Được phát hiện lần đầu tại Colombia đầu năm nay, biến chủng Mu đã gây ra một số chùm ca bệnh rải rác tại Nam Mỹ và châu Âu. Tuy vậy, biến chủng này không lây lan mạnh như chủng virus Delta. Các nhà khoa học nhận định đây không phải là mối đe dọa lớn đối với thế giới.
Đột nhiên vào ngày 1/9, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo “Mu” có đột biến cho thấy nguy cơ kháng vaccine và đang theo dõi biến chủng này.
Dù chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong số ca mắc Covid-19 ở quy mô toàn cầu, giới khoa học đang xem xét liệu biến chủng Mu có thể vượt qua hệ miễn dịch được tạo ra bởi vaccine hoặc kháng thể sinh ra ở người từng mắc Covid-19 hay không.
Biến chủng Mu là gì?
Có tên khoa học B.1.621, biến chủng Mu lần đầu tiên được phát hiện tại Colombia đầu tháng 1. Ngày 30/8, WHO bổ sung biến chủng Mu (tên khoa học là B.1.621) vào danh sách biến chủng Covid-19 cần theo dõi (cùng với các biến chủng Eta, Iota, Kappa và Lambda).
Các chủng virus trong danh sách “cần theo dõi” là các biến chủng xuất hiện ở nhiều ổ dịch tại nhiều quốc gia khác nhau và chứa một vài dạng đột biến có tiềm năng nguy hiểm, nhưng chưa có bằng chứng cho thấy chúng dễ lây lan hơn hay có độc lực cao hơn. Mu là biến chủng đầu tiên được WHO bổ sung vào danh sách kể từ tháng 6.
Trong khi đó, các biến chủng đáng quan ngại (như Alpha hay Delta) được chứng minh có khả năng lây nhiễm cao hơn hoặc nguy hiểm hơn với sức khỏe con người, làm giảm hiệu quả của các biện pháp phòng chống dịch.
Theo báo cáo dịch tễ học mới nhất của WHO, biến chủng Mu được xếp vào nhóm cần theo dõi vì “có một vài đột biến có thể có khả năng vượt qua hệ miễn dịch, giống như hiện tượng xảy ra với biến chủng Beta” và cần được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn.
Theo tiến sĩ Paul Griffin, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Queensland, giới y khoa liên tục tìm kiếm các biến chủng có khả năng lây bệnh cho người đã được tiêm vaccine. Những biến chủng này có đột biến ở phần protein gai gắn trên vỏ ngoài của chúng.
“Nếu có sự thay đổi đáng kể đối với protein gai, có khả năng vaccine sẽ có hiệu quả thấp hơn đối với virus”, ông nói. “Chúng tôi nghĩ sẽ có lúc khả năng này sẽ có xác suất xảy ra lớn, nhưng chúng tôi vẫn chưa thấy điều này trong thực tế”.
WHO nhấn mạnh các nghiên cứu cần được triển khai để con người có thể hiểu hơn về tác động của biến chủng Mu. Tuy vậy, tiến sĩ Griffin nhận định chưa có bằng chứng cho thấy chủng Mu có khả năng kháng vaccine.
Theo WHO, tần suất xuất hiện biến chủng Mu ở quy mô toàn cầu đang có chiều hướng giảm, hiện ở mức dưới 0,1%. Tuy vậy, tỷ lệ này tại Colombia và Ecuador còn rất lớn, lần lượt là 39% và 13%. Những con số này đang có chiều hướng gia tăng. Biến chủng Mu cũng gây ra một số ổ lây nhiễm ở Mỹ và châu Âu.
Cần thêm dữ liệu y khoa
Báo cáo dịch tễ của WHO cho biết dữ liệu ban đầu kết luận biến chủng Mu dường như có khả năng chống lại kháng thể cao hơn chủng virus gốc. Tuy vậy, tiến sĩ Griffin nhận định những thí nghiệm trên chưa thể cung cấp bức tranh hoàn chỉnh về cách biến chủng Mu đối mặt với hệ miễn dịch của con người trong thực tế.
“Những nghiên cứu này rất có giá trị vì chúng dễ thực hiện và có thể thực hiện nhanh chóng. Tuy vậy, đây chỉ là một phần của câu chuyện, chưa phải toàn bộ câu chuyện”, tiến sĩ Griffin nói. Theo ông, giới y khoa cần theo dõi thêm dựa trên thực tế. Ông nhận định biến chủng Mu sẽ không gây ra mối quan ngại lớn đối với Australia.
Bên cạnh biến chủng Mu, 8 biến chủng khác đang được WHO xếp vào danh sách “đáng quan ngại” hoặc “cần theo dõi và được đặt tên theo bảng chữ cái Hy Lạp".
Các chủng virus “đáng quan ngại” bao gồm chủng Alpha (tên khoa học là B.1.1.7, được phát hiện lần đầu ở Anh tháng 9/2020), Beta (B.1.351, phát hiện lần đầu ở Nam Phi tháng 5/2020), Gamma (P.1, phát hiện lần đầu ở Brazil tháng 11/2020) và Delta (B.1.617.2, phát hiện lần đầu ở Ấn Độ tháng 10/2020).
Trong khi đó, 5 biến chủng nằm trong danh sách “cần quan tâm” bao gồm biến chủng Mu, biến chủng Eta (B.1.525, được phát hiện lần đầu ở nhiều quốc gia tháng 12/2020), Iota (B.1.526, phát hiện lần đầu ở Mỹ tháng 11/2020), Kappa (B.1.617.1, phát hiện lần đầu ở Ấn Độ tháng 10/2020) và Lambda (C.37, phát hiện lần đầu ở Peru tháng 12/2020).
Mọi virus, bao gồm virus corona, đều đột biến qua thời gian. Một số dạng đột biến là vô hại. Tuy vậy, một số dạng đột biến có thể khiến virus tăng độc lực và khả năng truyền nhiễm, gây ra khó khăn cho công tác phòng dịch của con người.
Theo tiến sĩ Griffin, cách tốt nhất để ngăn chặn sự đột biến của virus là hạn chế sự lây lan của chúng.
“Một khi nhiều người được tiêm vaccine hơn, virus sẽ có ít vật chủ để sinh sống, tiến hóa và đột biến hơn”, ông nói.
WHO: Biến chủng Mu mới phát hiện có nguy cơ kháng vaccine
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo một biến chủng mới tên “Mu” có đột biến cho thấy nguy cơ kháng vaccine. WHO cũng nói rằng cần nghiên cứu nhiều hơn để tìm hiểu biến chủng này.
Vì sao biến chủng mới khiến giới khoa học Nam Phi lo ngại?
Biến chủng C.1.2 nhận được sự chú ý của giới khoa học vì nó có các đột biến gene giống với một số biến chủng nguy hiểm khác, như Delta.
Vì sao ông Trump sa thải hàng nghìn người từ chính quyền trước
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 21/1 thông báo đã sa thải 4 quan chức cấp cao và sẽ sa thải hơn 1.000 người khác trong chính quyền tiền nhiệm. Chuyện gì đang xảy ra?