Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dự báo trái chiều về kinh tế Trung Quốc

Giới quan sát có các dự báo trái chiều về triển vọng của Trung Quốc. Một số cho rằng làn sóng Covid-19 mới sẽ chặn đà phục hồi kinh tế, một số khác tin đó không phải vấn đề lớn.

Theo ông Derek Scissors - nhà kinh tế trưởng tại công ty nghiên cứu China Beige Book, nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn. Nhưng ông cho rằng đó không phải vấn đề quá nghiêm trọng với nền kinh tế thứ 2 thế giới.

"Trung Quốc vẫn chưa hứng chịu sự sụp đổ hoàn toàn như hồi đầu năm 2020", CNBC dẫn lời ông Scissors nhận định. Trong quý I/2020, nền kinh tế Trung Quốc lao dốc 6,8% so với cùng kỳ năm 2019 vì ảnh hưởng của làn sóng dịch Covid-19.

Hôm 18/4, Trung Quốc đã công bố mức tăng trưởng GDP quý I/2022 cao hơn những dự báo trước đó. Tuy nhiên, doanh số bán lẻ trong tháng 3 vẫn sụt giảm vì các lệnh phong tỏa do đại dịch.

Kinh te Trung Quoc anh 1

Gần 400 triệu người ở 45 thành phố của Trung Quốc đang sống trong tình trạng bị phong tỏa một phần hoặc hoàn toàn. Ảnh: Reuters.

Lo ngại bị thổi phồng?

"Nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn, nhưng không phải vấn đề nghiêm trọng", ông Scissors chỉ ra Bắc Kinh đang ưu tiên sức khỏe cộng đồng trong thời gian này.

Giới quan sát đưa ra nhiều quan điểm khác nhau về triển vọng kinh tế của Trung Quốc. Bắc Kinh tiếp tục theo đuổi chiến lược Zero-Covid, tức đưa số ca nhiễm mới về 0, khi đối mặt với làn sóng Omicron dễ lây lan hơn.

Điều này trái ngược với cách làm của nhiều quốc gia khác. Những nước này đã chuyển sang chiến lược sống chung với virus.

Theo ông Richard Yetsenga của ANZ, nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với những "cơn bão lớn" trong quý I. Đây là làn sóng Covid-19 nghiêm trọng nhất tại nước này kể từ hồi đầu năm 2020.

"Nhưng một khi Bắc Kinh đối phó được với làn sóng này, nền kinh tế sẽ trở lại trạng thái ổn định", ông Yetsenga - Trưởng bộ phận nghiên cứu của ANZ - dự báo.

"Dường như chính quyền Trung Quốc đã nhận thấy các rủi ro và bắt đầu thảo luận về những chính sách hỗ trợ", ông nói thêm.

Kinh te Trung Quoc anh 2

Hôm 20/4, Trung Quốc công bố giữ nguyên lãi suất cho vay chuẩn. Lãi suất cơ bản cho khoản vay 1 năm và 5 năm lần lượt là 3,7% và 4,6%. Trước đó, hầu hết nhà phân tích được Reuters khảo sát cho rằng Bắc Kinh sẽ cắt giảm lãi suất trong tháng này.

Hôm 18/4, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) thông báo sẽ tăng cường hỗ trợ tài chính cho các ngành, doanh nghiệp và cá nhân bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Cùng ngày, cơ quan này cũng tuyên bố cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc vào ngày 25/4.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế tại Bank of America đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Trung Quốc từ 4,8% xuống 4,2%. Con số này thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5% mà Bắc Kinh đưa ra trong năm nay.

Các ý kiến trái chiều

"Chúng tôi lo ngại rằng so với năm 2020, Trung Quốc có thể đối mặt với nhiều thách thức hơn", bà Winnie Wu - chiến lược gia cổ phiếu Trung Quốc tại Bank of America Securities - nhận định.

Theo bà Wu, đầu tiên, hồi năm 2020, các hạn chế chỉ tập trung ở một tỉnh, thay vì phong tỏa trên diện rộng như thời điểm hiện tại. "Điều đó dẫn tới sự gián đoạn với quy mô lớn trong hoạt động vận tải và hậu cần", bà nhận định.

Gần 400 triệu người ở 45 thành phố của Trung Quốc đang sống trong tình trạng bị phong tỏa một phần hoặc hoàn toàn. Theo dữ liệu của Nomura Holdings, các thành phố chiếm tới 40% GDP, tương đương 7.200 tỷ USD, của nền kinh tế thứ 2 thế giới.

Thêm vào đó, nguy cơ phong tỏa kéo dài khi dịch bệnh đã xuất hiện được 3 năm khiến người tiêu dùng không còn sẵn sàng chi tiêu. Tình trạng bất ổn liên quan tới đại dịch cũng làm suy yếu niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp.

Chúng tôi lo ngại rằng so với năm 2020, Trung Quốc có thể đối mặt với nhiều thách thức hơn

Bà Winnie Wu - chiến lược gia cổ phiếu Trung Quốc tại Bank of America Securities

Cuối cùng, theo bà Wu, tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc cũng có thể bị ảnh hưởng, khi các quốc gia xuất khẩu khác trong chuỗi cung ứng toàn cầu đã mở cửa trở lại.

Ngay từ trước đại dịch, Việt Nam và Ấn Độ đã hưởng lợi khi các doanh nghiệp chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc vì cuộc xung đột Mỹ - Trung.

“Việc di dời chuỗi cung ứng - một khi xu hướng bắt đầu - sẽ rất khó đảo ngược”, bà Wu nhận định.

Cuối tuần trước, Thượng Hải đã công bố kế hoạch tái khởi động hoạt động kinh doanh. Theo đó, các công ty sẽ phải nộp đơn xin phê duyệt kế hoạch quản lý theo chu trình khép kín. Người lao động buộc phải ở lại nơi làm việc và xét nghiệm thường xuyên.

Câu hỏi đặt ra là giới chức Trung Quốc có thể kiểm soát các đợt bùng phát Covid-19 hay không, và những hạn chế được duy trì đến bao giờ.

"Chúng tôi cho rằng những hỗ trợ chính sách tài khóa và tiền tệ không đủ để bù đắp vết thương kinh tế do các đợt phong tỏa. Tổn thất GDP sẽ tăng theo cấp số nhân", ông Iris Pang - nhà kinh tế trưởng của Trung Quốc đại lục tại ING Greop NV - bình luận.

Chuỗi cung ứng của Apple tại Trung Quốc đứt gãy vì các lệnh phong tỏa

Chiến lược Zero-Covid của Trung Quốc tác động nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất và hậu cần của hàng loạt doanh nghiệp, trong đó có nhiều nhà cung cấp hàng đầu của Apple.

Ngành địa ốc Trung Quốc phải từ bỏ 'vay nợ ồ ạt, tăng trưởng nóng'

Thị trường địa ốc Trung Quốc đã phục hồi phần nào khi Bắc Kinh nới lỏng kiểm soát, nhưng không thể sử dụng chiến lược vay nợ ồ ạt, tăng trưởng nóng như trước.

Thảo Phương

Bạn có thể quan tâm