tháng 5, tất cả công ty công nghệ và công nghiệp liên quan sẽ phải dừng sản xuất, nhất là mảng ôtô.
Chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn kiên quyết theo đuổi chiến lược Zero-Covid, tức đưa số ca nhiễm mới về 0. Gần 400 triệu người ở 45 thành phố của Trung Quốc đang sống trong tình trạng bị phong tỏa một phần hoặc hoàn toàn. Nhiều nhà nhà máy tại Thượng Hải lo ngại rằng sẽ mất nhiều tháng để các hoạt động sản xuất được trở về mức bình thường.
"Chúng tôi cho rằng ảnh hưởng sẽ nghiêm trọng hơn nhiều sự cố mất điện hồi năm ngoái. Bởi nó liên quan đến một loạt chuỗi cung ứng", Chủ tịch Paul Peng tại AU Optronics - một nhà sản xuất màn hình lớn - chia sẻ.
"Gián đoạn không chỉ xảy ra ở một công ty, hay một ngành công nghiệp, mà là một sự cố có thể dẫn tới đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu", ông nói thêm.
Các công ty nước ngoài và nội địa tại Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức bởi tình trạng thiếu hụt lao động và khó khăn về mặt hậu cần. Ảnh: Reuters. |
Hồi đầu tuần, hãng xe Volkswagen cho biết họ đang đánh giá mức độ khả thi của việc nối lại sản xuất tại nhà máy ở ngoại ô Thượng Hải. Trong khi đó, các nhà máy của hãng ở thành phố Trường Xuân (tỉnh Cát Lâm) đang dần khôi phục hoạt động sản xuất.
Trước đó, Volkswagen cho biết các nhà máy ở Thượng Hải và Trường Xuân - thủ phủ của tỉnh Cát Lâm - đã phải dừng hoạt động trong nhiều tuần. "Do tình hình dịch bệnh, hoạt động sản xuất tại các nhà máy của chúng tôi ở Trường Xuân (từ giữa tháng 3) và Thượng Hải (từ ngày 1/4) đã bị đình trệ. Điều này làm gián đoạn hoạt động sản xuất", Volkswagen tiết lộ với CNN.
Tập đoàn hóa chất Đức BASF cho biết các nhà máy ở Thượng Hải vẫn hoạt động nhưng ở mức công suất hạn chế. "Hoạt động của công ty chịu ảnh hưởng bởi những vấn đề về nguồn cung nguyên liệu thô, gián đoạn hậu cần và tình trạng thiếu hụt lao động", hãng cho biết.