Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thế giới cố cứu để Afghanistan không sụp đổ dưới thời Taliban

Các quốc gia bắt đầu suy tính cách viện trợ cho Afghanistan do lo ngại nền kinh tế của đất nước Nam Á sẽ sụp đổ dưới sự cai trị của lực lượng Taliban.

Suốt hai thập kỷ qua, gần một nửa nền kinh tế của Afghanistan phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài. Giờ đây, khi Taliban lên nắm quyền, những nguồn viện trợ ngay lập tức bị đình chỉ, thay vào là nhiều lệnh trừng phạt gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân, theo New York Times.

Thời gian tới, nền kinh tế Afghanistan sẽ do phần còn lại của thế giới định đoạt. Điều này thể hiện ở việc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và các quốc gia khác sẽ đưa ra quyết sách như thế nào, có chịu công nhận Taliban là một chính phủ hợp pháp hay không.

Mỹ và cộng đồng quốc tế đang nỗ lực ngăn chặn dòng tiền, nhằm đóng băng nguồn tài chính của Taliban với lệnh trừng phạt. Theo giới phân tích, nền kinh tế sụp đổ có nguy cơ làm trầm trọng cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Afghanistan.

Để ngăn chặn viễn cảnh này, các nước bắt đầu tính cách làm việc cùng Taliban để viện trợ cho Afghanistan. Khi các nhà lãnh đạo nhóm G20 nhóm họp hôm 12/10 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) đã cam kết viện trợ 1,2 tỷ USD cho Afghanistan.

Gói viện trợ bao gồm chi phí cho các nhu cầu nhân đạo khẩn cấp và tiền hỗ trợ những nước láng giềng đang tiếp nhận người Afghanistan tị nạn.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen, cho biết gói viện trợ nói trên nhằm "ngăn chặn một cuộc sụp đổ kinh tế xã hội và nhân đạo lớn".

Cũng theo bà von der Leyen, số tiền này nhằm "hỗ trợ trực tiếp" cho người dân và sẽ được chuyển đến các tổ chức quốc tế, chứ không qua chính phủ lâm thời mà Taliban thành lập.

Nguy cơ khủng hoảng

Hồi cuối tháng 8, sau khi Taliban lên nắm quyền, giá trị đồng tiền của Afghanistan, đồng Afghani, giảm xuống mức thấp kỷ lục. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ajmal Ahmady cảnh báo tình trạng lạm phát có thể khiến giá lương thực tăng vọt.

Afghanistan co nguy co sup do nen kinh te anh 1

Một khu chợ ở thủ đô Kabul. Ảnh: New York Times.

Mỹ, từng rót 1 nghìn tỷ USD vào cuộc chiến ở Afghanistan, nay lại cản trở các tay súng Taliban tiếp cận với khoản dự trữ quốc tế 9,4 tỷ USD của nước này. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đình chỉ gói cứu trợ trị giá 400 triệu USD cho Afghanistan.

Ông Justin Sandefur, thành viên cấp cao từ Trung tâm Phát triển Toàn cầu, cho biết: “Trong tầm nhìn ngắn hạn, đây có thể là một thảm họa. Bạn nhìn thấy viễn cảnh đồng tiền sụp đổ và một cuộc khủng hoảng tài chính gây ra nỗi đau cho dân thường”.

Nền kinh tế Afghanistan bắt đầu suy yếu, trước cả khi Taliban lên nắm quyền. Cuối năm ngoái, các nhà tài trợ nước ngoài đã hội họp ở Geneva, Thụy Sỹ. Họ chỉ cam kết viện trợ 12 tỷ USD cho Afghanistan trong 4 năm tới, giảm 20% so với giai đoạn 4 năm trước.

Trong năm qua, việc Mỹ rút quân và rút vốn đầu tư cũng khiến Afghanistan sụt giảm nguồn thu nghiêm trọng. Nước này, giống như nhiều quốc gia khác trên thế giới, đang phải chật vật trước đại dịch Covid-19.

Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ, khoảng 90% dân số Afghanistan có mức sống dưới 2 USD mỗi ngày. Do đó, việc mất đi sự hỗ trợ của Mỹ có thể khiến nền kinh tế vốn đã nhỏ bé trở nên suy yếu hơn.

Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại về tình trạng mất an ninh lương thực tại Afghanistan. Vấn đề này còn có thể tồi tệ hơn nếu xuất hiện đợt hạn hán kéo dài như dự đoán.

Tương lai bất ổn

Hồi tháng 4, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố bản cập nhật về tình hình phát triển ở Afghanistan. Tài liệu này nhận xét: “Việc Mỹ rút quân hoặc cắt giảm viện trợ cho Afghanistan sẽ gây ra hàng loạt tác động khó lường đối với an ninh, sự gắn kết chính trị và nền kinh tế”.

Mức thâm hụt ngân sách của Afghanistan là tương đối thấp so với tỷ trọng nền kinh tế. Song Ngân hàng Thế giới vẫn cảnh báo “nguy cơ cao về nợ nước ngoài và nợ công”, do Afghanistan quá phụ thuộc vào viện trợ và có sản lượng xuất khẩu thấp.

Từ năm 2002, Ngân hàng Thế giới cung cấp hơn 5,3 tỷ USD cho các dự án tái thiết và phát triển ở Afghanistan. Sau khi Taliban tiến vào Kabul, họ vội vã sơ tán nhiều nhân viên khỏi thủ đô.

Theo cựu quan chức của Ngân hàng Thế giới Paul Cadario, vấn đề quan trọng là Taliban có thể duy trì các dự án cơ sở hạ tầng mà nước ngoài từng tài trợ hay không. Ông Cadario cũng cảnh báo khả năng Taliban không muốn tiếp tục các dự án liên quan đến cộng đồng hay giáo dục.

Một báo cáo của Liên Hợp Quốc hồi tháng 6 miêu tả nguồn tài chính của Taliban là phi pháp hoặc không uy tín, do phần lớn đến từ các hoạt động tội phạm như buôn bán ma túy, sản xuất cây thuốc phiện, khai thác khoáng sản hay bắt cóc đòi tiền chuộc. Báo cáo này ước tính doanh thu mỗi năm của Taliban từ 300 triệu đến 1,6 tỷ USD.

Giới chức chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nói họ đang theo dõi sát sao các hành động của Taliban. Hiện còn quá sớm để cho biết Mỹ có công nhận chính phủ mới là hợp pháp hay không.

Ông Juan Zarate, Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ về tài trợ khủng bố và tội phạm tài chính, nhận định: “Afghanistan giờ đây đã dấn thân một biển cấm vận quốc tế có liên quan đến Taliban kể từ vụ khủng bố 11/9”.

Afghanistan co nguy co sup do nen kinh te anh 2

Người dân xóa biển hiệu quảng cáo in hình phụ nữ ở Kabul. Ảnh: Getty.

“Các biện pháp trừng phạt sẽ là rào cản đối với tính hợp pháp của Taliban cũng như hoạt động thương mại của nền kinh tế Afghanistan”, ông Zarate nhận xét về tương lai.

Trong khi đó, Bộ Tài chính Mỹ không bình luận về khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt với Taliban hay Afghanistan.

Một cơ sở để tham chiếu là trường hợp Iran. Dư luận cho rằng các biện pháp trừng phạt đã gây thiệt hại cho dân thường. Song Mỹ vẫn đưa ra những ngoại lệ, thông qua các cơ chế quốc tế, nhằm cho phép một số giao dịch thương mại trên cơ sở nhân đạo.

Phó thủ lĩnh Taliban tới Kabul

Người đồng sáng lập Taliban, Mullah Abdul Ghani Baradar, đã đến thủ đô Kabul vào ngày 21/8 nhằm đàm phán về việc thành lập "chính phủ toàn diện mới" ở Afghanistan.

Chạy thoát Taliban, người Afghanistan sẽ đi về đâu?

Trước làn sóng tháo chạy vội vã của người dân Afghanistan sau khi Taliban lên nắm quyền, việc những người này sẽ đi đâu về đâu đang là câu hỏi tiếp theo được đặt ra.

Hai thập kỷ chiến tranh và cuộc sống ở Afghanistan qua ảnh

Các phóng viên ảnh của AP ghi lại một số khoảnh khắc trong chiến dịch quân sự và cuộc sống tại Afghanistan, cũng như sự hỗn loạn lúc này ở quốc gia Nam Á khi Taliban lại nắm quyền.

Uyên Uyên

Bạn có thể quan tâm